Đó là phát biểu của Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Đua trong lễ khởi công xây dựng nhà máy nước Thủ Đức sáng nay. Đây là dự án đầu tiên thực hiện chủ trương xã hội hóa cấp nước của thành phố, cũng là dự án đầu tiên về đầu tư hạ tầng theo hình thức "xây dựng - sở hữu - vận hành" (B.O.O).
Ông Nguyễn Văn Đua cho rằng, đến nay TP HCM vẫn chưa đạt yêu cầu phát triển đồng bộ về mạng lưới cung cấp nước sạch cho nhu cầu sử dụng của người dân mặc dù Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể cấp nước của thành phố từ năm 2001.
Lãnh đạo thành phố nhấn nút khởi công xây dựng nhà máy nước Thủ Đức. |
Theo đó, các nhà máy nước của thành phố sẽ phải cung cấp lượng nước sạch 1.600.000 m3/ngày đêm vào năm 2005, tương đương với 160 lít nước/người/ngày và phấn đấu đến năm 2010 cung cấp 2.400.000 m3/ngày đêm. Song, đến nay tổng công suất cấp nước sạch của thành phố chỉ mới đạt khoảng 1.200.000 m3/ngày đêm. Khả năng cung cấp nước sạch hiện nay còn thiếu 300.000-400.000 m3/ngày, đến năm 2010 dự kiến sẽ thiếu hơn 1,2 triệu m3/ngày đêm.
"Vai trò của nhà máy nước B.O.O Thủ Đức rất quan trọng trong việc cung cấp thêm một lượng nước sạch lớn cho thành phố. UBND sẽ không khoan nhượng cho bất kỳ sự giảm sút chất lượng nước sạch nào, lẫn tình trạng tuyến ống không đạt tiêu chuẩn ảnh hưởng đến chất lượng nước", ông Đua nhấn mạnh.
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước Thủ Đức có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 1.500 tỷ đồng (tương đương 92 triệu USD), bao gồm 5 hạng mục chính. Trong đó, dự án sẽ xây dựng một trạm bơm nước thô công suất 315.000 m3/ngày, một nhà máy xử lý nước 300.000 m3/ngày, 1 bể chứa nước sạch có dung tích 43.500 m3 và 1 trạm bơm nước sạch có công suất trung bình 300.000 m3/ngày. Ngoài ra, một tuyến ống chuyển tải nước sạch dài gần 26 km cũng được xây dựng để đưa nước sạch từ Thủ Đức cấp cho các quận 2, 9, 7 và huyện Nhà Bè.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủ Đức Lê Vũ Hoàng - chủ đầu tư - cho biết, nhà máy sẽ cung cấp 300.000 m3 nước sạch mỗi ngày đêm khi đi vào vận hành. Khối lượng nước sạch sản xuất ra sẽ bán sỉ toàn bộ cho Tổng công ty cấp nước Sài Gòn ngay từ năm đầu tiên sau khi đi vào vận hành. Giá bán nước trung bình trong 10 năm đầu là 2.524 đồng/m3.
10 năm trước, dự án xây dựng nhà máy nước Thủ Đức đã được Chính phủ chấp thuận cho Liên doanh Lyonnaise Des Eaux đầu tư xây dựng bằng hình thức BOT. Tuy nhiên, vì nhiều lý do dự án này không triển khai được. Năm 2003, theo đề nghị của UBND TP HCM, Chính phủ đã cho phép dự án chuyển sang hình thức đầu tư trong nước và tổ chức đấu thầu công khai năm 2004. Liên doanh gồm Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII), Tổng công ty xây dựng số 1, Quỹ đầu tư phát triển đô thị thành phố, Công ty cổ phần cơ điện lạnh, Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức, Công ty cổ phần nước và môi trường, đã trúng thầu dự án.
Trong buổi lễ khởi công, đại diện nhà thầu xây dựng Huyndai Mobis cùng với chủ đầu tư cam kết sẽ thi công không quá 22 tháng kể từ hôm nay, chất lượng sản phẩm nước sạch bảo đảm tiêu chuẩn nước sạch Việt Nam, nước sạch cấp độ 1 của Mỹ và Tổ chức y tế thế giới (WHO). Nhà máy nước Thủ Đức sẽ chính thức phát nước vào tháng 8/2007.
Phan Anh
▪ Ðổi mới, một quá trình cách mạng (30/09/2005)
▪ Chung sức cùng Văn Chấn vượt qua hoạn nạn (30/09/2005)
▪ Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm nhân dân vùng lũ quét ở Yên Bái (30/09/2005)
▪ Cuộc thi hỏi - đáp trực tiếp dành cho người nước ngoài (30/09/2005)
▪ Triển lãm ảnh nghệ thuật Vũ điệu trên cát (30/09/2005)
▪ Chiều nay nộp văn bản tranh tụng vụ kiện dioxin (30/09/2005)
▪ Bão số 7 làm thiệt hại gần 1.800 tỷ đồng (30/09/2005)
▪ Tang thương Ba Khe (30/09/2005)
▪ Khi lũ xé nát tim người... (30/09/2005)
▪ "Cán bộ hỏng, đất còn mất" (30/09/2005)