Chữa bệnh cách 1.000 km
Bữa cơm chiều đã làm toàn bộ ngư dân trên tàu Qna 1539 ôm bụng rên la. Nhiều người vừa thổ, vừa tả, ba ngư dân bất tỉnh, trong đó Nguyễn Thiều nặng nhất: gần như mê man không còn biết gì.
Thuyền trưởng Phạm Văn Tấn (Núi Thành, Quảng Nam) nhớ lại: "Lúc này, tàu đang giữa biển khơi, cách bờ 30 giờ chạy, đêm tối mịt mù, không có một tàu bạn nào gần để cầu cứu, trên tàu cũng không ai còn đủ sức đứng vững để điều khiển tàu. Một trạng thái hoảng loạn bao trùm lên tất cả. Chúng tôi chỉ còn cách gọi điện đàm".
Người trực điện đàm của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đêm đó đã báo cáo với chỉ huy tình hình trên tàu Qna 1539. Giải pháp liên lạc gọi tàu cá ở gần khu vực đó đến cứu hoặc cho tàu ra cứu vốn là giải pháp chính bây giờ trở thành phụ. Việc chính là cứu các bệnh nhân trên tàu thoát khỏi cái chết đang rất gần kề. Cuối cùng, Trung tá, bác sĩ (BS) Lê Minh Tưởng được mời đến và cầm điện đàm bắt đầu một cuộc chẩn đoán bệnh kỳ lạ cho những bệnh nhân cách mình 1.000 km.
"Hỏi vài câu, tôi biết các ngư dân bị ngộ độc thức ăn - BS Tưởng kể lại - Tôi hỏi tiếp, trên tàu mang theo những loại thuốc gì. Họ bảo có kháng sinh và Orezon, tuy nhiên rất ít. Tôi lại hỏi, có đường, muối, gạo không. Họ bảo có".
Mất một đêm. BS Tưởng cầm điện đàm hướng dẫn tỉ mỉ cho các ngư dân tự chăm sóc nhau, người nặng được uống Orezon, người nhẹ thì rang gạo, trộn muối, đường uống, và uống thêm kháng sinh. Sáng hôm sau, tất cả dần dần hồi phục.
Anh Tấn kể: Khi nghe giọng BS, bọn tôi như được cứu sống về mặt tinh thần, không ai còn thấy hoảng sợ, không còn có cảm giác bị bỏ rơi nữa. Chúng tôi thoát nạn mà không phải bỏ dở một chuyến biển với trăm triệu đồng tiền phí tổn.
20 giờ với một ca viêm ruột thừa
Từ sau vụ xử lý ngộ độc thức ăn trên tàu (tháng 5-2005), anh Tưởng bỗng nhiên "có duyên" với những ca bệnh giữa trùng khơi. Là Chủ nhiệm quân y của Bội đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam lo cho sức khoẻ cho bộ đội biên phòng toàn tỉnh, cả ngày đã bận rộn, tối anh còn phải thức để "lên sóng" cứu người. Hàng chục ngư dân đã nhờ "giọng nói" của anh mà thoát chết, hoặc ít nhất cũng cầm được bệnh.
Một ngư dân đã nhiều lần đến tìm BS Tưởng để tạ ơn mà chưa gặp. Đó là Lê T. ở Bình Dương (Thăng Bình, Quảng Nam). Khi Bộ đội Biên phòng "bắt" được tiếng kêu cứu trên sóng thì lúc này cơn đau do viêm ruột thừa của T. đã kéo dài suốt 14 giờ rồi. Trên tàu chỉ có một ít kháng sinh, nhưng không biết loại gì. Anh Tưởng hỏi dò trong số ngư dân và "chộp" được một ngư dân có thời từng đi bộ đội có thể đọc được chữ ghi trên nhãn thuốc. Anh nhớ lại: "Mừng lắm, nhất là khi nghe chàng cựu binh ngư dân này đọc bập bõm mấy tiếng Cephalexin, mình reo thầm "có cách rồi!". Anh Tưởng đã "ôm" cái bộ đàm 20 giờ liên tục để hướng dẫn cho T uống thuốc, và theo dõi diễn biến bệnh. Đến giờ thứ 35, khi T. nói được rằng chỗ đau bây giờ đã khu trú tại hố chậu phải, "có cái chi cứng cứng ở đó", anh Tưởng quay sang mỉm cười với chỉ huy: "Thế là thoát rồi thủ trưởng ạ. Ruột thừa đã đóng quánh, để sáu tháng sau mổ cũng chẳng hề gì". Lê T sau chuyến biển đó, còn đi thêm một chuyến nữa, mới chịu nghỉ để "giải quyết" chuyện ruột thừa. Không gặp được ân nhân nhưng anh T bảo, chỉ cần nghe tiếng là nhận ra người ngay.
23 năm rồi như thế, cứ cách ít ngày, BS Tưởng lại có một chuyến đi dăm ba ngày lên những đồn biên phòng sát biên giới để chữa bệnh cứu người. Mỗi khi có điện đàm cấp cứu, BS Tưởng lên đường ngay, bất luận đi bằng gì, ô-tô, xe ôm hay đi bộ, bất luận mưa, bão, tắc đường. Lòng tận tụy với người bệnh của BS Tưởng, đã giúp cho biên phòng Quảng Nam chưa hề có một bệnh nhân nào tử vong sau tám năm qua.
|