“Bật đèn xanh” với con
Tại lớp tập huấn báo chí với trẻ em do Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh và Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển vừa tổ chức cuối tháng 10-2005, có một trò chơi dành cho các nhóm: “Hãy nêu lên những điều bạn mong muốn nhất ở người bạn thân”. Đủ mọi mong muốn: được bạn quan tâm, chia sẻ niềm vui nỗi buồn... Khi các nhóm trình bày xong, giảng viên Trần Ban Hùng đúc kết: “Đó cũng chính là những điều mà con cái đang mong chờ ở bạn!”.
Lớp có 31 thành viên đến từ nhiều tỉnh thành phía Nam, chỉ một người - chị Trần Thị Anh Đào, phóng viên Đài phát thanh truyền hình Bến Tre - giới thiệu: “Bạn thân của tôi chính là con gái 12 tuổi”; rồi tâm sự: “Từ khi con bước vào tuổi dậy thì, nhận thức được những điều xung quanh, tôi bắt đầu làm bạn với con. Mới đầu cũng gặp nhiều khó khăn nhất là câu mở lời cho vấn đề giới tính. Chính sự gợi mở chân tình theo kiểu một người bạn lớn, con đã tin tưởng và bộc bạch rất nhiều chuyện với tôi kèm câu dặn dò: “Phải giữ bí mật!”.
Với các chuyên viên tư vấn tâm lý, lời khuyên chân thành cho các bậc phụ huynh gặp vấn đề với con thường là: “Hãy đặt mình vào vị trí của con”.
Thực tế hôm nay cho thấy nhiều gia đình làm bạn với con từ khi con còn rất nhỏ. Vốn có cùng sở thích du lịch bụi, anh chị Nam và Huyền Ngân (đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TP Hồ Chí Minh) đưa luôn hai con vào cuộc.
Rất nhiều năm, hầu như lúc nào cả gia đình cũng cùng rong ruổi khắp mọi miền đất nước bằng tất cả các loại phương tiện rẻ tiền nhất. Và album hình ảnh kỷ niệm du lịch gia đình đã chất đầy một thùng. “Chúng tôi thật sự đã là những người bạn đồng hành, cùng bàn bạc lên kế hoạch và cùng thực hiện”.
Kỹ sư phần mềm Phan Cao Vinh (22 tuổi), con của anh chị Nam - Ngân, tiết lộ: “Rất nhiều bạn đã “ghen tị” với cách cư xử của ba mẹ tôi. Cả nhà bốn người luôn được trò chuyện cười đùa một cách thoải mái, tất nhiên vẫn phải có tôn ti trật tự. Với các chuyến đi, ba mẹ đã rèn luyện tính độc lập, tự tin, chịu khổ và thích nhất là trao cho chúng tôi một kiến thức thực tế rất sinh động. Mai này có gia đình chắc chắn tôi sẽ vận dụng lại cách rèn luyện, giáo dục này với con mình”.
Vượt rào cản tâm lý
“Làm bạn với con cái, một khái niệm không mới nhưng cũng chẳng cũ. Xin đừng mong là có một quyển sách hướng dẫn nào. Bạn sẽ phải tự viết nó cho riêng bạn. Hãy bắt đầu bằng cách liệt kê những gì bạn mong đợi nhất ở người bạn thân của mình, những gì mà bạn yêu nhất, những cảm giác êm đềm bạn nhận được từ người bạn thân ấy”. Th.S Trần Ban Hùng (cán bộ Chương trình bảo vệ trẻ em Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển)
|
Đi tìm giải đáp: “Vì sao làm bạn với con khó?”, chúng tôi nghiệm ra một điều là hầu hết đều do ngăn cách... tâm lý. Anh Nguyễn Phú Trọng Huyên - giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Lê, có con gái 14 tuổi - cho biết : “Thật sự tôi rất muốn gần con, làm bạn với con nhưng nói chuyện với con sao mà khó quá. Cứ thế khoảng cách giữa hai cha con ngày càng xa dần”.
Thầy Võ Văn Nam - nguyên trưởng khoa tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh- kinh nghiệm: “Muốn nâng đứa trẻ lên, trước hết người lớn phải khom mình xuống”.
Đặc biệt, trong cuộc mưu sinh chóng mặt hôm nay, nhiều phụ huynh quên mất quỹ thời gian dành cho con. Chị Mỹ Nghi (bán trang sức ở Q.1, TP Hồ Chí Minh) kể: “Sinh cháu ra chưa đầy tháng tôi đã giao cho vú nuôi trông, tối khuya về con đã ngủ. Cứ thế, con lớn lên không cần mẹ. Đến khi bị nhà trường mời họp phụ huynh vì cháu trốn học thường xuyên tôi mới tá hỏa”.
Bây giờ người mẹ ấy thú thật nói gì con cũng chẳng nghe. May mắn có nhiều phụ huynh phát hiện sự thay đổi của con do thiếu sự gần gũi với cha mẹ đã điều chỉnh kịp thời. Chị Tuyết Trinh (P.12, Q.Phú Nhuận) bộc bạch: “Nhà một nơi, buôn bán một nẻo khiến tôi không có nhiều thời gian dành cho hai con. Mấy năm nay chúng tôi đã có ngày cuối tuần cùng đi bơi, tối có thể đi ăn khuya, vừa bán hàng vừa trò chuyện, nhắc nhở con...”.
Hay anh Lý Huy Hào, một doanh nhân ở quận 1 (TP Hồ Chí Minh), đã đành hủy một cuộc hẹn ký hợp đồng vì đó là ngày con ra trường; anh lý giải: “Tiền bạc có thể kiếm được nhưng ngày con cần được ba mẹ cổ vũ chúc mừng thì không thể có lại nữa”.
Nghiên cứu về mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái của thầy Võ Văn Nam trên 300 SV của các trường ĐH cho thấy hơn 30% cho rằng mình rất cô đơn dù đang sống trong gia đình, đủ bố mẹ. “Chỉ có người lớn mới có thể là người khai thông phá vỡ rào cản tâm lý thì nhịp cầu kết nối làm bạn với con mới có được” - thầy Võ Văn Nam khẳng định.
|