"Món khoái khẩu nhất của nhà tôi là cánh gà chiên nước mắm, chân gà luộc và vịt kho gừng. Nhưng từ khi có thông tin cúm gia cầm bùng phát trở lại, bà xã tôi không mua nữa. Thèm ăn lắm mà sợ bệnh", anh Nguyễn Chương, ở quận 8, TP HCM, tâm sự.
![]() |
Gà được đóng gói có địa chỉ cơ sở sản xuất được bán tại chợ Thị Nghè. |
Sự cảnh giác của anh Chương hiện là tâm trạng chung của nhiều người dân thành phố. "Thi thoảng tôi cũng vào siêu thị mua gà làm sẵn nhưng nhìn chung gần đây gia đình tôi rất ít ăn món này", chị Nguyễn Thị Hằng, quận 10, nói.
Từ khoảng nửa tháng nay, nhiều quán cháo vịt, bún vịt, cơm gà trên địa bàn vắng khách dần. "Quán tôi trước đây khách đông nườm nượp, vậy mà bây giờ số khách tới quán đã giảm xuống hơn phân nửa, nhiều hôm ế ẩm đến phát rầu. Không biết khi nào tình hình mới êm trở lại", chủ quán cháo vịt Thu Nga nổi tiếng khu Thanh Đa, lo lắng nói.
TP HCM: Từ 15/11, cấm chăn nuôi gia cầm, thuỷ cầm Hôm qua, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Hải đã ký chỉ thị UBND các quận, huyện phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục thực hiện biện pháp cấm chăn nuôi gia cầm, thuỷ cầm trên địa bàn. Chủ tịch UBND thành phố khuyến cáo, đến ngày 10/11, những hộ chăn, nuôi nhỏ, lẻ phải tiêu thụ hết gia cầm; và ngày 15/11, những hộ chăn nuôi quy mô phải xuất bán hết các đàn gia cầm. Cũng theo chỉ thị của Chủ tịch UBND thành phố, trước mắt, đình chỉ những hoạt động kinh doanh chim cảnh, kể cả chim phóng sinh và tham quan chim cảnh tại các khu vui chơi giải trí. Nếu quận, huyện nào còn có trường hợp chăn, nuôi, giết mổ, buôn bán gia cầm trái phép trên địa bàn thì Chủ tịch UBND quận, huyện đó phải chịu trách nhiệm. |
Người dân không sử dụng thịt gia cầm, quán ăn ế ẩm nên những sạp bán gia cầm tại các chợ cũng chịu cảnh "hiu hắt". Chợ Thị Nghè, một điểm giao thương khá sầm uất của quận Bình Thạnh hiện có 3 sạp bán gia cầm. Sản phẩm bày bán đều có bao bì, địa chỉ cơ sở giết mổ rõ ràng nhưng rất hiếm khách hỏi mua. "Sạp tôi bán hàng có uy tín ở chợ này, nhưng bây giờ cũng ế quá. Những tháng trước bán ngày cả trăm ký thịt gà, mấy tuần lại đây giỏi lắm cũng chỉ được hơn 20 ký, dù giá còn chưa tới 25 nghìn một ký. Sắp tới chắc phải chuyển sang bán hàng khác", bà Ba, bán gà sạp số 3, vừa luôn tay quạt ruồi, vừa rầu rĩ nói.
Theo ông Huỳnh Hữu Lợi, Trưởng chi cục thú y TP HCM, người dân thành phố cảnh giác với gia cầm là hoàn toàn có lý. Hiện đàn gia cầm của thành phố chỉ còn 500.000 con và được cơ quan thú y quản lý chặt chẽ, nhưng 80-85% số gia cầm tiêu thụ tại thành phố là đưa từ các tỉnh lên. Mặc dù cơ quan thú y thành phố và các tỉnh thống nhất: gia cầm phải có kiểm dịch của địa phương, có giấy xác nhận đã tiêm ngừa H5N1 trên 28 ngày mới được đưa vào thành phố, song lực lượng kiểm dịch còn mỏng nên khó có thể chặn hết nguồn sản phẩm nhập lậu. "Những gia cầm nhập lậu này nguy hiểm vì có nhiều khả năng mang mầm bệnh", ông Lợi nói.
![]() |
Gia cầm được vận chuyển lậu. |
Cũng theo ông Lợi, mạng lưới giết mổ gia cầm đã được quy hoạch lại, từ 3.500 cơ sở xuống còn 63 cơ sở tập trung. Chất lượng vệ sinh của sản phẩm từ các cơ sở này do cơ quan thú y kiểm dịch trước khi đưa ra thị trường.
Tuy nhiên, ông Lợi thừa nhận, đơn vị chức năng khó kiểm dịch hết chất lượng thịt gia cầm mà 63 cơ sở trên cung cấp. "Mỗi ngày các cơ sở tập trung có khả năng giết mổ 70-80 nghìn con gia cầm nhưng cơ quan thú y chỉ kiểm soát được khoảng 40-50 nghìn con. Thực tế vẫn còn những cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ hoạt động lén lút mà cơ quan thú y không kiểm soát được", ông Lợi nói.
Ông Lợi cho biết thêm, hiện hình thức xử lý các cơ sở giết mổ gia cầm lậu chủ yếu là tịch thu tiêu hủy, kết hợp phạt hành chính từ 1 đến 5 triệu đồng, tuỳ theo mức độ vi phạm, nhìn chung cũng đủ sức răn đe. Nhưng xử phạt chỉ giải quyết phần ngọn trong phòng chống dịch bệnh. Cái gốc vẫn là ý thức chấp hành của người dân. Việc xóa bỏ những cơ sở giết mổ gia cầm nhỏ lẻ phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền và người dân tại các địa phương vì lực lượng thú y không thể có mặt mọi lúc, mọi nơi nên chắn chắn sẽ có những sơ hở.
Ban quản lý các chợ trên địa bàn cũng phản ánh, họ chỉ có quyền quản lý những sạp trong nhà lồng chợ. Nhưng ngoài nhà lồng, các chợ tự phát gần nhiều khu dân cư, chung cư... còn không ít các "thớt thịt" bày bán tự do thì chất lượng thực phẩm hầu như không có sự kiểm soát.
"Để đảm bảo không mua nhầm gia cầm mang mầm bệnh, người dân chỉ nên mua thịt làm sẵn được đóng gói trong bao bì có địa chỉ cơ sở giết mổ rõ ràng" ông Lợi khuyến cáo. "Hiện cơ quan thú y chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng sản phẩm các cơ sở mình cấp phép và quản lý. Sản phẩm gia cầm được bày bán bất kỳ đâu mà không có bao bì, không có địa chỉ cung cấp rõ ràng là nguồn gia cầm không an toàn".
Võ An
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Nạn nhân chất độc da cam có thể là hàng chục triệu (29/10/2005)
▪ Cấp gần 14.000 lít thuốc sát trùng cho các tỉnh bị bão số 7 (29/10/2005)
▪ Cấm nhập khẩu gia cầm, chim cảnh vào Việt Nam (29/10/2005)
▪ Đêm hội của 'triệu trái tim một khát vọng' (29/10/2005)
▪ Báo cáo tham nhũng chưa sát với thực tế (29/10/2005)
▪ Hà Nội: Xe tải nghiền nát xe máy (29/10/2005)
▪ Dùng Pokemon dạy Luật giao thông (29/10/2005)
▪ Người đi bộ, xe máy, xe đạp sắp được qua hầm Hải Vân (29/10/2005)
▪ Bão số 8 đang tiến vào đất liền (29/10/2005)