Quảng Ngãi: nhiều vùng nuôi tôm bị ô nhiễm môi trường
Các Website khác - 30/03/2006
Tại nơi được coi là vùng nuôi tôm trên cát đầu tiên của tỉnh, nhiều hồ nuôi tôm chưa có hệ thống xử lý nước thải, nhiều chủ hồ tôm ngang nhiên bơm xả nước thải từ hồ ra biển. Khu vực rừng phi lao phòng hộ ven biển đang bị biến thành những con mương và hồ lắng nước thải, bốc mùi hôi thối thường xuyên.
Tỉnh Quảng Ngãi có thế mạnh về thủy sản, với tiềm năng đất đai ven biển rất phong phú, có khả năng quy hoạch, phát triển nhiều vùng nuôi tôm. Toàn tỉnh có khoảng 760 ha mặt nước nuôi tôm (trong đó nuôi tôm trên cát hơn 170 ha), với sản lượng tôm thu hoạch hằng năm hơn ba nghìn tấn. Rõ ràng lợi ích kinh tế từ nuôi tôm rất lớn, đặc biệt nuôi tôm trên cát đã giúp nhiều nông dân làm giàu nhanh chóng và góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.

Tuy nhiên, nhiều vùng nuôi tôm trên cát hiện nay đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ dẫn đến ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp nguồn nước sinh hoạt, sản xuất trong khu dân cư và các điểm du lịch lân cận...

Nguyên nhân gây ô nhiễm

Có thể nói, cách đây gần năm năm, mô hình nuôi tôm trên cát ở Quảng Ngãi bắt đầu thử nghiệm thành công. Nhiều huyện đã tiến hành quy hoạch đất đai, đầu tư xây dựng điện, đường cho các vùng nuôi tôm. Vì vậy, nhiều xã ven biển đã khai thác lợi thế quỹ đất cấp cho một số doanh nghiệp và hàng trăm hộ nông dân đầu tư nuôi tôm trên cát có hiệu quả.

Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở vùng nuôi tôm chưa đồng bộ, có nơi còn yếu kém, gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng. Có nơi nuôi tôm trên cát đã làm nhiễm mặn nguồn nước ngọt ven biển, tàn phá rừng phòng hộ chắn cát và làm ô nhiễm chất lượng nguồn nước biển nơi du lịch.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Thủy sản Quảng Ngãi, cho biết: Gần đây, nhiều vùng nuôi tôm đã gây ảnh hưởng môi trường đáng kể, nhất là vùng tập trung nuôi tôm trên cát ở các xã Ðức Phong, Ðức Minh, Ðức Chánh (Mộ Ðức), Phổ Quang, Phổ An, Phổ Khánh (Ðức Phổ). Nếu chúng ta không chú ý đầu tư hạ tầng kỹ thuật thì nguy cơ sẽ gây ra ô nhiễm môi trường "cấp số nhân". Các xã hiện nay bước đầu chỉ quy hoạch, phân lô cấp đất cho dân làm hồ nuôi tôm, nhưng việc đầu tư hạ tầng đang còn "bỏ ngỏ".

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi chưa phân khai kế hoạch vốn đầu tư hạ tầng cho vùng nuôi tôm trên cát. Một số doanh nghiệp được huyện cấp đất nuôi tôm thì đầu tư hạ tầng không đồng bộ, chưa đến nơi đến chốn. Còn từng nhóm hộ nuôi tôm dưới hình thức tự phát, "ăn xổi" không đủ sức đầu tư cho vùng nuôi tôm lâu dài. Có hộ nuôi tôm thất bại đã bỏ hồ, hoặc cho người khác thuê, chuyển sang nghề khác làm ăn. Trường hợp doanh nghiệp được huyện cấp đất đầu tư khu nuôi tôm công nghiệp trên cát, nhưng không thực hiện đúng hồ sơ thiết kế thẩm định đã gây nhiễm mặn giếng nước và sản xuất của khu dân cư trong vùng. Người dân kiến nghị, tỉnh đã tổ chức kiểm tra, hứa hẹn giải quyết, nhưng đến nay "việc đâu vẫn còn đấy". Nhiều gia đình hiện sống gần vùng nuôi tôm trên cát vẫn đang chịu ảnh hưởng rất lớn về môi trường do chất thải, nước bẩn từ các hồ nuôi tôm xả ra. Vừa qua, Sở Thủy sản tiến hành kiểm tra phát hiện nhiều vùng nuôi tôm trên cát chưa đủ điều kiện về môi trường đã đề xuất hướng xử lý, nhưng đến nay các chủ hồ tôm vẫn chậm khắc phục...

Ðể nắm rõ vấn đề này, cuối tháng 3 vừa qua, chúng tôi về tìm hiểu vùng nuôi tôm ở xã Ðức Phong, Ðức Minh (Mộ Ðức), nơi được coi là vùng nuôi tôm trên cát đầu tiên của tỉnh đã tận mắt trông thấy nhiều hồ nuôi tôm chưa có hệ thống xử lý nước thải. Nhiều chủ hồ tôm ngang nhiên bơm xả nước thải từ hồ ra biển và sử dụng đất trống gần hồ nuôi để xả nước bẩn chảy tràn qua đường. Có những đoạn bị bùn lầy do nước thải từ hồ tôm xả ra làm cản trở giao thông. Chung quanh rừng phi lao phòng hộ ven biển gần hồ nuôi tôm đang bị biến thành những con mương và hồ lắng nước thải đọng lâu ngày bốc mùi hôi thối thường xuyên. Thậm chí, có người đã lấn rừng phi lao để lấy đất làm hồ nuôi tôm, tàn phá cảnh quan môi trường mà chẳng mấy xót xa.

Chủ tịch UBND xã Ðức Phong Nguyễn Ðình Long nói: Do nuôi tôm có lãi lớn nên một số người dân địa phương còn xem nhẹ công tác bảo vệ rừng và công tác quản lý tài nguyên, môi trường. Có người lấy đất rừng phòng hộ để nuôi tôm, xã phát hiện kiên quyết thu hồi và xử phạt hành chính. Hiện xã chúng tôi có hơn 37 ha, với 108 hộ đầu tư nuôi tôm trên cát. Xã đã quy hoạch thành hai vùng nuôi tôm, trong đó vùng dự án có 25 ha đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhưng đến nay hệ thống kênh, cống và các hồ xử lý nước thải đã quá tải không còn tác dụng. Nguyên nhân chính là khi thiết kế hệ thống này không sát thực tế, chưa lường hết tác động môi trường đối với vùng nuôi tôm. Hiện nay vẫn chưa khắc phục được hệ thống xử lý nước thải, các chủ hồ tôm vẫn bơm xả nước bẩn ra ngoài, gây cho mạch nước ngầm bị phân hủy, nhiễm mặn. Hầu hết số hộ dân sống gần hồ đều phải vào làng đưa nước ra dùng hằng ngày. Xã chúng tôi đề nghị huyện, tỉnh sớm đầu tư sửa chữa lại hệ thống xử lý nước thải để bảo đảm môi trường cho vùng dự án nuôi tôm lâu dài.

Còn Giám đốc Công ty sản xuất thương mại và dịch vụ Quảng Ngãi Ðỗ Văn Hay cho biết: Hiện nay công ty đang đầu tư hồ nuôi tôm với diện tích hơn 98 ha ở xã Ðức Minh. Dự án này nằm gần khu dân cư và điểm du lịch Minh Tân nên đang gặp khó khăn về xử lý môi trường. Hiện các hạng mục tuyến cấp nước biển và hệ thống xử lý nước thải chưa được thi công nên phải chờ đến tháng 5-2006 mới có khả năng hoàn thành và đưa mặt hồ vào sử dụng nuôi tôm. Riêng khu nuôi tôm công nghiệp trên cát 16 ha của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thiên Tân đã gây nhiều bức xúc về môi trường đối với người dân trong vùng.

Tuy được triển khai sớm hơn so với các dự án khác trong huyện, nhưng cho đến nay khu nuôi tôm công nghiệp của công ty này vẫn chưa có hồ lắng xử lý nước thải, gây nhiễm mặn nguồn nước ngọt và ảnh hưởng sản xuất của khu dân cư lân cận...

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo quy hoạch tổng thể của tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2010 sẽ mở rộng diện tích nuôi tôm lên 4.487 ha, trong đó nuôi tôm trên cát hơn 1.326 ha. Hiện nay việc phát triển vùng nuôi tôm đang thu hút nhiều đối tượng tham gia đầu tư về dịch vụ hậu cần, khuyến ngư. Công tác quản lý môi trường cũng được đặt lên hàng đầu. Bởi lẽ, muốn xây dựng vùng nuôi tôm trên cát bền vững, trước hết tỉnh phải đầu tư thích đáng về hạ tầng kỹ thuật, trong đó quan trọng nhất là hệ thống xử lý nước thải.

Ông Nguyễn Quốc Tân, Trưởng phòng môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Ngãi) nói: Hiện nay nhiều vùng nuôi tôm trên cát đang vi phạm Luật Tài nguyên - Môi trường. Qua kiểm tra của ngành chức năng chúng tôi đã phát hiện các dự án, chủ hồ tôm khai thác sử dụng mạch nước ngầm không xin phép, gây ảnh hưởng nguồn nước ngọt đối với vùng dân cư ở các xã ven biển. Các chủ dự án, chủ hồ tôm đều bơm xả nước thải ra biển, rừng phòng hộ ven biển mà chưa qua xử lý. Ðiều đó cho thấy sự tác hại môi trường ở những vùng nuôi tôm trên cát đang ở mức báo động đỏ. Ðó là ảnh hưởng nhiễm mặn nguồn nước ngọt ven biển; rừng phi lao chắn cát bị tàn phá và điểm du lịch ở biển gần vùng nuôi tôm bị thất thu...

Rõ ràng nhiều vùng nuôi tôm trên cát ở Quảng Ngãi đang gây tác động về môi trường rất lớn. Tỉnh Quảng Ngãi cần có cơ chế đầu tư, hỗ trợ nguồn vốn hợp lý cho các vùng nuôi tôm. Sớm hình thành ban quản lý dịch vụ và HTX nuôi tôm để thực hiện nhiệm vụ công tác khuyến ngư, vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và giải quyết kịp thời về lĩnh vực môi trường, từng bước xây dựng vùng nuôi tôm trên cát bền vững, có hiệu quả.

MINH TRÍ