Mất việc chỉ vì đôi giày
Các Website khác - 30/03/2006
Đôi giày có thể nói nhiều điều về bạn (sockmansocks).

Những sơ suất cực kỳ nhỏ nhặt trong ngoại hình và cách ứng xử của bạn có thể đem đến hậu quả rất lớn. Bằng chứng là một chàng thanh niên đẹp trai, giỏi chuyên môn, lại rất tháo vát đã bị ông chủ từ chối tuyển dụng, tất cả chỉ vì đôi giày há mõm của anh.

Để không “mất giá”, hầu như ai cũng lưu ý đến hình thức bên ngoài của mình, đặc biệt là cách ăn mặc. Cách ăn mặc thể hiện con người và có thể giúp đi đến thành công hoặc dẫn tới thất bại. Ông Thành, giám đốc một công ty kinh doanh mỹ phẩm, từng thông báo tuyển dụng người vào vị trí kế toán trưởng. Ứng cử viên sáng giá nhất là một chàng trai trẻ, khỏe, rất tháo vát, giỏi chuyên môn và đã có hơn 3 năm kinh nghiệm. Nhưng sau vài lần tiếp xúc, ông Thành rất thất vọng vì chàng trai này luôn mang đôi giày há mõm. “Cách ăn mặc, đầu tóc của cậu ấy khá chỉn chu nhưng nhìn đôi giày kìa! Cậu ấy chỉ lo 'đối phó' phần trên. Kế toán mà như thế...” - ông Thành lắc đầu.

Không chỉ chuyện giày dép, trong giao tiếp hằng ngày, chúng ta đôi khi bỏ qua các tiểu tiết và điều đó mang lại tai họa. Bắt tay là một ví dụ. Nếu chưa hiểu thấu đáo các quy tắc bắt tay mà vội thực hành thì có khi phải “sượng” cả người.

Sau một hội nghị khách hàng, chị Vân, trưởng văn phòng đại diện của một công ty nước ngoài, than phiền: “Mình giơ tay bắt mà gã (giám đốc người nước ngoài của một công ty khách hàng đến dự họp) tỉnh bơ như không thấy, muốn độn thổ luôn!”. Nguyên nhân rất đơn giản, chị Vân tuy là đại diện cao nhất của công ty tại TP HCM nhưng vẫn chỉ là người làm thuê nên chưa “xứng tầm” để bắt tay ông giám đốc nọ. Ông ta không vui vẻ bắt tay vì ngại rằng mình sẽ bị “xuống giá” trong mắt các nhà kinh doanh khác. Tuy nhiên, trong các thương vụ lại có “luật riêng”; có khi một thanh niên trẻ, đại diện một công ty dược đến bệnh viện làm việc vẫn có quyền chủ động bắt tay nữ bác sĩ giám đốc.

Hiểu lầm từ một kiểu chào

Lời chào cao hơn mâm cỗ, vì thế lời chào phải thể hiện được sự tôn trọng. Đôi khi sự vội vàng, quá ngây thơ hoặc thiếu hiểu biết có thể làm tổn thương người khác. Em Thu, học lớp 7 ở TP HCM mỗi khi gặp thày Dũng đều giơ tay chào theo kiểu đội viên. Thu thắc mắc: “Em quý thày, gặp là chào ngay mà sao thày chẳng có chút thiện cảm với em?”. Thày Dũng thì khó xử vì ngoài kiểu chào này, hầu như em chẳng có sai sót gì. Thày cứ phân vân: Học trò gặp thày chào như thế có thể hiện sự thiếu tôn trọng không?

Thực ra, em Thu rất thích cách hoạt động đoàn đội của thày Dũng và muốn chào thế để thể hiện sự ngưỡng mộ. Em không biết rằng kiểu chào giơ tay như thế thường chỉ áp dụng trong quân ngũ, học sinh chỉ nên chào thày cô bằng lời hoặc khẽ cúi đầu. Những cử chỉ khiêm tốn ấy nhiều khi cũng đủ thể hiện tấm lòng và mang lại những kết quả tốt đẹp.

(Theo Người Lao Động)