Những năm tháng không quên
Các Website khác - 26/09/2005
Nhà báo, nhà Việt Nam học E.Kobelev vừa gửi cho báo Nhân Dân bài viết về những kỷ niệm không quên của ông với đất nước Việt Nam. Xin trích giới thiệu cùng bạn đọc một phần nội dung bài viết của ông E.Kobelev, trong đó có đoạn nhắc đến sự kiện Mỹ chọn đúng những ngày Hà Nội đang đón tiếp Ðoàn đại biểu Ðảng, Chính phủ Liên Xô do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng A.Kotsygin và Bí thư T.Ư Ðảng CS Liên Xô Yu.Andropov dẫn đầu, để bắt đầu cuộc chiến tranh không tuyên bố trên không.
Tháng 9-1964, tôi đến Hà Nội làm việc với tư cách phóng viên thường trú của TASS. Bốn năm, trước theo thỏa thuận trao đổi sinh viên giữa Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi đến Hà Nội học Khoa lịch sử - Ngôn ngữ của Ðại học Tổng hợp Hà Nội. Vào những năm xa xưa ấy, thủ đô Việt Nam là một thành phố cổ kính tĩnh lặng. Buổi sáng, khi chỉ mới bình minh, chúng tôi đã bị đánh thức bởi tiếng rao của những người bán hàng rong. Chúng tôi sống ở trung tâm thành phố, trên một con phố nhỏ, nơi mỗi ngôi nhà đều có nét kiến trúc độc đáo của mình. Nhưng điều chung nhất của các tòa nhà ấy là những mái ngói được những cơn mưa rào xối xả rửa sạch bong và những cánh cửa chớp mầu xanh lá cây. Tuy nhiên, lần này Hà Nội có một vẻ hoàn toàn khác - có bầu không khí cảnh giác, lo ngại. Trong không khí có hơi hướng của mối đe dọa quân sự. Chỉ một tháng trước đây dưới cái cớ "hành động khiêu khích" tại Vịnh Bắc Bộ, máy bay Mỹ đã bắn phá bằng tên lửa và bom các tỉnh thuộc miền bắc Việt Nam. Sau đó QH Mỹ đã thông qua cái gọi là "Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ" mà theo đó, Tổng thống Mỹ được quyền sử dụng lực lượng vũ trang không hạn chế để tiến công bắc Việt Nam như là "biện pháp trả thù" vì các hoạt động du kích ở miền nam.

Ðối với nhiều nhà báo nước ngoài đồng nghiệp, trong đó có tôi, đều có cảm tưởng rằng đó là một sự phô diễn lực lượng nhằm đe dọa ban lãnh đạo nước Việt Nam. Vài tháng trôi qua, bầu trời Việt Nam vẫn yên ả. Và bỗng nhiên, ngày 7 và 8-2-1965 không quân Mỹ đã bất ngờ thực hiện cuộc ném bom được lên kế hoạch sẵn sàng bắn phá thị xã phía nam miền bắc Việt Nam - Ðồng Hới, Hồ Xá và những khu làng lân cận.

Với riêng tôi, cho đến nay, trong những hiện tượng ấy, vẫn là điều lạ lùng tại sao Mỹ lại chọn đúng những ngày ấy để bắt đầu cuộc chiến tranh không tuyên bố trên không. Khi đó Hà Nội đang đón tiếp Ðoàn đại biểu Ðảng, Chính phủ Liên Xô do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng A.Kotsygin và Bí thư T.Ư Ðảng CS Liên Xô Yu.Andropov dẫn đầu. Có phải Washington định đe dọa không chỉ Hà Nội, mà cả Moscow ?

Tuy nhiên, kết quả diễn ra hoàn toàn ngược lại. Theo lời kể của những thành viên phái đoàn tham gia hội đàm ở Hà Nội, A.Kotsygin rất tức giận về những hành động của phía Mỹ rõ ràng muốn nhấn mạnh phớt lờ sự có mặt của người đứng đầu Chính phủ Liên Xô tại Hà Nội và ông đã quyết định viện trợ cho Việt Nam ở mức tối đa cho phép. Lập trường đó được nêu rõ trong thông báo của Chính phủ Liên Xô công bố ngày hôm sau và được nhắc lại ngày 10-2 trong thông cáo chung Việt Nam - Liên Xô.

Với sự giúp đỡ vô tư của Liên Xô, ban lãnh đạo chính trị và quân sự Việt Nam dần dần biến miền bắc thành pháo đài bất khả xâm phạm mà đội tàu bay hạng nhất và những tàu chiến của Hạm đội 7 đã ra sức tiến công bắn phá trong suốt mười năm. Về sau, các tướng lĩnh quân sự Mỹ nhận xét rằng hệ thống phòng không - không quân quốc gia của Việt Nam có hiệu quả cao và được trang bị hiện đại và là một trong những hệ thống phòng không - không quân hùng mạnh trong lịch sử chiến tranh thế giới.

Vụ bắn phá của máy bay mà lần đầu tôi trải qua ở ngay ngày thứ ba đến Ðồng Hới. Chúng tôi có chín phóng viên nước ngoài từ Liên Xô, Ðức, Tiệp Khắc, Pháp... Vào giữa ngày, khi chúng tôi đang ăn trưa tại nhà hàng của khách sạn địa phương, bỗng có còi báo động. Từ phía Vịnh Bắc Bộ, nơi Hạm đội 7 của Mỹ bỏ neo, dưới tiếng hú gầm của động cơ, lần lượt bốn chiếc máy bay xuất hiện. Chúng bay chậm, theo đội hình chiến đấu và bay thấp đến nỗi có thể đọc được số hiệu trên cánh. Thỉnh thoảng chúng lại chúi đầu xuống và rót đạn vào những chiếc thuyền nhỏ và lều rơm bên bờ Nhật Lệ, dòng chảy qua thành phố.

Từ tháng 2 đến tháng 8-1965 nhận nhiệm vụ của TASS tôi đã nhiều lần đến Khu 4 - là khu vực có những tỉnh ở phía nam Hà Nội. Chính các khu vực này vào những tháng đầu tiên của chiến tranh đã trở thành mục tiêu chủ yếu của các cuộc ném bom. Tôi nhớ lại những ngày đêm không ngủ ở Vinh. Ðài phát thanh hầu như liên lục phát tín hiệu báo động. Lũ máy bay tiêm kích ném bom liên tục thay nhau quần đảo phía trên thành phố trên độ cao mà pháo phòng không không thể với tới. Rình được thời thuận tiện hoặc nắm bắt bất cứ mục tiêu đang di chuyển nào, chúng chúi đầu xuống. Sau khi thả bom, chúng lại lấy độ cao và bay ra phía Vịnh và cứ như vậy trôi qua thời gian ban ngày, khi chúng tôi ở trong thành phố.

Tháng 8-1965, các phi công Mỹ đã buộc phải thay đổi lịch làm việc quen thuộc của họ - lực lượng tên lửa phòng không của miền bắc Việt Nam được bổ sung các tiểu đoàn tên lửa đất đối không. Máy bay Mỹ đã quen với việc bay tự do trên độ cao lớn, giờ đây đã bị các tên lửa tìm bắn hạ. Lê Ðồng, Trung tá chỉ huy tiểu đoàn tên lửa đã kể rằng, có những ngày mà ngay cả các đơn vị tên lửa cũng cảm thấy khó tin chỉ bằng một quả tên lửa bắn hạ hai máy bay địch.

Những cựu chiến binh người Nga cũng luôn nhớ về những ngày đó và về những người đồng đội Việt Nam. Ở nước Nga Hội Cựu chiến binh Nga trong chiến tranh Việt Nam, một tổ chức xã hội đã được thành lập và đang hoạt động tích cực. Ngày 5-8 hằng năm (ngày 5-8-1964, đã xảy ra cái gọi là sự kiện Vịnh Bắc Bộ), hàng chục cựu chiến binh mái tóc đã hoa râm, một số người đã gần 80 tuổi, gặp nhau ở Moscow, để lại được nhìn thấy nhau và hồi tưởng lại thời trai trẻ chiến đấu ở Việt Nam của mình. Tại các cuộc gặp ấy thường xuyên có mặt đoàn đại biểu cựu chiến binh Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt Nam ở Nga.

... Người Việt Nam thường gọi tên lửa phòng không Xô-viết một cách trìu mến là những con "rồng lửa". Từ khi quân chủng tên lửa được thành lập, bộ đội tên lửa trở thành những người nổi tiếng. Tiểu đoàn tên lửa xuất hiện ở đâu thì dân chúng trong vùng đều xúm quanh các anh, quan tâm các anh sâu sắc. Họ sẵn lòng tham gia đào hầm của bộ đội, ngụy trang tên lửa bằng các loại cành cây xanh. Và khi tên lửa được phóng vút lên bầu trời, bắn hạ máy bay địch thì họ vui sướng hò reo: "Tên lửa ta đó".

Những năm gần đây tôi nhiều lần được đến Việt Nam công tác. Mỗi một lần, tôi lại thấy những khu công nghiệp mới với hàng chục xí nghiệp hiện đại hay là những tòa nhà bê-tông cốt thép chọc trời được xây dựng trên những hầm tránh đạn xưa kia, thì trong ký ức tôi lại hiện lên buổi sáng 17-7-1966 ở Hà Nội chiến đấu. Trong ngày hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu trên đài phát thanh. Thành phố vẫn còn khét lẹt mùi khói từ những đám cháy sau khi máy bay kẻ thù bắn phá. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói bằng giọng Nghệ An, hơi trầm của mình:

"Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp, có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Ðến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Có lẽ là ngay cả con người lạc quan như Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không thể tưởng tượng được rằng đất nước của Người sẽ trở thành như thế nào sau khi giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến lần thứ hai. Việt Nam hôm nay, đó là một trong những quốc gia ổn định nhất về chính trị ở Ðông - Nam Á, là thành viên tích cực của tổ chức chính trị kinh tế khu vực ASEAN. Nhờ sự phát triển năng động của nền kinh tế, bắt đầu từ năm 1990 đã bảo đảm mức tăng thu nhập quốc nội ở mức 7 - 8%/năm. Việt Nam, nói một cách hình ảnh, đã phát triển gấp hai lần. Ðó là một trong những thành tựu ấn tượng nhất của "chính sách đổi mới" do Ðảng CS Việt Nam tiến hành từ năm 1986 và bắt đầu xây dựng "chủ nghĩa xã hội thị trường".

Trong những chuyến đi ấy, tôi được gặp gỡ với nhiều đại diện của "thế hệ mới", những nhà chủ doanh nghiệp tư nhân, nhà quản lý, nhà ngân hàng. Những người đó, cho dù họ không phải là nhà chính trị, trong các cuộc gặp, các bữa tiệc, đều nhớ và cảm ơn Liên Xô vì sự giúp đỡ toàn diện và sự ủng hộ nhân dân Việt Nam, họ tiếp tục nâng cốc vì tình hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga.

Một lần, ở tỉnh Ðồng Nai, tôi làm quen với một cựu du kích miền nam Trịnh Ngọc Ước. Ðó là vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền nam, và anh đã mời tôi đến dự cuộc gặp truyền thống với các đồng đội. Cuộc gặp diễn ra thân mật, trong không khí gia đình và kéo dài đến đêm. Những cựu du kích thay phiên nhau hồi tưởng lại những sự kiện đáng nhớ nhất của tuổi xuân chiến đấu của mình. Họ nhớ lại họ đã tin tưởng vào trận tự tin như thế nào, vì trong tay họ có súng trường Kalasnikov. Họ nhớ lại vào tháng 3-1975 khi có vết nứt trong phòng thủ của kẻ thù ở Tây Nguyên ra sao, khi mà những chiếc xe tăng T-54 xông lên cao nguyên Tây Nguyên và chia cắt miền nam thành hai phần. Họ nhớ lại cuộc tiến công thần tốc sau đó đã giáng đòn chí mạng và trở thành chiến dịch kết thúc để giải phóng Sài Gòn.

Tại cuộc gặp đó tôi đã được nghe chi tiết về người bạn mới của mình, đã 10 năm chiến đấu trong đội quân du kích ở tỉnh quê hương. Ngày 30-4-1975 với súng AK-47 trong tay, trong bộ quần áo du kích mầu đen, anh ngồi trên nóc chiếc xe tăng T-54 đầu tiên tiến vào Sài Gòn.

Ngày hôm đó, chế độ ngụy quyền sụp đổ, trở thành thời điểm chấm dứt cuộc đấu tranh nhiều năm để giải phóng miền nam và thống nhất đất nước. Ngày nay chiếc xe tăng T-54 có thể được nhìn thấy ở Bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh. Những cựu chiến binh nói rằng họ coi nó không chỉ như biểu trưng của chiến thắng trong cuộc đấu tranh nhiều hy sinh mất mát, mà còn là biểu tượng không phai mờ của tình hữu nghị anh em giữa hai dân tộc.