Sinh viên Vinh với Làng trẻ em SOS
Các Website khác - 09/01/2006
Sinh viên tình nguyện Nghệ An dạy học
cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Giám đốc Làng trẻ em SOS Vinh (Nghệ An) Văn Ðình Danh cho biết: TP  Vinh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng mô hình sinh viên đến với các em nhỏ tại Làng trẻ em SOS. Còn mẹ Nguyễn Thị Vịnh, người mẹ của gia đình mang tên Hoa Mộc Lan ở Làng thì nói: Các sinh viên tình nguyện  là những thành viên không thể thiếu trong "gia đình" này.
Tuần nào cũng vậy, cứ vào các buổi tối là Làng trẻ em SOS Vinh trở nên sống động và vui tươi khi có mặt các anh, chị sinh viên tình nguyện.

Làng trẻ em SOS Vinh hiện có khoảng 200 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa đang sinh sống và học tập trong các gia đình. Mỗi gia đình có một người mẹ. Mọi thứ ở làng được các cán bộ, nhân viên và các mẹ sắp xếp, bố trí nhằm giúp các em nhỏ có hoàn cảnh bất hạnh nhanh chóng hòa nhập cuộc sống cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.


Trước đây, trong những ngày đầu, hoạt động của sinh viên tình nguyện chỉ dừng ở việc tổ chức các trò chơi, dạy múa hát tập thể cho các em. Sau này, hoạt động đi vào "chiều sâu" với việc dạy các em nhỏ học tập. Dạy các em học văn hóa, ngoại ngữ, các bạn trẻ có thêm cơ hội gần gũi và hiểu hơn những tâm tư, suy nghĩ và những điều mà các em nhỏ nơi đây trăn trở. Nhờ vậy, tình cảm của những Ðội sinh viên tình nguyện với các em nhỏ, với Làng trẻ em SOS ngày càng gắn bó.

Một tuần ba buổi tối, từ bảy giờ đến chín giờ- từ gần tám năm nay, việc này đã trở thành một hoạt động không thể thiếu được đối với các bạn trẻ. Có nữ sinh viên nhà xa nhưng vẫn quyết tâm đến với các em bằng cách nhờ bố mình đưa đến làng để dạy học. Còn người bố thì đợi con gái mình dạy học xong lại đến làng đón về. Vào lúc cao điểm, cụ thể là vào mùa hè tình nguyện hằng năm, số sinh viên đến với làng SOS lên tới 200 người và ngôi làng yên tĩnh này trở nên sống động hơn bao giờ hết.

Mẹ Nguyễn Thị Vịnh, 53 tuổi, một cựu TNXP từng bị thương trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mẹ của gia đình Hoa Mộc Lan vừa giới thiệu về căn nhà ấm cúng, vừa tâm sự:

- Ði TNXP về, mẹ không lập gia đình. Ðến nay, mẹ đã ở đây 14 năm rồi, Làng trẻ em SOS này là gia đình của mẹ.

- Mẹ đã nuôi được bao nhiêu đứa con?

- Mẹ nuôi được 18 đứa con và có chín đứa đã trưởng thành, đã đi làm và đi học ngoài Hà Nội rồi đấy.

- Chắc là mẹ hạnh phúc lắm?!

- Các con ngoan, học giỏi thì mẹ rất vui. Thế nhưng, điều mẹ tâm huyết nhất, thích nhất trong những năm qua là hình ảnh sinh viên tình nguyện Trường đại học Vinh và Trường cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Họ còn rất trẻ nhưng đã biết cảm thông và sẻ chia sâu sắc những bất hạnh trong cuộc sống của các em thiếu nhi và đã trở thành những người anh, người chị thực thụ. Mỗi khi mùa thi đến, các anh, chị sinh viên không thể đến với làng thường xuyên nên bọn trẻ nhớ lắm. Chúng nó cứ hỏi mẹ: Bao giờ các anh, chị sẽ đến? Có đứa, cứ tối đến là ngóng ra cửa mong đợi các sinh viên tình nguyện đến dạy học.

Chỉ với hai giờ buổi tối, sinh viên tình nguyện Nghệ An thay nhau vừa dạy học, vừa giúp các mẹ những công việc trong gia đình. Họ tranh thủ thời gian cắt tóc, khâu vá và giặt, là quần áo cho các em nhỏ. Mỗi căn nhà trong Làng trẻ em SOS Vinh là một gia đình thứ hai của các sinh viên tình nguyện và ngược lại, mỗi gia đình nơi đây đã từ lâu luôn coi các bạn trẻ là thành viên thân thương không thể thiếu được trong cuộc sống hằng ngày.

Nữ sinh viên Uông Thị Huyền Trang, Khoa Ngoại ngữ K7A, Trường cao đẳng Sư phạm Nghệ An, tâm sự: Mấy hôm nay, chúng em bận thi học kỳ, cho nên không thể thường xuyên đến với làng nên nhớ bọn trẻ lắm anh ạ! Anh biết không, lần đầu đến dạy học, các em không ai nghe, mỗi đứa làm một việc riêng. Bọn em buồn đến phát khóc. Nhưng rồi, khi hiểu được công việc của sinh viên, các em nhỏ lại rất thương, rất quý, thường xuyên tâm sự chuyện gia đình mình và xin chúng em lời khuyên nữa. Bây giờ, em đã là chị của một đàn em nhỏ rất dễ thương.

Nữ sinh viên năm thứ hai Trần Thị Thúy, Khoa Ngoại ngữ, Trường cao đẳng Sư phạm Nghệ An, nói: Với em, hoạt động ở Làng trẻ em SOS Vinh và ở Khu điều dưỡng thương bệnh binh là những hoạt động, những ngày tháng không thể quên. Bởi đó là những kỷ niệm giúp em trưởng thành hơn trong suy nghĩ và hành động.

ÐINH SONG LINH