Cuộc trốn nợ giữa đêm tháng 11/1993 đã đẩy gia đình anh Trần Văn Dũng (ấp Phước An, xã Long Toàn, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) rơi vào thảm cảnh, thậm chí phải "gán" cả hai đứa con lấy lưng vốn làm ăn. Nhưng cũng chính những ngày tháng cơ cực ấy đã tạo ra động lực giúp anh vượt qua gian khó, tủi cực để trở thành một nhà sáng chế máy nông nghiệp, một tỉ phú nổi tiếng tại Trà Vinh…
Bỏ xứ trốn nợ
Về Trà Vinh, hỏi tên anh Dũng "máy hút bùn", rất nhiều người dân ở đây đều biết vì anh được mệnh danh là "người đương thời" của tỉnh.
Sinh ra trong một gia đình đông anh em, khó khăn bộn bề nên anh Dũng phải chấp nhận cảnh nghèo khó và thất học. Năm 1990, anh Dũng lập gia đình. Bốn đứa con ra đời càng làm cho cuộc sống đôi vợ chồng thêm khốn khổ. Mùa màng thất bát, anh đánh vật với nghề thợ mộc để nuôi 6 miệng ăn. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Biếu cũng sống lay lắt bằng nghề thợ may. Mỗi ngày, hai vợ chồng cũng chỉ kiếm được 20.000 đồng. Nhiều đêm ngủ mà nước mắt chị Biều cứ rơi vì lo ngày mai các con không có gì ăn. Mùa tôm phất, anh chị vay nóng 15 triệu đồng đổ vào hồ tôm. Tôm thất thoát, anh chị bán sạch nhà cửa, đất đai ruộng vườn cũng chỉ trả được 7 triệu đồng. Trắng tay, nợ nần, vợ chồng anh Dũng rơi vào tuyệt vọng.
Rồi cũng đến ngày không thể sống ở đất Trà Vinh được nữa vì các chủ nợ ngày nào cũng đến đòi tiền, 12h đêm 23/11/1993, vợ chồng anh vơ vội vài bộ quần áo, lên chiếc ghe nhỏ dắt díu các con trốn nợ. Cả nhà lênh đênh không biết cập bến bờ nào. Ghe xuôi đến bến Phụng Hiệp (Sóc Trăng), thấy người ta cột ghe theo tàu lớn, anh cũng làm theo. Chiếc ghe được tàu buôn này kéo dạt về hướng cửa biển sông Đốc. Cả 6 người chen chúc trong chiếc ghe con chỉ dăm mét vuông. Chị Biều đi xẻ củi khô, còn anh Dũng, ai thuê gì làm nấy.
Năm 1997, một cơn bão lớn đánh tan cả vốn liếng lẫn ghe. Anh chị lại đóng chiếc ghe nhỏ khác quay về chợ Giường (huyện Tiểu Cần, Trà Vinh) sống tạm. Một nhà buôn thương tình cho gia đình anh ở tạm trong kho chứa củi. Biết tin bố mẹ ở quê mất vì lo lắng và bệnh tật nhưng vợ chồng anh cũng chỉ biết ôm nhau khóc mà không dám trở về vì sợ bị hàng xóm xiết nợ.
Không biết chữ, được Huân chương lao động
Về quê, vợ chồng anh phải khất lần món nợ 8 triệu đồng, đào đất thuê đặng kiếm sống qua ngày. Trong khi người ta đào đất bằng máy, hai vợ chồng phải dậy từ 4h sáng, đánh vật bằng sức lao động cơ bắp. Nỗi cực nhọc nặng nề của nghề đào đất mướn thôi thúc anh quyết tâm phải có chiếc máy đào.
Năm 2001, anh bắt tay sản xuất chiếc máy đào đất đầu tiên. Chưa từng một ngày làm quen với nghề cơ khí nên hàng ngày anh Dũng quan sát máy của hàng xóm rồi mượn cưa sắt mày mò làm. Không có tiền mua sắt, một hàng xóm tốt bụng cho vợ chồng anh mượn giấy tờ hai công đất để thế chấp vay 6 triệu đồng, quyết thực hiện ước mơ (Cũng trong thời gian này, anh đã chạy vạy đón được hai đứa con trai của mình trở về).
Ngày đầu tiên đưa máy ra đồng, vợ giữ một bên, chồng giữ một bên nhưng chiếc máy trầy trật, hỏng lên hỏng xuống. Thất bại nhưng không nản, anh lại vay tiền sửa máy. Nhiều người cười khẩy, làm ăn không lo làm, toàn vay tiền rồi đổ vào những chuyện tốn kém dở người. Thế rồi anh cũng thành công. Chiếc máy thứ hai mỗi ngày cũng giúp vợ chồng đào được khoảng 30m3 đất, gấp nhiều lần ngày thường. Với công suất đó, trừ chi phí, trung bình mỗi tháng, vợ chồng anh thu được 18 triệu đồng, trong khi chiếc máy có giá thành chưa đến 17 triệu đồng. Chiếc máy thứ ba ra đời sau đó có công suất 180m3/ngày. Hai giàn dao có chiều cao 1,1m liếm từng thớ đất cuốn vào thân, giúp vợ chồng anh Dũng tăng thu nhập nhiều hơn. Anh trả hết nợ nần và dần nghĩ đến việc sản xuất thêm nhiều chiếc máy khác.
Năm 2005, anh sản xuất ra máy nạo vét bùn và bến bãi. Tháng 3/2005, anh Dũng tiếp tục nhận lời chế tạo cho Xí nghiệp Ba Son (TPHCM) một máy hút bùn sông rạch. Từ mẫu máy đào đất hút bùn ao tôm, anh đã nghiên cứu cải tiến thành máy nạo vét, hút bùn sông rạch với nhiều đặc điểm nổi trội như máy chỉ nặng 500kg, giá thành khoảng 55 triệu đồng/chiếc, chạy bằng dầu, có khả năng sên vét ao bùn, bãi bồi kênh rạch, sông ngòi ở độ sâu từ 2 - 4,5m, công suất 30m3/giờ, được lắp ghép từng phần nên tháo ráp, vận chuyển dễ dàng. Hiện đã có hai công ty ở Bình Dương và Bình Định liên hệ đặt mua máy này của anh.
Năm 2008, anh sản xuất tiếp máy suy thông đáy ao để hút cặn bã dưới lòng hồ, phục vụ cho việc nuôi cá da trơn. Nhiều người không thể hiểu tại sao người nông dân này lại có kiến thức vật lý tốt đến vậy và sản xuất rất nhiều loại máy rất có ích cho cộng đồng. Càng ngạc nhiên hơn bởi đây là sản phẩm của một nông dân nghèo mà khi tiếp xúc với chúng tôi, anh thú nhận một điều rất thật: Mình không biết chữ.
Trong tủ kính gia đình, hơn 20 bằng khen lớn nhỏ được anh cất giữ trang trọng bởi đó là công sức trong những tháng ngày đầy mồ hôi và nước mắt. Anh cho biết, năm 2003, chiếc máy đào đất của mình được HCV Hội chợ Techmart toàn quốc. Năm 2004, anh Dũng được Chính phủ tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3.
Dù đã nắm trong tay hàng trăm tỉ đồng nhờ bán các loại máy trên cả nước nhưng đôi vợ chồng này vẫn giữ nguyên ngôi nhà cũ đã xây từ năm 2001 đến nay. Anh bảo, vợ chồng đã từng sống những ngày không có chỗ trú nắng trú mưa, có được ngôi nhà rộng rãi thế này đã là niềm mơ ước quá lớn.
Ngày lễ Tết năm nào, vợ chồng anh cũng mang quà đi làm từ thiện, bởi theo cách nói khiêm tốn của anh, thành công của mình cũng là do "trời cho" nên năm nào anh cũng chia một ít cho những người kém may mắn như vợ chồng anh đã từng nếm trải 20 năm.
***
NHÀ KHOA HỌC NÔNG DÂN LỚP... 7
Ở Hà Nội có một nông dân tự phát minh ra chiếc máy tráng bánh cuốn với năng suất cao hơn 10 - 20 lần so với cách làm truyền thống, lại giảm cực nhọc cho người thợ. Anh Bùi Đỗ Hậu không chỉ là niềm tự hào của làng nghề Thanh Lương (Thanh Oai, Hà Nội), mà còn là cứu tinh cho hàng trăm người dân sống bằng nghề làm bánh cuốn ở Thủ đô.
Thế chấp nhà, chế tạo máy
Chiếc máy tráng bánh cuốn tự động đầu tiên "made in Bùi Đỗ Hậu" ra đời cách đây đã gần chục năm. Mỗi tháng năm trôi qua, nó lại thêm một lần cải tiến để cho năng suất nhanh hơn, chất lượng bánh ngon hơn. Chỉ có hai thớt sắt quyện vào nhau nhưng nếu so với cách làm truyền thống thì máy tráng bánh cuốn cho năng suất hơn làm thủ công từ 10 - 20 lần.
Ý tưởng cho chiếc máy tráng bánh cuốn ra đời từ khi anh biết tin ở Trung Quốc có cái máy xay bột. Anh về, đem giấy tờ nhà thế chấp ngân hàng để vay 10 triệu đồng, chế tạo máy xay. Không có kiến thức cơ khí, lần đầu chạy thử nghiệm, 1 tấn bột gạo qua máy của anh đã thành... thức ăn nuôi heo! Vốn liếng cả gia đình đổ hết vào máy, anh chạy vạy vay mượn họ hàng, bạn bè, tiếp tục đổ vào sửa chữa, khắc phục.
Thực tiễn là mẹ của sáng chế
Làm bánh cuốn vốn là đặc sản của làng nghề Thanh Lương (xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Để làm ra 100kg bánh đưa ra các chợ, người thợ phải hì hụi bên lò tráng bánh nóng hừng hực cả ngày. Nhà vốn làm nghề, anh Hậu hiểu những buổi thức khuya dậy sớm cực nhọc của vợ con nên quyết tâm làm thành công chiếc máy tráng bánh.
Anh tâm sự: Mình chỉ học hết lớp 7/10. Gia đình vốn là nghề nông, chưa một lần biết thế nào là kiến thức vật lý. Ban đầu, tiếc tiền quá nên cố làm. Nhưng càng làm, càng thấy nó rất cần với chính gia đình mình và với cả bà con làng xóm. Nhờ có máy tráng bánh cuốn tự động, không những có năng suất vượt trội mà bánh ngon hơn so với tráng bằng tay. Khi dùng máy, nguyên liệu được nhào trộn rất đều và kỹ nên bánh có độ dẻo, dai hơn, thời gian nhanh hơn, giữ được độ nóng.
Anh bấm đốt ngón tay rồi cho biết, đến nay, hơn 200 máy tráng bánh cuốn đã được bán ra. Khách hàng không chỉ vùng lân cận mà còn ở những tỉnh xa tìm đến, thậm chí một số bà con Việt kiều cũng đặt anh làm những chiếc máy làm bún, bánh cuốn mang ra nước ngoài để sản xuất.
***
THỢ BẢO TRÌ MÁY CƠ ĐIỆN SÁNG TẠO “BẾP MẶT TRỜI”
Chiếc bếp mặt trời của anh Đỗ Văn Trán (Quận 8. TP Hồ Chí Minh) đã đoạt giải khuyến khích tại cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật TPHCM lần thứ 18" do Sở KH-CN TPHCM phát động năm 2007. Từ một thợ máy làm thuê, anh tự chế ra chiếc bếp sử dụng năng lượng mặt trời với nhiều chi tiết cải tiến đầu tiên ở Việt Nam.
Phát minh qua… tự học
Căn hộ đơn sơ của anh Trán nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng tại quận 8, TP Hồ Chí Minh. Trước sân, ngổn ngang sắt thép đã hoen rỉ- tác phẩm của những ngày anh miệt mài chế tạo bếp năng lượng.
Anh Trán kể, năm 1994, khi còn làm thợ bảo trì máy cơ điện, anh vô tình "bắt" được một cuốn sách cũ viết về năng lượng mặt trời. "Đọc xong cuốn sách, ngay lập tức tôi mong muốn tự mình làm được một cái bếp mặt trời như tôi đang có hiện nay", anh Trán cho hay. Thế nhưng, mãi đến 10 năm sau, người công nhân này mới bắt tay thực hiện được ước mơ.
Ở đâu có nắng, ở đó có thể dùng "bếp mặt trời"
Thế rồi chiếc bếp mơ ước của Trán cũng ra đời. Chiếc bếp tự chế của anh gồm các bộ phận: mặt phản xạ thu ánh sáng hình parabol, thùng bếp, bộ phận truyền dẫn có tác dụng truyền dẫn nhiệt tới thùng bếp. Mặt bên trong của thùng bếp có gắn xốp để giữ nhiệt. Bộ dẫn nhiệt gồm 2 ống thuỷ tinh giúp giữ thoát nhiệt, bộ phận truyền nhiệt được cấu tạo bởi một ống đồng nhỏ có độ dài khoảng 2m để truyền nhiệt vào thùng bếp
Theo anh Trán, nếu các loại bếp năng lượng mặt trời khác phải có nắng từ 33 độ C trở lên mới nấu được, chiếc máy của anh chỉ cần nắng khoảng 25 độ C đã có thể nấu nước sôi rất nhanh. Đặc biệt, khi trời mưa, vẫn có thể nấu nướng được do có hệ thống lưu nhiệt gần 5 giờ. Chiếc bếp có tuổi thọ gần 10 năm và tổng chi phí khoảng 4,5 triệu đồng.
Sau khi chiếc bếp đoạt giải, có nhiều người hỏi mua. Nhưng vốn không có, dù muốn, anh cũng không thể tiếp tục đầu tư để hoàn thiện và sản xuất thêm chiếc khác. Anh cho biết, mình đã mang bếp đến rất nhiều nơi để xin đầu tư nhưng không có kết quả…
Theo Giadinh.net
▪ Tấp nập xem ngày xuất hành, xông đất (20/01/2009)
▪ Kinh hoàng….sắm Tết (20/01/2009)
▪ Hà Nội phạt 8 đơn vị đào đường sai quy định (20/01/2009)
▪ Cuối năm, nườm nượp đi “trả nợ”… Bà Chúa Kho! (20/01/2009)
▪ Vinamilk và câu chuyện từ thiện (20/01/2009)
▪ Chào đón chú trâu Kỷ Sửu (20/01/2009)
▪ Xuân đã về trên đảo Mắt (20/01/2009)
▪ Qua cầu Rạch Miễu: Như mơ! (20/01/2009)
▪ Qua cầu Rạch Miễu: Như mơ! (20/01/2009)
▪ Phiên chợ Tết đậm chất quê (20/01/2009)