Một nhà sưu tầm tâm huyết với hiện vật văn hóa Tây Nguyên
Các Website khác - 23/11/2005
Nhà sưu tập Văn Đình Thành
bên những hiện vật của mình.
Khi đến Kon Tum tìm hiểu về nền văn hóa bản địa, nhiều nhà khảo cổ học đều rất ngạc nhiên và khâm phục khi biết anh Văn Ðình Thành đang sở hữu hơn 4.000 di vật đồ đá cổ thời tiền sử và nhiều bộ chiêng quý của đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum và Tây Nguyên.
Cùng với các nhà nghiên cứu, chúng tôi tìm đến gia đình anh Văn Ðình Thành để được tận mắt nhìn thấy các hiện vật đồ đá thời tiền sử và những bộ chiêng quý của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên trong bộ sưu tập của anh.

Trong căn nhà mới xây của anh tại 60 Hoàng Văn Thụ, thị xã Kon Tum, đồ đạc còn ngổn ngang, bộ sưu tập hiện vật đồ đá cổ chưa được trưng bày hết, một số còn gửi tạm nhà dân cùng phố... Văn Ðình Thành lần lượt mở từng hòm lưu trữ cho chúng tôi xem.

Anh cởi mở vào chuyện: Việc trở thành người sưu tầm và lưu giữ các hiện vật văn hóa cổ đến với tôi thật tình cờ và ngẫu nhiên. Năm 1990, trong khi tham gia đào đãi và thu mua vàng sa khoáng trên địa bàn xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, Kon Tum, tôi và những người đãi vàng phát hiện trong những hầm được đào lên để lấy đất đãi vàng có một loại đá có hình dáng khác với tự nhiên, nhiều hình tượng khác nhau, thấy hay hay tôi đem chúng về dùng làm vật trang trí trong gia đình.

Sự hiểu biết của tôi về những hiện vật này lúc đó không có mà chỉ là sự thích thú cái lạ...

Hai năm đầu (1990 - 1992) anh sưu tầm được khoảng 500 hiện vật đồ đá cổ các loại gồm: cuốc, bàn mài, rìu, vòng tay, chuỗi hạt... Số lượng hiện vật tăng dần hằng năm do người dân địa phương và dân đãi vàng tìm được và bán lại cho anh. Thời điểm này tại tỉnh Kon Tum, chỉ có mình anh dám bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua những vật "vô tri vô giác" này.

Năm 1994, những thông tin về việc Văn Ðình Thành đang sở hữu nhiều hiện vật đồ đá thời tiền sử ở Kon Tum đến với các nhà khảo cổ học ở địa phương và trong nước.

Viện Khảo cổ học đã cử cán bộ vào tìm hiểu, nghiên cứu thực tế những hiện vật đồ đá này và xác định đây là các di vật đồ đá cổ thời tiền sử ở Kon Tum, có niên đại khoảng từ 3 đến 4 nghìn năm. Nguồn thông tin này góp phần giúp cho các nhà văn hóa địa phương và các nhà khảo cổ học phát hiện ra vùng Di chỉ văn hóa Lung Leng...

Từ khi được các nhà khảo cổ học đánh giá, phân loại và hướng dẫn cách thức bảo quản cũng như cung cấp những kiến thức cơ bản về hiện vật đồ đá thời tiền sử ở Kon Tum thì sự đam mê tìm tòi và sưu tầm trong anh càng lớn. Anh tiếp tục sưu tầm để rồi nay trong kho lưu trữ của mình đã có 4.200 di vật đồ đá các loại, chiếm 1/3 trong số hiện vật đã khai quật ở Di chỉ văn hóa Lung Leng (Kon Tum).

Trong tổng số hơn 12 nghìn hiện vật bằng đá đã phát hiện tại tỉnh này, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh đang lưu giữ khoảng tám nghìn, số còn lại là của Văn Ðình Thành. Ðặc biệt có bốn hiện vật anh đang lưu giữ được xem là quý hiếm nhất, đó là ba mũi mác bằng đá và một bàn đập vỏ cây bằng đá.

Không chỉ là người có bộ sưu tập đồ đá cổ lớn nhất ở Kon Tum, anh còn là người đang sở hữu 35 chiếc chiêng quý của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Lào.

Anh kể: Ðể có được bộ sưu tập đồ đá và cồng chiêng này, anh và gia đình phải bỏ nhiều công sức và tiền của. Thời kỳ đầu, vì không hiểu hết các giá trị của các hiện vật này, việc sưu tầm của anh bị gia đình phản đối. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là việc sưu tầm và sở hữu các hiện vật văn hóa cổ nói chung, đồ cổ nói riêng trước đây đều bị cấm. Bởi vậy khi thấy anh chi phí nhiều cho công việc này thì gia đình không yên tâm và lúc nào cũng lo bị "trắng tay".

Tôi hỏi: Khi sưu tầm và lưu giữ các hiện vật này anh không sợ các cơ quan thu giữ hay sao?

Anh nói: Trước đây vì sự hiếu kỳ và thích thú các đồ vật lạ, phần thấy tiếc khi các bộ chiêng cổ bị những người buôn đồng nát phá hủy để lấy phế liệu nên tôi bỏ tiền ra mua trang trí trong gia đình. Nếu biết Nhà nước cấm thu mua và sở hữu thì tôi không dám sưu tầm... Nhưng hiện Luật Di sản văn hóa đang được thực thi và tôi đã có cơ sở pháp lý bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của mình. Sắp tới tôi sẽ cùng một số cơ quan chức năng thành lập bảo tàng tư nhân tại địa phương để trưng bày giới thiệu một số hiện vật về văn hóa ở Kon Tum và Tây Nguyên phục vụ việc nghiên cứu của khách trong nước và nước ngoài.

Ý tưởng và việc làm của nhà sưu tầm nghiệp dư Văn Ðình Thành là rất đáng trân trọng. Bởi nếu anh không có ý tưởng này và không có sự đam mê lưu giữ các hiện vật đồ đá quý này thì chúng sẽ bị quên lãng và thất thoát theo thời gian; cùng đó là thông tin về Di chỉ Lung Leng cũng sẽ mơ hồ với các nhà khảo cổ học và một số cồng chiêng Tây Nguyên sẽ trở thành phế liệu cho "đồng nát".

TUẤN HƯNG
(Ban Tuyên giáo tỉnh Kon Tum)