"Cán bộ hỏng, đất còn mất"
Các Website khác - 30/09/2005

Sau loạt bài viết trên báo phản ánh hiện tượng tham nhũng đất đai của một số quan chức địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ đã có buổi làm việc rất thẳng thắn với phóng viên. Ông cho biết:

Soạn: AM 510530 gửi đến 996 để nhận ảnh này
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Hiện tượng tham nhũng đất đang trở nên khá phổ biến ở nhiều địa phương và có cả ở trung ương, gây bức xúc dư luận. Một số vụ tham nhũng đất đai được Báo Lao Động nêu là có thật, nêu trúng vấn đề dư luận quan tâm.

Nguyên nhân xảy ra hiện tượng tiêu cực như thế này, theo tôi là do quản lý lỏng lẻo. Thứ nhất là do hệ thống pháp luật về đất đai trước đây chưa có sự điều chỉnh phù hợp. Thứ hai là việc tổ chức thực hiện luật ở địa phương chưa tốt. Thứ ba là việc kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới về lĩnh vực đất đai đã không được thực hiện.

- Nhưng việc kiểm tra vẫn diễn ra đấy chứ, thưa ông?

- Về mặt hình thức, việc kiểm tra đất đai ở VN mới có 3 lần. Còn cấp tỉnh tự động xuống cấp huyện, cấp xã để kiểm tra quản lý sử dụng đất đai, là người làm đã lâu trong ngành địa chính, tôi chưa bao giờ thấy. 

- Nhưng còn 3 lần kiểm tra đất đai toàn quốc thì sao, thưa Thứ trưởng?

- Lần thứ nhất là năm 1996, sau khi thống kê được mọi vấn đề cần giải quyết, đến phần xử lý vi phạm thì "tắc". Tức là kiểm tra xong, vạch ra mọi vấn đề sai phạm thì... để đấy, không làm gì tiếp. Lần thứ hai là tháng 4.2002. Theo đánh giá của Bộ TNMT, mới khoảng 20% số vụ vi phạm đất đai được xử lý. Còn lần thứ ba mới diễn ra hồi tháng 8.2005.

- Và việc lơi lỏng kiểm tra là nguyên nhân làm cho việc tham nhũng đất đai quá dễ dàng?

- Đó cũng là một yếu tố. Nhưng đã có những lúc văn bản pháp quy chưa "kín kẽ", thậm chí có những điều khoản còn ngược nhau, nên bị lợi dụng. Như Chương trình 327 về phủ xanh đất trống đồi núi trọc của Bộ NNPTNN đã bị lợi dụng, tạo nên những vụ tham nhũng đất lâm nghiệp để trồng caosu ở Tây Ninh và một số địa phương khác.

Vấn đề bị "hổng" là do Chương trình 327 được coi như một chương trình độc lập với luật. Nếu khi triển khai Chương trình 327, vận dụng đúng Luật Đất đai, quy định rất rõ đối tượng nào mới được giao đất, được giao diện tích bao nhiêu... tôi tin không xảy ra chuyện tham nhũng đất. Bởi người ta không thể "lôi" một ông lãnh đạo tỉnh ra mà giao một diện tích đất "kếch sù" để trồng rừng caosu như cách làm ở Tây Ninh được. 

- Nhưng để tham nhũng được đất đai, ngoài những yếu tố khách quan về pháp quy nêu trên còn có yếu tố đạo đức của những vị "quan tham" nữa chứ?

- Những điều tôi muốn nêu là thuộc phần mà luật "chơi" nhau được. Và khi đem luật ra thì có thể "soi" được "ông quan" này làm như thế là sai, "ông quan" kia làm như thế là tiêu cực.

Tuy nhiên, vẫn có thể tóm lại rằng: Cộng với những sơ hở chỗ này chỗ khác của văn bản pháp luật, cộng với những cái gọi là thi hành pháp luật không nghiêm ở cấp này cấp kia, cộng với thực hiện quy trình kiểm tra chưa thật thường xuyên, chỉ tới khi có chủ trương chung của Nhà nước thì làm, làm xong rồi chưa chắc đã xử lý hết... để dẫn đến tham nhũng đất đai là vấn đề cán bộ.
Tôi vẫn thống nhất với quan điểm của mọi người cho rằng vấn đề cán bộ là then chốt, cán bộ "hỏng" dẫn đến việc dân không tin, bởi thông thường người dân địa phương chỉ nhìn vào hành vi của ông cán bộ. Nếu hành vi đó làm cho dân thấy "chướng mắt", họ sẽ bất bình, tố cáo. 

- Quan điểm của Bộ TNMT đối với những câu chuyện tham nhũng đất đai mà báo chí và dư luận phanh phui thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Đồng tình với báo chí, và cũng như quan điểm chung của Nhà nước, chúng tôi thấy cần phải xử lý nghiêm, chứ không thể nhân nhượng với những trường hợp lợi dụng chức quyền để chia chác đất. 

- Việc xử lý các "quan" tham nhũng đất sẽ được thực hiện thế nào?

- Đang có một điểm bất cập, mà qua đợt kiểm tra đất đai tháng 8.2005 vừa rồi chúng tôi thấy: Đến khi xử lý có rất nhiều chuyện "vướng".

Trước hết, do sự phân cấp quản lý mà cán bộ, địa phương sẽ xử lý ở địa phương. Trung ương cũng không có ông thanh tra nào trực tiếp xuống xử lý kỷ luật cán bộ ở dưới được, mà phải qua một quy trình xử lý cán bộ ở địa phương. Mà địa phương là cấp có quá nhiều việc, từ bão lụt, hạn hán, xoá đói giảm nghèo... nên không chuyên tâm được.

Mặt khác, mối quan hệ trong lãnh đạo ở địa phương cũng "gia đình" hơn ở trung ương. Cán bộ tỉnh xuống xử lý cán bộ huyện "đôi khi" cũng khó, bởi gần gũi với nhau quá. Chưa kể là họ hàng dòng tộc... nên không xử lý nổi.

Bởi vậy, khi xem xét các vấn đề khiếu nại tố cáo, Bộ TNMT sau đợt kiểm tra vừa rồi đã kiến nghị với Chính phủ phải đổi mới cơ chế giải quyết tranh chấp khiếu nại tố cáo, theo cách, thay việc dồn hết về địa phương như trước, bằng việc cần phải có một cơ quan tài phán ở trung ương về đất đai để giải quyết, nhằm đảm bảo tính khách quan. 

- Vậy, những trường hợp vi phạm đất đai như ở Tây Ninh, Khánh Hoà, Hưng Yên... mà Báo Lao Động phản ánh, theo ông sẽ giải quyết thế nào?

- Về nguyên tắc chung, những cái gì sai so với chính sách đất đai lúc đó, nếu hệ quả của việc làm sai đó lớn, việc làm sai đến mức gây tổn hại, thì có thể phải thu hồi đất lại. Nếu cái sai đó gây hệ quả không nhiều, thì có thể buộc xử lý bằng nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể tôi mới có thể nói được là phải xử lý như thế nào.

- Ngoài chuyện cơ chế chính sách bị lợi dụng, rõ ràng đã có chuyện sử dụng đặc quyền đặc lợi bao chiếm tham nhũng đất. Việc này xử lý thế nào?

- Những cái đó là sai, nếu các vị cán bộ đã làm như thế thì cứ theo đúng khung xử lý cán bộ ở thời điểm đó để xử lý. Có thể là kỷ luật cán bộ, kể cả về hưu rồi vẫn đưa ra kỷ luật được. Thậm chí phải có cả những trường hợp vị cán bộ phải bị cách cái chức đã giữ hồi đó. Tức là bị nhận hình thức kỷ luật không còn được gọi "ông nguyên giám đốc sở"; "nguyên phó chủ tịch huyện"... 

- Để ngăn chặn tham nhũng đất đai, theo Thứ trưởng cần làm những gì?

- Luật pháp đã có rồi. Vấn đề còn lại là phải thiết lập một hệ thống kiểm tra thường xuyên. Bởi có kiểm tra mới phát hiện được chỗ này, ông kia. Chỉ cần xuống kiểm tra và gặp dân là ra được ngay những chuyện tham nhũng đất cát.
Tôi đọc những bài báo của Lao Động, cũng thấy từ dân mà báo phát hiện ra. Ngay cả tôi xuống kiểm tra, biết chỗ này chỗ kia, ông này ông khác có đất bao nhiêu hécta... toàn là được dân nói cho biết. Cứ theo ý kiến của dân phát hiện mà vào xem, dứt khoát là ra chuyện tham nhũng. Chỉ cần được như thế, tham nhũng đất sẽ bớt ngay.

Công Thắng (Lao Động)

Ý kiến của bạn: