Kho cổ vật miền Trung
Các Website khác - 24/11/2005
Kho cổ vật miền Trung

Miền Trung từng được mệnh danh là cái kho cổ vật. Kho cổ vật này còn tản mát trong dân chúng với một số lượng đáng kể. Và nhờ những nhà sưu tập tư nhân có ý thức bảo tồn giá trị văn hoá, lịch sử mà số cổ vật quý giá ấy còn tồn tại đến ngày nay, dẫu trải qua bao cơn binh lửa, bao thử thách.

Nhà sưu tầm Hồ Anh Tuấn trong một
"góc" Chămpa tại nhà riêng ở
Đà Nẵng.
Bác sĩ Nguyễn Anh Huy (sinh năm 1967) ở Huế nổi tiếng với bộ sưu tập tiền cổ phong phú có giá trị bậc nhất Việt Nam. Bộ sưu tập này khiến các nhà sưu tập tiền tệ trên thế giới "chào thua" với đồng tiền Tĩnh Khang thông bảo của triều Tống Khâm Tông (1126 - 1127), quý hiếm đến nỗi các bảo tàng tiền tệ Trung Quốc cũng chưa sưu tầm được. Anh Huy thừa hưởng gia tài của cha là ông Nguyễn Văn Cường - người có 50 năm sưu tầm tiền cổ.

Nhưng Anh Huy với hơn 100 bài viết có giá trị khoa học về tiền cổ đã sớm trở thành hội viên chính thức của Hội Tiền tệ học Hoa Kỳ. Ngoài những đồng tiền cổ nhất của Trung Hoa như thế, Anh Huy hầu như có đủ các hiệu tiền của các triều đại phong kiến Việt Nam (chỉ thiếu tiền giấy nhà Hồ), từ đồng Thái Bình hưng bảo thời Đinh Tiên Hoàng (968 - 979) - là đồng tiền đúc đầu tiên của Việt Nam, cho đến đồng Bảo Đại thông bảo vào cuối thời Nguyễn; từ những đồng tiền giấy thời thuộc Pháp; tiền của Chính phủ Cụ Hồ trong những năm kháng Pháp được in trên giấy bổi; tiền của ngân hàng hai miền Nam - Bắc Việt Nam phát hành trước năm 1975, đến tiền hiện hành...

"Đồng tiền là nét mặt của mỗi đất nước, nó phản ánh nền chính trị, kinh tế, văn hoá của thời đại sinh ra nó, những đồng tiền cũ kỹ, mòn vẹt, gỉ sét ấy đang chứa trong mình những bí ẩn lịch sử" - Anh Huy đã viết như vậy.

Người thứ hai hiện còn ít người biết là luật gia Hồ Anh Tuấn. Nhưng ai đã một lần "lạc" vào "thế giới Chămpa" của anh thì phải tỏ lòng khâm phục. Anh Tuấn thừa hưởng gia tài sưu tầm của cha là ông Hồ Xuân Em - tác giả cuốn khảo cứu "Bí ẩn về những chiếc gương cổ", xuất bản năm 1999. Và Anh Tuấn cũng tiếp tục làm phong phú bộ sưu tập cổ vật Chămpa chuyên đề về chất liệu gốm và kim loại quý. 3 gian phòng trưng bày cổ vật Chămpa ngay trong ngôi nhà của anh ở số 90 đường Lê Lai, Đà Nẵng như một "góc" bổ sung cho Bảo tàng Điêu khắc đá Chămpa.

Nhân vật thứ ba vốn nổi danh từ lâu tại Hội An: Ông Diệp Gia Sùng - nhà số 82 đường Nguyễn Thái Học. Có thể gọi đó là bảo tàng tư nhân đầu tiên của VN. Từ đầu năm 2002, UBND thị xã Hội An đã đưa "kho báu" gia đình họ Diệp vào danh mục tham quan đô thị cổ để phục vụ khách du lịch. Bảo tàng tư nhân này là kết quả sưu tầm của nhiều đời nhà họ Diệp và có tính đa chủng loại, từ đồ dùng gốm sứ, kim loại của Trung Hoa, Việt Nam đến quốc ấn Chămpa! "Được Nhà nước cho phép lập bảo tàng tư nhân là niềm hạnh phúc. Bởi vẻ đẹp cổ xưa càng đẹp khi giao tiếp nguồn sinh khí của người đương thời" - Diệp Gia Sùng bình luận về "Luật Di sản văn hoá" như thế. Vĩnh Quyền

Thanh Hoá: Lần đầu tiên khai trương phòng trưng bày cổ vật

Sáng 23.11, Hội Cổ vật Thanh Hoá lần đầu tiên tổ chức khai mạc phòng trưng bày cổ vật nhân Ngày "Di sản văn hoá Việt Nam". Mang đến cuộc trưng bày lần này có hơn 900 cổ vật của nhiều bộ sưu tập của các nhà sưu tầm cổ vật Thanh Hoá, Nam Định, Hà Nội... Rất nhiều bộ sưu tập lần đầu tiên đã ra mắt công chúng, trong đó có bộ sưu tập bát, đĩa, âu gốm men ngọc thuộc văn hoá Lý - Trần thế kỷ XI-XIV của nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Xuân Lâm đã làm cho nhiều người "có nghề" và người xem hết sức thán phục về mặt giá trị văn hoá. Ông Nguyễn Xuân Lâm, cho biết đây là kết quả sưu tầm công phu của ông.