Nghịch lý... đỗ xe
Các Website khác - 09/09/2005
Xe ô-tô đỗ dưới lòng đường
và cả... trên vỉa hè - cảnh
không hiếm gặp ở Hà Nội.
Phòng CSGT, Công an Hà Nội đang quản lý khoảng 157.000 xe ô tô, trong khi đó, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội chỉ có khoảng 140 điểm đỗ công cộng với công suất chứa được có 7.000 xe,  mà phần lớn diện tích là tận dụng ... lòng đường và vỉa hè! Tình trạng ô tô đỗ tràn lan trên lòng đường ở hầu khắp tuyến phố của Thủ đô Hà Nội đang ở mức báo động.
Ô tô “chiếm” vỉa hè, lòng đường

Người Hà Nội dường như đã quen với cảnh trên những tuyến phố được phép đỗ xe (vỉa hè và lòng đường được vạch vôi, chia lô cho xe ô tô) đều có nhân viên Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đứng ra thu vé: xe ô tô bốn chỗ trong vòng hai tiếng phải trả 5.000 đồng, xe bảy chỗ thì 7.000 đồng...

Trên các tuyến đường không được phép đỗ thì vẫn có xe du lịch, xe taxi đỗ “bừa” (như trên các đường Giảng Võ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, phố Nhà Thờ, Hàng Trống...), gây nên ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông vào giờ cao điểm. Mà lỗi đỗ sai quy định chỉ bị phạt có 60 nghìn đồng, nên các chủ xe nhờn?

Chưa kể, các xe ô tô đỗ sai quy định còn làm khuất tầm nhìn của tài xế khi rẽ đi các hướng. Theo quy định, các hãng taxi phải thuê hoặc mua điểm đỗ để làm nơi tập kết cho xe của hãng mình (điểm đỗ có thể là sân khách sạn, đại sảnh, khuôn viên của các văn phòng doanh nghiệp hoặc vỉa hè được phép đỗ xe do Sở GTCC quản lý).

Nhưng sau khi đón, trả khách, nhiều xe taxi lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý bến bãi, cho xe đỗ “bừa” đợi “lệnh” để đối phó với việc khoán tiền, khoán công-tơ-mét, khoán xăng trong thời buổi giá xăng tăng mà cước taxi chưa tăng hiện nay.

Thống kê của CSGT Hà Nội, năm 2005 này, trung bình lượng ô tô đăng ký mới đưa vào lưu hành ở Thủ đô là 3 nghìn xe/tháng (tương ứng diện tích giao thông tĩnh để đỗ xe phải tăng thêm 7,5 ha/tháng). Thế mà gần hai năm nay, diện tích giao thông tĩnh hầu như không tăng (nội thành thì đã hết quỹ đất, chỉ còn cách vạch vôi lên vỉa hè, hoặc vạch vôi lấy một dải dưới lòng đường ở các phố vắng cho xe đỗ vậy!).

Nếu xét về tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tĩnh trên quỹ đất đô thị thì Hà Nội mới đạt vỏn vẹn 0,45% (trong khi tiêu chuẩn ở đô thị hiện đại cấp thủ đô của một quốc gia là từ 5-6%). Điều đặc biệt quan tâm là các điểm đỗ xe của Hà Nội lại phân bố không hợp lý.

Hà Nội hiện có tới hơn trăm đơn vị (cơ quan, trường học, bệnh viện) sử dụng đất lưu không trong khuôn viên tổ chức trông giữ xe, song một số không đăng ký kinh doanh, không nộp thuế (chủ yếu trông giữ ban đêm) vì thế giá cả cũng ngoài tầm kiểm soát.

Thiếu bãi đỗ xe cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chém đẹp”. Thật hiếm khi người gửi xe tại các điểm trông tư nhân luôn phải trả phí rất cao so với quy định. Ví như có điểm đỗ xe thu phí ô tô đến 800 ngàn đồng/tháng. Việc in vé sai quy cách, quay vòng vé diễn ra phổ biến.

Điểm đỗ dùng thang máy - xây rồi bỏ... hoang?

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, nếu không có chiến lược hạn chế xe ôtô cá nhân trong năm năm tới, số ô tô của Hà Nội sẽ tăng lên gấp ba lần, cộng với số xe hiện có thì bình quân mỗi km đường nội thành phải “chịu tải” 715 xe. Nguy cơ ùn tắc và thiếu điểm đỗ xe sẽ rất nghiêm trọng.

Hà Nội hiện chỉ có tám điểm đỗ xe cơ bản đủ tiêu chuẩn, có mặt bằng theo đúng quy mô, còn lại vẫn ở dạng quy hoạch “treo”. Do đó đã xuất hiện chủ trương xã hội hóa trong phát triển giao thông tĩnh.

Nhưng khi Hà Nội có chủ trương huy động các thành phần kinh tế cùng tham gia đấu thầu xây dựng kinh doanh các bến xe, bãi đỗ xe thì không ít các tổ chức, cá nhân sau khi trúng thầu trong các dự án mang đậm tính chất phục vụ dân sinh này lại không thực hiện đúng như cam kết ban đầu là làm dịch vụ điểm đỗ xe. Lý do rất dễ hiểu: Hiếm có người nào dám bỏ tiền tỷ ra để thu về tiền nghìn từ việc thu phí trông giữ xe hàng tháng! Vì thế mà dẫn đến tình trạng sau khi đấu thầu, đất công biến thành đất tư.

Đơn cử, năm 1996, TP Hà Nội từng tổ chức đấu thầu điểm trông giữ xe ở khu vực hồ Bụng Cá (nằm giữa đường Nghi Tàm và đê sông Hồng, rộng khoảng 3 ha), nhưng sau đó đơn vị trúng thầu lại không đưa vào sử dụng để đất bỏ hoang và rồi dần dần bị người dân lấn chiếm.

Hay như điểm đỗ xe ở Phùng Khoang (quận Thanh Xuân) được giao cho một HTX ở đây triển khai từ năm 1998, thế nhưng đến nay vẫn “án binh bất động” và cũng đang trong tình trạng bị lấn chiếm.

Một thực tế khác là có bãi trông xe, điểm đỗ xe hiện đại được đầu tư khá tốn kém mà vẫn bị “đắp chiếu”. Điển hình là khu trông giữ xe bằng thang máy ở sân vận động Hàng Đẫy do Sở TDTT Hà Nội xây dựng với tổng kinh phí khoảng 9 tỷ đồng, nhưng cho đến thời điểm này vẫn không hề có một xe nào lên đó để đỗ. Giải thích của những người trông giữ nơi đây là “điểm đỗ xe bằng thang máy này có mức phí cao hơn nhiều nên khách hàng không chịu nổi !”.

Ông Hoàng Duy Hùng - Giám đốc Công ty khai thác điểm đỗ xe (KTĐĐX) Hà NộI, thừa nhận: Đúng là hiện nay các điểm đỗ xe ở Hà Nội vừa thiếu lại vừa lộn xộn. Rất nhiều bến đỗ, điểm đỗ tự lập dưới nhiều hình thức như HTX, tổ tự quản, thậm chí chính quyền phường cũng đứng ra để kinh doanh loại hình dịch vụ này.

Rồi việc cấm để xe trên hè, lòng đường thì tất nhiên sẽ dẫn đến chuyện các điểm đỗ tự phát mọc lên, phá vỡ quy hoạch điểm đỗ chung của TP. Hậu quả của nó là chi phí bất hợp lý sẽ đổ lên đầu người dân, còn sự phức tạp trong công tác quản lý đè nặng lên một đô thị vốn đã quá tải bởi quá nhiều gánh nặng khác.

Cũng theo ông Hùng, vấn đề về bãi đỗ xe đã được thành phố quan tâm từ nhiều năm nay, nhưng khi triển khai các dự án do gặp quá nhiều khó khăn về quỹ đất, về vốn. Chẳng hạn, theo kế hoạch năm 2005, Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội được giao nhiệm vụ triển khai tám dự án đầu tư xây dựng điểm đỗ xe nhưng hiện nay tiến độ chậm lại do không được cấp ngân sách mà phải tự huy động vốn. Và cho đến thời điểm này duy nhất chỉ có một dự án được triển khai đó là dự án Kim Ngưu 2.

Việc xây dựng các bãi đậu xe còn vướng chuyện... quy hoạch. Khi tiến hành khảo sát các địa điểm xây dựng bãi đậu xe và đặt vấn đề thì các quận, phường đều lúng túng vì trước đây trong quy hoạch quận, phường không hề tính đến vấn đề này. Tuy nhiên nếu “đổ lỗi” việc thiếu các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe ở khu vực nội đô là do lịch sử để lại thì làm sao giải thích được tình trạng ngay các khu đô thị mới xây dựng của thành phố cũng không đủ quỹ đất để xây dựng các bãi đỗ xe?

Vậy là, trong khi chờ đợi các bãi đỗ xe quy củ, hiện đại đúng quy hoạch thì người dân Hà Nội vẫn phải sống chung dài dài với nghịch lý sử dụng lòng đường, vỉa hè để làm các điểm trông giữ xe và chịu mức phí cao hơn quy định.

Theo Theo Tiền phong