Đăng kiểm lỏng lẻo, xe không đạt chuẩn lưu hành tràn lan
Các Website khác - 30/03/2006

Công tác đăng kiểm ôtô cũ của TP HCM đang có quá nhiều tiêu cực khiến xe không đạt chuẩn, quá đát vẫn được lưu hành. Đó là ý kiến nhận xét của nhiều đại biểu trong buổi làm việc giữa Ban Pháp chế HĐND thành phố và Sở GTCC hôm qua.

Đại biểu Phạm Quý Cường, Phó Chủ tịch HĐND quận 12, cho rằng, tỷ lệ xe qua kiểm định đạt yêu cầu cao như hiện nay không phản ánh đúng chất lượng kiểm định.

Theo Sở GTCC, năm 2005, có hơn 90.000 xe ôtô các loại được tiến hành kiểm định tại 3 trung tâm đăng kiểm thuộc Sở. Tỷ lệ đạt tiêu chuẩn để được cấp tem lưu hành trung bình là 81%.

"Có hay không sự dễ dãi đi cùng tiêu cực ở các trung tâm kiểm định xe?", ông Cường đặt vấn đề.

Ngăn chặn tiêu cực, bảo đảm chất lượng xe từ các trung tâm đăng kiểm - một vấn đề "nóng". Ảnh: Lưu Đức

Cùng ý kiến trên, đại biểu Dương Văn Nhân phân tích, chỉ sau khi báo chí phản ánh có tiêu cực ở các trung tâm đăng kiểm thì Cục Đăng kiểm, Sở GTCC và các trung tâm mới mở các chiến dịch ngăn chặn. "Đó là điều không thể chấp nhận được vì nó thể hiện sự thiếu chủ động trong phòng, chống tiêu cực, nhũng lạm", ông Nhân phát biểu.

Đại biểu Ngô Minh Hồng, Phó Ban Pháp chế, còn cho biết hiện có hơn 4.800 xe quá đát vẫn còn lưu hành. "Cái anh "chết" rồi thì phải đem "chôn" chứ sao lại để chạy khơi khơi trên đường như vậy, thật nguy hiểm cho sinh mạng người dân. Trách nhiệm "chôn" xe quá đát thuộc về ai? Cảnh sát giao thông hay ngành Giao thông Công chính?", bà Hồng bức xúc.

Giải thích các thắc mắc trên ông Trịnh Quốc Bình, Phó trưởng phòng quản lý vận tải và công nghiệp, Sở GTCC, cho rằng, số xe đạt kiểm định chiếm tỷ lệ cao là qua lần đầu kiểm định. Số xe không đạt lần một, sẽ phải sửa chữa, thay thế phụ tùng để kiểm định lần hai, lần ba... Do đó, ông Bình khẳng định, khi xe đã được dán tem kiểm định để lưu hành đều đã đạt yêu cầu.

> Ăn tiền ở trạm đăng kiểm

> Loại bỏ gần 20.000 ôtô 'quá đát'

Theo ông Bình: "Cho đến nay, chỉ mới có 8/55 công đoạn, chi tiết kỹ thuật được kiểm định thông qua máy. Còn lại chủ yếu kiểm định bằng tay, mắt nhìn, mũi ngửi... Khi còn có sự can thiệp như thế thì không thể nói rằng không có tiêu cực xảy ra".

Ông Bình còn cho biết thêm, từ đầu năm 2005 đến nay đã diễn ra tình trạng xe chuẩn bị hết đát không chịu vào các trung tâm kiểm định nữa. Vì nếu vào trung tâm, nơi này sẽ thu hồi sổ kiểm định ngay.

Không học cũng có bằng lái ôtô

Một vấn đề được các đại biểu quan tâm là việc cấp bằng lái xe quá dễ dãi.

Ông Đặng Thế Trung, Chánh văn phòng Sở GTCC cho biết, trong năm 2005, 47 cơ sở đào tạo lái xe và Sở đã đào tạo và cấp gần 530.000 bằng lái môtô và ôtô các hạng. Tình trạng nhờ người khác thi hộ, người không học, không sát hạch mà có bằng lái vẫn diễn ra.

Ông Dương Tự Lực, Trưởng phòng quản lý, sát hạch xe và người lái cho biết thêm, tình trạng người lái sử dụng bằng giả khá phổ biến, ngay ở doanh nghiệp Nhà nước hoạt động xe buýt cũng có tình trạng này.

"Có nhiều người sợ bị bấm lỗ bằng lái khi vi phạm nên thủ sẵn bằng lái giả để đối phó với cơ quan chức năng. Hoặc có tình trạng người lái làm cớ mất để được cấp thêm bằng thật...", ông Lực nói. Theo ông Lực, tới đây Cục đường bộ Việt Nam sẽ thực hiện cấp loại bằng mới bằng nhựa và chữ ký điện tử với khả năng chống làm giả rất cao.

Hiện Sở, các cơ sở đào tạo cũng đã chủ động chống tình trạng thi hộ bằng việc có hẳn danh sách và hình ảnh của hơn 100 người chuyên thi hộ để các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch nhận diện. Đồng thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như hỏi tên, tuổi, nơi làm việc... của người học, người dự sát hạch rồi đối chiếu với hồ sơ...". Tuy nhiên, theo ông Lực, hiện vẫn chưa có hình thức xử lý hữu hiệu đối với các trường hợp này.

Cần một mức xử phạt riêng cho TP HCM

Ông Lê Vĩnh Phát, Chánh Thanh tra Sở GTCC TP HCM, cho biết, năm 2005, Thanh tra GTCC đã phát hiện, xử lý hơn 9.500 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông với số tiền phạt hơn 8,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các biện pháp chế tài theo Nghị định 15/CP trước đây và Nghị định 152/CP hiện hành chưa đủ sức phòng ngừa, răn đe dẫn đến số vi phạm có chiều hướng gia tăng. Ở các tỉnh bị phạt 20.000 đồng là cả một vấn đề, còn với người dân TP HCM bị phạt như thế thì họ sẵn sàng chấp nhận.

Do đó, trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định 152/CP cần có quy định hoặc quy chế riêng về xử phạt hành chính mang tính đặc thù cho đô thị đặc biệt như TP HCM.

Ý kiến của bạn

Lưu Đức