![]() |
Bạo lực gia đình sẽ gây tổn hại đến sức khỏe và tâm lý phụ nữa. Ảnh minh họa. |
"Hôm nay, lần đầu tiên sau 19 năm tôi được ra ngoài xã hội, được tiếp xúc với nhiều người. Tôi mong các cơ quan, tổ chức hãy giúp tôi được ly hôn và cứu giúp những người phụ nữ bị ngược đãi như tôi".
Chị Hoàng Thị Sen (Thái Bình) đã kêu cứu như vậy tại hội thảo Bạo lực gia đình kinh nghiệm và giải pháp do tổ chức Action Aid và Trung tâm nghiên cứu giới và phát triển vừa tổ chức.
Trước hội nghị có tới gần 100 người, chị Sen bộc bạch, chồng chị là người học thức, có địa vị trong xã hội. Song đám cưới ngọt ngào ngày nào nhanh chóng phai mờ khi chị Sen phải sống trong sự tủi nhục và "tù đày". Chồng chị bắt nghỉ làm lo chuyện gia đình, anh không cho chị đi đâu ngoài việc đi chợ mua thức ăn. Vốn là một người phụ nữ cam chịu, chị Sen không hề than vãn một lời, nín nhịn trước những trận đòn vô cớ của chồng để mong có một cuộc sống gia đình bình yên và không muốn ông xã phải mang tiếng bạo ngược mà ảnh hưởng địa vị. "Tôi xa lạ với mọi sự kiện diễn ra ngoài cuộc sống vì không được đọc báo, không được tiếp xúc với nhiều người. Suốt 19 năm tôi cam chịu cuộc sống mất quyền làm người".
Trong một lần cáu giận ở cơ quan, chồng chị về nhà mắng mỏ vợ, chị cãi lại. Anh chồng nổi khùng đã khóa cổng và lôi chị vào trong nhà đánh đập. Chị Sen nghẹn ngào trong nước mắt: "Anh ấy đánh tôi dã man đến mức đầu tôi bị vỡ chảy bê bết máu, đuôi mắt bị rách và gãy cột sống. Không chịu nổi tôi đã cố lê lết trốn về nhà ngoại và sống ly thân với anh ấy hai năm nay". Cùng với sự tự do nửa vời chị Sen còn phải hứng chịu cuộc sống mất khả năng lao động từ những trận đòn vô cớ. Sau hai năm sống cách biệt, chị Sen quyết định ly hôn. Dù đơn chị đã nộp từ đầu năm song đến nay vẫn chưa được giải quyết mà không biết lý do tại sao.
Trên thực tế, không chỉ chị Sen mà rất nhiều phụ nữ hằng ngày phải chịu những trận đòn vô cớ của người thân. Theo thống kê của tổ chức Action Aid, ước tính trên thế giới cứ 3 phụ nữ thì có một người đã từng bị đánh, cưỡng ép tình dục hoặc bị hành hạ với đa số thủ phạm đều chính là người trong gia đình.
Ở Việt Nam, bạo lực gia đình không phải là mới, chế độ phụ hệ, tư tưởng trọng nam, khinh nữ đã kéo theo sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Trước đây những người phụ nữ bị hành hạ chủ yếu là sống phụ thuộc vào chồng. Khi chuyển sang kinh tế thị trường, vai trò của phụ nữ cũng thay đổi, song thực tế đã ghi nhận rất nhiều trường hợp phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn lại bị chồng đánh. Theo nghiên cứu của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam thì những trường hợp này chiếm 72% trong số những vụ xung đột gia đình. Bà Nguyễn Hồng Vân, Trưởng ban Gia đình của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho rằng, nguyên nhân tình trạng này là các ông chồng cảm thấy địa vị trụ cột gia đình của họ bị đe dọa.
Theo PGS Nguyễn Thị Hoài Đức, bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng và ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ đều nhẫn nhục chịu đựng, không muốn để người ngoài biết đến. Các vụ được biết đến khi có hậu quả quá nghiêm trọng.
Một trong những nguyên nhân của sự gia tăng bạo lực là do vấn đề này còn chưa được các địa phương quan tâm. Bà Hồng Vân kể, có những cán bộ tư pháp đã hồn nhiên nói với cán bộ phụ nữ rằng, xung đột gia đình là điều...bình thường, chồng có tát vợ một đôi cái cũng không sao. Anh này còn nói: "Bị chồng đánh mà đi báo công an thì chỉ có đường bỏ xứ vì sẽ bị người đời cười chê, gia đình chồng dè bửu, và khi về nhà còn bị chồng đánh nhiều hơn". Một công an huyện ở tỉnh Thái Bình còn cho rằng, xung đột gia đình chỉ nên tự giải quyết trong gia đình, và chín bỏ làm mười cho gia đình trong ấm ngoài êm. Chỉ những người không biết suy nghĩ mới đi trình báo chính quyền.
Theo nhiều đại biểu hiệu quả của việc phòng chống bạo lực gia đình còn kém là do sự thờ ơ của các cơ quan chức năng, và các hình thức xử lý chủ yếu mới chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo, khuyên răn, giáo dục. "Chỉ khi nào nạn nhân được chứng minh là thương tích 11% trở lên mới truy cứu" bà Vân cho biết. Song không phải lúc nào, nạn nhân cũng được đi giám định, cơ sở y tế địa phương cũng không đủ khả năng làm điều này. Nhiều trường hợp cơ quan chức năng phạt tiền người chồng đánh vợ, song người vợ phải đứng ra nộp tiền thay vì ông chồng không có khả năng kiếm tiền.
Trường hợp của chị Thơm ở Đoan Hùng, Phú Thọ, là một ví dụ. Chồng chị Thơm là một người vũ phu thường xuyên đánh đập, lăng mạ vợ. Không chỉ vậy, người chồng tệ bạc này còn cặp với một phụ nữ khác.Tình trạng này kéo dài nhiều năm đến mức hai đứa con của chị lúc nào cũng buồn rầu, tránh né bạn bè. Không chịu nổi sự hành hạ của chồng, và thương những đứa con thơ ngày càng học hành sút kém, chị Thơm quyết tâm ly hôn với chồng. Ly dị được vài tháng anh chồng lại mò về nhà ba mẹ con ở. Vẫn chứng nào tật ấy, anh chồnng thường xuyên lăng mạ vợ con và cứ dăm bảy ngày lại đi ở nhà tình nhân.
Tình trạng ấy kéo dài đã 7 năm, mỗi lần bình bầu thi đua chị Thơm thường xuyên bị xếp hạng B, hạng hai vì tội "không chịu đi đăng ký" vì có "quan hệ không rõ ràng". Chị Thơm nói với VnExpress: "Tôi quá mệt mỏi rồi. Tôi chỉ mong, cơ quan chức năng có thể giải quyết dứt điểm để tôi có một cuộc sống thanh thản, con tôi được yên tâm học hành".
Theo đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, bạo lực gia đình đang ngày càng nghiêm trọng. Để góp phần hạn chế, phòng chống tệ nạn này, sắp tới Việt Nam sẽ có luật phòng chống bạo lực trong gia đình.
Trịnh Vũ
▪ Hà thành 'bia đạo' (26/11/2005)
▪ Khai mạc Ngày hội Di sản văn hoá Việt Nam (21/11/2005)
▪ Trưng bày cổ vật tiêu biểu xứ Thanh (23/11/2005)
▪ Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ (25/11/2005)
▪ Khám phá du lịch đảo Hòn Tre (25/11/2005)
▪ Festival hoa Đà Lạt, những ngày hội đầy mầu sắc lãng mạn (25/11/2005)
▪ Nữ chủ tịch năng động (25/11/2005)
▪ 25 năm làm công việc thầm lặng (25/11/2005)
▪ Phỏng vấn nhanh các đại biểu Quốc hội tại hành lang hội trường (25/11/2005)
▪ Các vị Bộ trưởng đã đề cập một số vấn đề bức xúc của cử tri (25/11/2005)