Năm hết tết đến, nhà nhà nô nức đi sắm sửa những mong đón một cái Tết cho thật rôm rả, bù cho cả năm đầy bận rộn, nhọc nhằn.

Thế nhưng, trái với sự háo hức và mong chờ, các bà nội trợ đều “lắc đầu, lẽ lưỡi” khi nghĩ đến cảnh phải chen chúc, giành giật nhau từng món đồ trong siêu thị, cám cảnh dòng người rồng rắn chờ tính tiền… và nhất là bị những kẻ cắp tinh vi “cuỗm” sạch cả tiền bạc.
Từ chuyện có tiền thì phải tự lo mà giữ...
Bà Nguyễn Thanh H (Mỹ Đình) vẫn chưa khỏi bàng hoàng khi sờ đến cái túi con được bà đeo cẩn thận, lúc nào cũng kè kè ngay trước ngực khi số tiền hơn bốn chục triệu đồng của công ty giao đi mua rượu đã “không cánh mà bay”.
“Công ty giao cho tôi đi mua 48 chai rượu để làm quà chúc Tết và tôi đã cẩn thận vào tận siêu thị Big C để mua cho yên tâm. Thế mà không ngờ tiền vẫn bị bọn trộm lấy mất. Giờ tôi biết lấy tiền đâu ra mà đền cho cơ quan…” – bà H nói trong nước mắt.
Mấy nhân viên đứng ở quầy rượu của Big C chỉ còn biết nói với theo khi bà H tong tưởi quay trở ra, có lẽ bà đã bị “thợ” rạch túi chuyên nghiệp để ý từ khi vào siêu thị.
Vẳng lên trong tiếng loa phát đi “thông điệp” của những người quản lý Big C: “Khách hàng xếp hàng không chen lấn, xô đẩy đề phòng bị kẻ gian lợi dụng lấy mất tài sản” và “khách hàng phải tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý tiền vài tài sản của mình”… cũng không thể giúp bà H lấy lại được số tiền hơn 40 triệu của mình nữa.
Ngay tại quầy tính tiền của Big C, một vị khách hàng lớn tuổi cũng đang thảng thốt khi phát hiện túi áo của bà đã bị rạch một đường “gọn gàng”, đủ để “lôi” chiếc bóp nhỏ xinh bà đựng hơn một triệu bạc định để lấy ít hàng về bán tết.
“Khổ quá, hai vợ chồng tôi dành dụm được chút lương hưu, định đi mua ít hàng lặt vặt bán ở ngay cửa nhà để vui mấy ngày Tết thì nay đã mất sạch rồi.” – bà cụ kêu. Cụ ông thì bức xúc chạy ngay ra “phản ảnh” với anh nhân viên bảo vệ đứng cạnh cổng “sao lại để cho bọn trộm cướp ngang nhiên hoành hành trong siêu thị lớn như vậy ? - “Làm sao phòng được kẻ gian hả cụ ? Chúng cũng ăn mặc như những khách hàng vào mua sắm thì làm sao chúng cháu biết mà đuổi ra được ?”, anh nhân viên đáp lại bằng câu hỏi khiến cụ ông đứng ngẩn người…
Một chị khách hàng đứng gần đó cho biết, trước chị đã từng là nhân viên bán hàng của Big C và chị biết rõ có hai nhóm một nam, một nữ chuyên hoạt động trong siêu thị với “chiêu” rạch túi khách hàng. “Chúng hoạt động rất chuyên nghiệp. Nhóm nữ thì toàn các cô trông rất xinh, ăn mặc như những khách hàng vào tham quan mua sắm nên chẳng ai chú ý và thường chỉ hoạt động từ hai đến ba ngày rồi lại đổi “ca” cho nhóm nam để tránh bị nhớ mặt.” - chị cho biết.
“Thế quản lý và bảo vệ trong siêu thị không biết việc đó hay sao mà cứ để chúng hoành hành lấy cắp tiền của khách hàng ?” – “Úi giời, tôi chẳng biết họ có biết hay không, nhưng tốt nhất là mình có tiền thì phải giữ. Ngay cả hàng đã mua rồi mà để trên xe đẩy ra cũng phải để ý, không thì dễ mất ngay chẳng chơi” - chị nói rồi quấy quả đi luôn như thể sợ mình sẽ là “nạn nhân” tiếp theo của những vị “khách không mời”.
…đến văn hoá “xài” tiền mặt
Chuyện chen lấn, xô đẩy nhau tại quầy tình tiền hay cảnh giành giật nhau từng món đồ trên các kệ hàng vào những ngày giáp Tết chẳng phải là “hiếm” tại các thành phố lớn.
Ở hầu hết các siêu thị (nếu không nói là toàn bộ), đều gặp cảnh tượng các ông chồng, ông bố đứng ngán ngẩm “ngáp ruồi” chờ các bà vợ, các cô con gái “rượu” mê mải chọn hàng và chờ tình tiền hàng giờ đồng hồ. “Tôi không hiểu họ làm gì trong đó (siêu thị) mà lâu đến thế ! Đã bảo là mua dần từ sớm đi cho đỡ khổ mà vợ tôi cứ không nghe. Rõ là cứ thích mua việc vào người, mất thời gian vô bổ.” - một ông chồng tỏ ra cáu gắt khi phải đứng chờ vợ gần 3 giờ đồng hồ.
Có lẽ, chỉ ở Việt Nam, văn hóa “sắm Tết” mới rộn ràng và cũng lắm phiền phức đến thế, khi mà việc dùng tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán chủ yếu để người dân mua hàng.
Ra ngoài chợ tiêu tiền “tươi” đã đành, nhưng đằng này vào siêu thị cũng phải “ôm” một “mớ” tiền. “Nhiều khi nghĩ đến việc cầm mấy chục triệu vào siêu thị cũng ngại, nhưng mang thẻ (ATM) đi thì lại lo không biết liệu ở siêu thị đó có thanh toán được hay không? Ở đó có “cây” rút tiền của ngân hàng phát hành thẻ cho mình hay không? Chi bằng cứ cầm tiền ‘tươi” đi cho chắc, nhưng lại dễ bị “đụng” bọn rạch túi…” - chị Lê Thị T (Thái Hà) cho biết.
Một điều dễ nhận thấy là hiện tại, ở hầu hết các siêu thị, việc chấp nhận thanh toán bằng thẻ đều đã có, nhưng do các ngân hàng chưa liên kết với nhau nên việc nơi dùng thẻ này mà không chấp nhận thẻ kia vẫn là phổ biến. Đó là chưa kể, một số siêu thị cũng đã cho ngân hàng lắp đặt “cây” rút tiền, nhưng do sự bất cập của việc thanh toán nên khách hàng thường xuyên phải ra rút tiền mặt, dẫn đến các “cây” rút tiền này luôn trong tình trạng hết tiền, không đủ đáp ứng nhu cầu.
Hơn nữa, chính tâm lý “tích trữ” đồ ăn, thức uống của người Việt Nam ta nên cũng đã khiến cho việc đổ xô đi mua sắm trong ngày Tết gây tình trạng ‘nghẽn’ cả về cung ứng hàng lẫn tiêu thụ hàng. Đây cũng chính là cái “cớ” để doanh nghiệp, người kinh doanh tự ý nâng giá hàng hóa lên một cách vô tội vạ và người dân thì vẫn “hồn nhiên” trả tiền cho sự vô lý ấy.
Theo TTXVN