“Chất độc bị bộc ra, đang phát tán mạnh trong không khí. Cẩn thận. Lùi lại. Lùi lại khẩn cấp. Tất cả kiểm tra lại mặt nạ phòng độc". Mệnh lệnh của trung tá Nguyễn Đình Thám, chủ nhiệm Ban hóa học Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đác Lắc, vang lên đanh gọn trong bầu không khí nóng như đổ lửa của trời trưa Tây Nguyên. Các chiến sĩ trong trang phục cao su phòng độc còn chịu đựng nhiệt độ cao hơn cả ngoài trời. Mồ hôi ròng ròng trên người không có lối thoát đọng lại như ngập nước dưới giày cao su. Một sồ người kiệt sức, ngất xỉu tại chỗ, phải chuyển về tuyến sau cho bác sĩ quân y cấp cứu...
Đối mặt tử thần
Lúc này, "kẻ thù” ẩn dưới lòng đất đã bị phơi mặt gồm hơn 21 tấn chất độc chứa trong hàng trăm thùng phuy sắt, đặc biệt còn có cả bom, mìn và đạn cối 160mm của quân đội Mỹ vùi lại ở kho 864 thuộc tổng kho 765 Đác Lắc. Ngay sau năm 1975, bãi tử thần này đã được phát hiện nhưng được khoanh lại do phương án xử lý lúc đó còn lúng túng. Nhận được mệnh lệnh phải xử lý, Thám và các chiến sĩ tác chiến rất căng thẳng bởi khu vực này gần khu dân cư, chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thế dẫn đến hậu quả khó lường. Công binh và các chuyên gia tháo gỡ bom mìn được lệnh phối hợp với lực lượng hóa học. Phương án xử lý vật liệu nổ và chất độc được xem xét tỉ mỉ từng chi tiết đễ làm sạch môi trường, nhưng nhất thiết phải an toàn. Một mô hình thật như hiện trường được xây dựng để các chiến sĩ huấn luyện thao tác. Trung tá Thám nhắc đi nhắc lại các chiến sĩ trẻ: "Đây là cuộc chiến. Kẻ thù còn nguy hiểm hơn cả những tên địch cầm súng".
Buổi sáng khi họ bắt đầu công việc, trời lất phất mưa rồi trở nắng gay gắt. Đây là thời tiết mà các chiến sĩ hóa học không mong đợi. Các loại chất độc hóa học dạng bột của quân đội Mỹ để lại rất dễ thăng hoa, phát tán ra không khí trong thời tiết khô hanh này. Mấy ngày đầu, trách nhiệm nặng nề đặt lên vai lực lượng công binh và các chuyên gia tháo gỡ bom mìn. Họ cắm máy dò cẫn thận rà đi rà lại từng centimet vuông mặt đất. Bất kỳ một sơ sót nào lúc này cũng có thế dẫn đến thương vong tức thời hoặc cho những người làm việc sau. Hàng trăm "kẻ thù” ẩn mình sâu dưới lòng đất lần lượt bị lôi lên. Đó là các loại bom, mìn, đạn cối 60mm, 150mm, 160mm, M79, lựu đạn có tầm sát thương lớn. Nhiều quả vẫn còn sáng màu đồng và sẵn sàng phát nổ. Tuy nhiên, nhiệm vụ của lực lượng tiên phong này vẫn chưa chẫm dứt. Họ còn phải tháo gỡ ngòi nỗ gắn trong các thùng phuy chất độc. Trong chiến tranh, máy bay vận tải quân sự Mỹ rải các thùng phuy tử thần này. Khi chúng gần tiếp đất ngòi nỗ bên trong kích hoạt làm phát tán độc chất ra cả vùng rộng.
Phía sau các chiến sĩ hóa học bắt đầu vào công việc phức tạp của mình. Họ cẩn thận mở các thùng phuy sắt, nhận diện, phân loại độc chất, sau đó chuyển các chất độc này sang các thùng nhựa mới để pha lẫn với hóa chất đặc biệt làm giảm bớt độc tính ban đầu. Rồi các thùng nhựa này lại được bọc kín bên ngoài bởi một lớp keo dày đặc biệt chống thấm, vỡ... Đây là giai đoạn khó khăn, nguy hiểm nhất của lực lượng hóa học. Trong mặt nạ phòng độc, mỗi chiến sĩ chỉ có thế làm được theo ca hai giờ. Gặp độc chất cao và thời tiết bất lợi họ còn phải mặc thêm quần áo cao su, và một số người đã không thể qua hết nổi hai giờ. Người bị nhẹ nhất cũng rơi vào tình trạng choáng, ngất xỉu.
Bác sĩ quân y Nguyễn Văn Quang và đồng sự lúc nào cũng túc trực tại chỗ đễ làm nhiệm vụ giải độc cho họ. Gần một tháng cất lán trại dã chiến, ăn ở, làm việc tại bãi tử thần, cuối cùng các thùng nhựa này được chôn xuống hố đào đã xử lý chống thấm triệt để. Một sự cố bất ngờ xảy ra khi liều phóng của đạn cối 160mm còn sót lại gặp vôi sống và nước phát cháy dữ dội. Trong tích tắc nguy hiểm bùng lên nhưng nhanh chóng được các chiền sĩ dập tắt an toàn.
Phía sau cuộc chiến
Cho đến nay, trung tá Thám và các chiến sĩ hóa học ở Đác Lắc, Gia Lai, Kontum khó nhớ hết nỗi đã trải qua bao nhiêu nhiệm vụ đặc biệt này. Mở tấm bản đồ, Thám chỉ cho tôi xem các tọa độ được đánh dấu, rồi tâm sự mình và đồng đội đã lao vào tất cả điểm nóng chất độc da cam ở đây. Tốt nghiệp khóa sĩ quan phòng hóa ở Sơn Mỹ, anh được điều vào Đác Lắc và nhận nhiệm vụ xử lý độc chất chiến tranh đầu tiên vào năm 1989. Đó là một buổi sáng anh không thể quên khi những người dân tộc địa phương hớt hải lên báo phát hiện 72 thùng phuy lạ nằm rải rác ở suối Ea Pô, huyện Cư Yút. Một số người dân không hiếu định lấy về nhà chứa nước sinh hoạt, may mắn có cựu chiến binh đã từng đằm mình dưới "mưa" chất độc do máy bay Mỹ rải kịp thời ngăn lại.
Nhận được tin báo, các cơ quan y tế, chữ thập đỏ, khoa học công nghệ và môi trường lập tức phối hợp với quân đội tìm phương án xử lý. Nhiều người lộ vẻ căng thẳng vì chưa bao giờ làm việc này cũng như chưa có một phương án xử lý thống nhất nào. Thám bình tĩnh trình bày quan điểm và phương án xử lý chuyên môn của mình. Mọi người nhất trí, nhưng yêu cầu phải đi thực địa, lấy mẫu thí nghiệm để gửi kết quả ra trung ương cho quyết định cuối cùng.
Ngày tác chiến đầu tiên, trung tá Thám và 30 sĩ quan, chiến sĩ về phối hợp với lực lượng địa phương cắt rừng vào hiện trường.
Mấy ngày mở đường vất vả vừa qua, những bất ngờ mới lại nảy sinh với con suối hoàn toàn khô kiệt trong khi nước lại rất cần cho các chiến sĩ tẩy độc sau nhiệm vụ. Rồi cứ một vài ngày, người dân địa phương lại chạy lên báo mới phát hiện thêm các thùng chất độc, và người này người nọ đang ngộ độc do tiếp xúc trực tiếp. Các chiến sĩ phải chia nhau vừa chữa bệnh cho nhân dân, vừa mở rộng địa bàn tìm kiếm chất độc.
Xử lý chôn an toàn hơn 21 tấn chất độc ở Đác Lắc. | Chúng là loại thùng 200 lít, bên trong chứa 10 gói, mỗi gói nặng 3,6kg chất độc dạng bột. Kế hoạch tác chiến phải thay đổi liên tục. Mọi người cất lán trại ở luôn trong rừng như thời chiến.
Ban ngày làm việc, buổi tối họ còn đến nhà dân để dạy học. Mọi thứ sinh hoạt đều thiếu thốn, nhưng khổ nhất là thiếu nước. Nó đã làm cho khoảng 85% chiến sĩ ngộ độc nhiều cấp độ. Khi thùng khuy hóa học cuối cùng thứ 126 được xử lý giảm độc tính và chôn vùi an toàn thì cũng đã đến ngày cuối của tuần thứ ba. Buổi chia tay đồng bào dân tộc địa phương diễn ra giản dị nhưng ai nấy đều xúc động. Đồng bào tay xách nách mang tặng các chiến sĩ cả một xe tải bắp, khoai mì, bầu bí.
Từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ trong chiến dịch Operation Ranch Hand đã rải xuống chiến trường Việt Nam hơn 76 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có hơn 300kg dioxin là chất cực độc, gây nên nhiều bệnh tật mà đặc biệt là quái thai và dị tật ở nhiều thế hệ. Ngoài ra, trong một số loại bom, pháo của lính Mỹ cũng có chứa chất độc hóa học gây hậu quả lâu dài cho người và môi trường bị nhiễm độc. | Nhiệm vụ vừa hoàn thành, những cuộc chiến mới lại tiếp tục. Trên hàng trăm địa bàn có chất độc chiến tranh như Đăk Mil, Cư Yút, Không Na, Lắk, Cư Mgar, Ea Leo, Ea Súp, Buôn Đôn... đều in đậm dấu chân những người lính hóa học. Họ có lẽ đối mặt và hiểu rõ nhất thứ tội ác đặc biệt của kẻ thù để lại này. Nhiều bãi chất độc hóa học nằm trong rừng sâu, nằm ngay trong vườn thậm chí dưới cả nền nhà dân ở. Không chỉ truy tìm, xử lý độc chất an toàn, họ còn thường xuyên gần gũi đồng bào địa phương để hướng dẫn họ cách nhận biết, đề phòng các loại chất độc hóa học.
Thám kể anh đã tận mắt chứng kiến biết bao người bị bệnh tật do nhiễm độc. Và người sĩ quan quân đội từng trui rèn qua bao thử thách này nhiều lần đã không cầm được nước mắt trước sự khổ đau tột cùng của đồng bào mình. Chính anh với đồng đội đã phải xử lý cấp cứu cho rất nhiều người mới bị ngộ độc. Trong đó có cả những trường hợp hít phải trực tiếp, thậm chí bị phỏng phốt pho. Nạn nhân cháy từ trong xương thịt cháy ra. Người bình thường rất khó nhận biết vì chỉ thấy máu, dịch tiết ra ngoài qua da. Y tế địa phương lúng túng vì chưa bao giờ xử lý trưởng hợp này, phải cầu cứu quân y và lực lượng hóa học.
Lần giở lại hình ảnh từng chiến sĩ, trung tá Thám tâm sự với tôi tất cả đồng đội của mình đều có hồ sơ theo dõi sức khỏe. Khi thực hiện nhiệm vụ, tiêu chuẩn an toàn được đặt lên hàng đầu, nhưng chưa ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra. Nhiều chiến sĩ còn rất trẻ, chưa có vợ con, thậm chí chưa có cả người yêu "Chúng tôi luôn dặn dò nhau những gì mình làm, những gì mình chịu đựng không thể nào so sánh được với biết bao nạn nhân chất độc da cam đang quằn quại trong khổ đau!". Trung tá Thám trò chuyện với tôi như lời tự sự của chính các đồng đội mình.
Sau 30 năm đất nước đã thống nhất, một cuộc chiến khác vẫn còn tiếp tục với những người lính hóa học...
|