![]() |
Chị Nguyễn Thị H. chiều 22/12 tại đồn cảnh sát. Ảnh: Tiền Phong |
Chiều 22/12, cảnh sát thành phố Trung Hoà (Đài Bắc, Đài Loan) đã khám xét khẩn cấp và giải thoát cho một lao động nữ Việt Nam đang bị giam giữ đánh đập tại số 112 đường Trung Sơn, trụ sở của Công ty môi giới lao động Đài Nhất (Đài Bắc).
Đó là chị Nguyễn Thị H., 26 tuổi, người Hải Dương, sang Đài Loan từ tháng 10/2004. Cảnh sát đã lập biên bản và giúp chị H. tìm nơi tá túc trong thời gian xử lý vụ việc hành hung.
Theo lời kể của nạn nhân, chị sang Đài Loan theo sự giới thiệu của Công ty Du lịch Vĩnh Phúc, làm giúp việc nhà cho một gia đình tại Đào Viên. Gần đây, vì bị cảm cúm, chủ nhà sợ lây cho gia đình nên đã gửi trở lại công ty môi giới để chờ chị khỏi bệnh mới nhận. Song, kể từ 20/12, chị bị lấy toàn bộ tư trang, bị Công ty môi giới Đài Nhất giam giữ tại trụ sở, cấm liên hệ với bên ngoài, đi vệ sinh cũng bị kèm.
Chị H. giấu được máy di động trong túi quần nên đã gọi được điện cho bạn bè nhờ người giúp đỡ. Ngày 20/12, Công ty Đài Nhất nói dối là đưa chị H. đi khám bệnh, nhưng chở chị thẳng ra sân bay để đưa về nước. Tại sân bay, chị H. phản đối quyết liệt, tìm cảnh sát kêu cứu nên Công ty Đài Nhất đành chở chị quay lại 112 đường Trung Sơn. Chị H. vẫn bị giam lỏng và ngày 22/12, trên đường ra sân bay, bạn chị H. gọi điện đến hỏi thăm, nên Công ty môi giới phát hiện chị còn giấu điện thoại trong người.
Ngay trong xe ôtô, chủ Công ty Đài Nhất đã giữ tay chị H. để người nữ phiên dịch Việt Nam, tên là Nguyễn Ánh Tuyết (quê Hà Nội, làm phiên dịch tại Đài Nhất từ 2003) giật điện thoại và cào cấu đấm đá chị H. gây thương tích. Đây là lần thứ hai phiên dịch Nguyễn Ánh Tuyết đánh đập chị H. kể từ ngày 20/12. Cảnh sát thành phố Trung Hòa đã lấy lời khai, làm biên bản về việc Công ty Đài Nhất giam giữ người trái phép, ẩu đả gây thương tích.
Chị H. cho biết thêm, trong “phòng giam” ở trụ sở công ty môi giới, chị đọc thấy rất nhiều bút tích của lao động bị giam giữ trước đó. Họ đã viết lên tường lời kêu cứu, oán trách nữ phiên dịch tên Tuyết lấy tiền, máy di động của họ mà không hoàn trả lại.
Gần đây có hiện tượng một số phiên dịch Việt Nam làm việc tại Đài Loan tiếp tay cho Công ty môi giới cưỡng đoạt tài sản của lao động. Phần lớn công ty môi giới trực tiếp sang Việt Nam cùng đối tác tuyển phiên dịch, hoặc giữ các lao động sau 3 năm làm việc ở Đài Loan, giao tiếp tốt để ở lại làm việc. Trong vụ án Công ty Trung Hữu cưỡng bức hàng chục lao động nữ ở Đài Nam vừa qua, phiên dịch người Việt Nam cũng đã bị tạm giữ với tội danh tương tự.
(Theo Tiền Phong)
▪ Lập trạm kiểm soát giao thông tại cửa ô mọi đô thị (21/12/2005)
▪ Một giáo viên tử vong nghi nhiễm cúm A-H5N1 (23/12/2005)
▪ Nhớ một thời hào hùng (22/12/2005)
▪ Đèo Cả vẫn tắc (23/12/2005)
▪ Bộ trưởng trực tiếp gặp dân ít nhất một lần trong quý (23/12/2005)
▪ Anh nông dân nghèo và kho tư liệu vô giá (22/12/2005)
▪ Giám sát chặt chẽ người nhập cảnh từ vùng có dịch (22/12/2005)
▪ Việt-Nga, tình hữu nghị chưa bao giờ phai nhạt (22/12/2005)
▪ Các điểm đăng ký xe máy ở Hà Nội đều quá tải (22/12/2005)
▪ Đối mặt với tử thần trong thời bình (22/12/2005)