Nam Bộ còn hai đợt lạnh
Ngày 12/1, Ths Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết nhiệt độ tại khu vực Nam Bộ ấm lên từ 12/1 cho đến 13/1.
Vào những ngày này, nhiệt độ ở các tỉnh Nam Bộ hầu hết tăng từ 1- 2 độ. Tuy nhiên từ 13/1 trở đi, nhiệt độ có thể giảm xuống và bắt đầu đợt lạnh mới. Các tỉnh miền Bắc gần như rét liên tục còn miền Nam chịu ảnh hưởng gián tiếp và muộn màng hơn.
|
Mặc áo rét là điều hiếm thấy tại TPHCM. (Ảnh: Thiên Chương) |
Từ nay đến Tết Nguyên đán, tại khu vực Nam Bộ cũng sẽ còn hai đợt lạnh nữa từ miền Bắc tràn xuống. Mỗi đợt lạnh kéo dài từ 2-3 ngày rồi giảm và suy yếu dần. Cụ thể, khoảng 18/1 (tức 23 Tết) bắt đầu đợt lạnh mới kéo dài đến 26, 27 Tết.
Lý giải nguyên nhân của đợt lạnh này, Ths Xuân Lan cho biết hiện tượng La Nina đang quay trở lại tuy cường độ không mạnh. Do vậy, hoạt động của gió mùa Đông Bắc tăng lên và cường độ cũng mạnh hơn tạo ra những đợt không khí lạnh tràn về liên tục.
Thật ra hiện tượng thời tiết lạnh ở các tỉnh Nam Bộ trong những ngày qua chưa phải đặc biệt. Đối với khu vực này, thời gian lạnh nhất trong năm rơi vào khoảng dịp lễ Noel cho đến 10/1 năm sau. “Thời điểm này, Nam Bộ lạnh là hơi muộn”- Ths Xuân Lan nói.
|
Quần áo lạnh tràn xuống đường phố Sài Gòn. (Ảnh: Thái Phương) |
Trong vòng 50 năm qua, những năm nhiệt độ xuống dưới 16- 17 độ không phải ít. Thế nhưng nếu tính thời điểm tháng Giêng từ năm 1999 trở lại đây thì tháng Giêng năm nay lạnh nhất. Nhưng nếu tính mùa lạnh thì năm này không phải mùa lạnh nhất.
Vào Noel và ngày Tết dương lịch năm 1999, nhiệt độ tại TP.HCM xuống tới 15 độ. Năm 1975, nhiệt độ tại TP.HCM là 13,6 độ khiến nhiều người gọi đùa là “mang cái lạnh từ Bắc vào Nam”.
Nông dân “méo mặt”
Ths Lan cho biết cái lạnh năm nay chưa quá sức chịu đựng của “người phương Nam” thế nhưng do người dân Sài Gòn đã quen với nhiệt độ 20 độ nên khi nhiệt độ xuống 16 - 17 độ, người dân có cảm giác “rét run”. Ngoài ra, trong những ngày qua, gió mùa Đông Bắc trở mạnh nên càng tăng thêm cảm giác lạnh.
Ths Lan nói những thiệt hại ban đầu do thời tiết lạnh tại Nam Bộ đã được ghi nhận. Theo đó, những loại cây trồng nhạy cảm với thời tiết (đặc biệt là loại cây ăn trái có múi như cam, quýt... thường được trồng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long), nhiệt độ xuống thấp vào ban đêm khiến quá trình sinh trưởng chậm lại, nhiều quả chưa chín đủ đã vội rụng.
|
Nông dân ở vùng "thủ phủ" cây thanh long đang lao đao vì thời tiết lạnh. (Ảnh: Thu Phương) |
Theo ghi nhận của nhóm PV, tại TP.HCM, thời tiết lạnh khiến hàng ngàn héc-ta mai, hoa lài ở phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức), phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc (Q.12) có hiện tượng “chai”, không ra hoa. Nhà vườn ở đây đang “méo mặt” vì nguy cơ mất trắng tiền tỷ.
Tại “thủ phủ” của cây thanh long xuất khẩu, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, nông dân đang lo lắng vì không có điều kiện thu hoạch vụ trái mùa.
“Mọi năm, mùa này là mùa vàng của bà con nông dân. Người dân sẽ thắp điện để kích thanh long ra trái mùa. Thế nhưng năm nay, công ty điện lực địa phương đã nghiêm cấm việc dùng điện sinh hoạt thắp cho cây thanh long” - anh Nguyễn Văn Hùng nói. “Trong khi đó, trời ngày càng lạnh khiến cây thanh long không thể ra hoa”.
Nông dân tại huyện này đang lo lắng không có tiền ăn Tết vì thu nhập chính ở đây chủ yếu sống nhờ vào cây thanh long.
Đối với vụ lúa đông xuân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thời tiết ban đêm trở lạnh từ 20 độ trở xuống và có sương mù giăng tạo điều kiện thuận lợi cho đạo ôn và những loại sâu bệnh khác bộc phát .
Những ao nuôi tôm, cá giống có thể bị gây hại do nhiệt độ trên mặt nước lạnh đột ngột.
“Đối với những người nhạy cảm với thời tiết mắc các bệnh về tim mạch, khớp, huyết áp cần phải chú ý đề phòng” - Ths Xuân Lan khuyến cáo.
Theo Vietnamnet