(VietNamNet) - Hơn 2 năm qua, Chính quyền Hà Nội đã dùng nhiều cách để giảm lượng xe máy. Cấm thì người dân mua quyền đăng ký hoặc “lắp đít” ngoại tỉnh. Và cùng với xe máy mang “hộ khẩu thủ đô’’, dòng xe ngoại tỉnh đang lưu hành ngày càng nhiều ở Hà Nội.
>> Toàn cảnh cho đăng ký xe máy trở lại
Người Hà Nội đi xe ngoại tỉnh
Trên đường phố Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều xe máy mang biển ngoại tỉnh, nhưng chủ nhân của nó lại là người Hà Nội… 100%. Thậm chí, có người gia đình sống đã 3 - 4 đời ở khu phố cổ nhưng vẫn cưỡi những chiếc xe mang “đít’’ tỉnh lẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số điểm bán xe máy trên phố Nguyễn Lương Bằng, phố Huế, Bà Triệu…, điều này không có gì ngạc nhiên, nhất là khi Hà Nội có chủ trương tạm ngừng đăng ký xe máy ở các quận nội thành. Khi cần một chiếc xe, quyền đăng ký đã hết, họ đành phải mượn “danh” người ngoại tỉnh để đăng ký xe.
Một chủ cửa hàng bán xe máy trên phố Huế cho biết, chính anh đã đứng ra môi giới cho nhiều khách hàng cách đăng ký biển ngoại tỉnh, những tỉnh gần Hà Nội như Hà Tây, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định…
“Khi Hà Nội có quyết định tạm ngừng đăng ký xe máy tại các quận cũ, cả chúng tôi và cả khách hàng đều phải xoay qua tìm kiếm nguồn nhân khẩu chưa đăng ký xe của các quận còn lại. Nhưng chỉ được lúc đầu, sau đó có trả lên 4, 5 triệu họ cũng không bán nên đành phải chấp nhận đăng ký biển ngoại tỉnh. Mặc dù biết là không thích nhưng không còn cách nào khác…”, chủ cửa hàng cho biết.
1001 kiểu mua mác ngoại tỉnh
Chị Nguyễn Thị Minh (nhà ở Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cần xe máy để đi thực tập đúng vào thời điểm Hà Nội cấm đăng ký xe ở 7 quận cũ. Nhờ chủ hàng bán xe mua đăng ký cho ở hai quận mới Long Biên và Gia Lâm cũng không được, ở Sóc Sơn, Từ Liêm, Đông Anh thì lại quá đắt. Chị Minh không thể chờ đợi lâu, chị nhờ bạn ở Hải Dương đăng ký hộ. Chiếc xe wave biển 34 của chị mang hộ khẩu “tỉnh bạn’’ là thế.
Anh Nguyễn Hồ Nam (có hộ khẩu ở phường Cửa Nam, Hoàn Kiếm, Hà Nội) góp mãi mới đủ tiền mua chiếc xe @ nhưng gặp đúng đợt Hà Nội ngừng đăng ký. Anh nhờ kiếm quyền đăng ký qua chủ bán xe với giá 4 triệu đồng nhưng vài tháng sau vẫn không có, nếu có thì cũng bị hét với giá quá cao.
Chờ lâu, xe không biển đi ngoài đường không an tâm, anh Nam nhờ bạn đăng ký ở Hà Tây, chỉ mất có hơn 1 triệu, chỉ 1 tuần lấy được biển. Anh Nam nói vui: ‘’Tôi khổ vì cái biển xe lắm. Thôi, nếu không đăng ký được Hà Nội thì mình đành thành người… tỉnh lẻ vậy…”.
Các cửa hàng bán xe máy còn thường ''gạ'' khách cứ mua xe rồi mượn hộ khẩu, giấy tờ của ''người quen'' tại các quận lân cận để đăng ký hộ. Chủ cửa hàng cũng tự sưu tầm một số địa chỉ ''dịch vụ đăng ký xe'' để chỉ cho khách hàng. Dịch vụ này do chủ cửa hàng đứng ra làm hoặc giới thiệu cho khách để ăn chia phần trăm. Khách mua hàng mặc dù phải đi xe biển tỉnh lẻ nhưng chẳng phải lo về giấy tờ, chỉ cần “ném” cục tiền 3-4 triệu cho cò là xong!
Người ngoại tỉnh đi xe Hà Nội
Cùng với quyết định tạm ngừng đăng ký xe máy, Hà Nội đã có thời làm người dân tỉnh lẻ thót tim và phê phán “dự kiến viển vông’’ cấm xe máy ngoại tỉnh lưu thông ở Hà Nội.
Hà Nội cho rằng, lượng xe máy ngoại tỉnh tham gia ở Hà Nội quá đông, khiến đường phố chật hẹp của thủ đô càng nhỏ bé lại. Nhưng có một thực tế đang tồn tại, không thể hạn chế được là người dân ngoại tỉnh đi xe biển Hà Nội ngày càng nhiều. Để kiếm được một “biển kiểm soát Tràng An” không hề khó, và có rất nhiều cách.
Anh Đàm Văn Lâm (Quê Tĩnh Gia - Thanh Hóa) đang đi chiếc xe Viva biển số 29-M9- 03.. từ năm 2000 đến bây giờ. Khi đang học năm cuối trường ĐH Kinh tế Quốc dân, anh Lâm được gia đình cho tiền mua một chiếc xe để đi làm.
Theo thủ tục đăng ký xe máy khi đó, anh Lâm chỉ cần xin giấy giới thiệu của trường rồi mang đến nơi đăng ký xe và nghiễm nhiên có chiếc biển Hà Nội, lại chính chủ. Trường hợp như anh Đàm Văn Lâm không hiếm, nhất là sinh viên ngoại tỉnh học ở Hà Nội từ năm 2001 trở về trước.
Chị Lê Kiều Hà (quê Đồng Hỷ - Thái Nguyên) đang là sinh viên trường ĐH Văn Hóa HN được gia đình mua cho một chiếc xe Attila. Không muốn đăng ký biển Thái Nguyên, chị Hà bỏ thêm 3 triệu đồng cho chủ bán xe, chỉ mấy ngày sau có biển số Hà Nội 29-P8-52... như một người Hà Nội gốc, mặc dù đã mất đi quyền chính chủ. “Chính chủ hay không chính chủ chẳng quan trọng với tôi. Tôi học xong sẽ ở lại Hà Nội làm việc nên phải có biển Hà Nội…”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi tại các trường ĐH, hiện số lượng sinh viên ngoại tỉnh đi học bằng xe máy hiện nay rất nhiều. Trong đó, xe của họ vừa mang biển ngoại tỉnh, vừa mang biển Hà Nội. Biển ngoại tỉnh do gia đình mua xe ở quê rồi mới giao cho con mang lên Hà Nội. Biển Hà Nội do sinh viên bỏ tiền ra mua quyền đăng ký hoặc mua lại xe cũ.
Tại các nhà xe ở các trường ĐH hoặc những bãi trông giữ xe của thành phố, số lượng xe máy ngoại tỉnh ít hơn xe máy mang biển Hà Nội. Nhưng trên thực tế, chủ nhân của những chiếc xe này là xuất xứ từ các tỉnh khác về Hà Nội học tập, làm việc. Có vô vàn cách để họ có được một chiếc xe mang biển Hà Nội.
Theo thừa nhận của Công an TP Hà Nội, hiện nay, trên tổng số xe máy đang lưu thông ở Hà Nội, có đến 31% lượng xe máy ngoại tỉnh. Thêm nữa, số xe máy ngoại tỉnh theo chân 200.000 sinh viên, của hơn 40 trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn Hà Nội cũng rất đáng kể. Như vậy số xe máy thực tế đang lưu hành tại Hà Nội vẫn gia tăng không ngừng. Trong khi đó, Hà Nội vẫn bảo lưu quan điểm tạm ngừng đăng ký xe máy với niềm tin về hiệu quả việc tạm ngừng này tại một số quận nội thành giảm 40% số lượng đăng ký mới.
Tuy nhiên, khi mà Hà Nội đang bị phản ứng mạnh mẽ thì có hàng loạt vấn đề liên quan đến xe máy vẫn tồn tại và chưa được làm rõ. Đó là có bao nhiêu người mượn tên đổi chủ? Có bao nhiêu người Hà Nội đi xe ngoại tỉnh? Có bao nhiêu người ngoại tỉnh đi xe Hà Nội? Bao nhiêu người ngoại tỉnh đi xe ngoại tỉnh?
▪ Giết mổ gia súc: “Mặt trận” chống dịch bị bỏ quên? (13/12/2005)
▪ Kinh hoàng nước sông, hồ Hà Nội (13/12/2005)
▪ Quốc hội đôn đốc Hà Nội quyết việc đăng ký xe máy? (13/12/2005)
▪ Đoàn thượng nghị sỹ Hoa Kỳ thăm Việt Nam (12/12/2005)
▪ Quỹ Clinton cam kết hỗ trợ bệnh nhân AIDS Việt Nam (13/12/2005)
▪ Orbis, người bạn tin cậy của người khiếm thị Việt Nam (13/12/2005)
▪ Đưa trí thức trẻ về cơ sở ở Khánh Hòa (13/12/2005)
▪ Chủ tịch Kayson Phomvihane, người bạn thủy chung của nhân dân Việt Nam (13/12/2005)
▪ Thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 20 năm đổi mới đất nước” trên internet và qua điện thoại (13/12/2005)
▪ Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp các dũng sĩ diệt Mỹ (14/12/2005)