Đã hơn 40 năm kể từ ngày đầu tiên Mỹ rải chất độc da cam xuống miền Nam Việt Nam, nhưng hậu quả mà tội ác ấy để lại tới ngày hôm nay vẫn còn là nỗi đau dai dẳng. Chưa khi nào, công lý của trái tim lại lên tiếng mạnh mẽ đến thế.
Ước mơ giản dị về một mái ấm ít sóng gió, những đứa con khỏe mạnh và bữa cơm có thêm miếng thịt cải thiện, vậy mà đối với anh Giáp Văn Đề (cựu chiến binh tỉnh Bắc Giang) sao khó khăn đến vậy. Tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, trở về đời thường với niềm hạnh phúc tột cùng vì thân thể còn nguyên vẹn, anh Đề tưởng như không trụ vững khi biết mình đã nhiễm chất độc da cam sau khi sinh đứa con thứ tư. Bốn đứa trẻ oặt oẹo trên vai người mẹ khóc ròng, còn người cha chỉ biết im lặng đau đớn vì vết thương chiến tranh tàn khốc mà anh không sớm nhận ra.
Cùng hoàn cảnh với anh Đề, anh Nguyễn Văn Trường, cư ngụ tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cũng mang trong mình "lớp sương trắng" quái ác. Mỗi ngày, anh đạp xe ra ngoài xem gia đình nào có nhu cầu sửa chữa máy móc, nhận về nhà làm. Một cái máy khâu hỏng, anh kiếm được 20.000 đồng, nhưng không phải ngày nào cũng có vật dụng hỏng cho anh sửa. Vợ anh không nghề nghiệp ổn định, chỉ biết giúp chồng bằng cách nhận quần áo cũ về sửa sang, may vá. Tiền kiếm được lại rót vào mua thuốc cho cậu con trai thứ 20 tuổi, mặt mũi tuy khôi ngô nhưng trí óc chỉ bằng đứa trẻ lên năm. Đứa con đầu đáng ra đã có thể giúp đỡ cha mẹ, nhưng vì chất độc da cam mà cứ ốm đau liên miên, không lúc nào khỏe mạnh. Thỉnh thoảng cũng có người thuê giúp việc, nhưng được vài ngày, cậu lại quay về nhà nằm chờ bố mẹ nuôi ăn vì không đủ sức khỏe.
Đau thương, tang tóc, những hình hài bị phơi nhiễm dù ở tuổi 24-25 mà vẫn ngơ ngác, hồn nhiên như đứa trẻ lên ba. Đứa không mắt, đứa không chân, đứa ngoẹo đầu, sài giật mà ánh mắt ngây thơ đến buốt lòng. Bị xa lánh, ghẻ lạnh và coi như kẻ quái thai, những đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam trở nên sống thu mình, sợ hãi trong cơ thể vốn không bình thường. Nhưng trong thế giới u ám ấy, vẫn có những đốm sáng nổi lên với mong ước được cống hiến công sức cho đời.
Thái Thu Nga, em gái 15 tuổi mà cơ thể ốm yếu như trẻ lên 10, chưa kể gương mặt bị rối loạn sắc tố da do nhiễm dioxin, từng vô cùng tủi thân khi đến lớp bị bạn bè hắt hủi, giờ đang hạnh phúc trong vòng tay thày cô và các bạn tại làng trẻ Hữu nghị Hòa Bình. Cùng 12 bạn nhỏ ở 12 quốc gia trên thế giới đại diện con em tù nhân, trẻ bị phân biệt đối xử, trẻ em bị đi lính hoặc đang sống trong vùng có xung đột vũ trang, trẻ em nhiễm HIV/AIDS... làm giám khảo cho "Giải vì quyền trẻ em", Nga đã rất tự tin khi nói về quyền trẻ em, về ước mơ cống hiến và được sống trong một thế giới không chiến tranh.
Lê Thanh Hải, sinh viên năm thứ tư Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, đã vượt qua mặc cảm bệnh tật với đôi chân bại liệt để vươn tới ngày hôm nay. Sức mạnh ấy Hải có được từ người bố, bác sĩ chiến trường trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, từ những người bạn chân thành và thực sự yêu quý Hải. Trên tất cả, Hải cố gắng là vì muốn chứng tỏ mình không kém mọi người về tri thức. Nhận thức rất rõ vì sao mình yếu đuối, Hải luôn tâm niệm phải cố gắng học tập, với ước mơ sẽ có một công việc ổn định, nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình.
"Ông em là cựu chiến binh, bố em lại là thương binh, còn em đang sống trong làng Hòa Bình/ Mẹ ơi sao bàn tay con không lành/ Người ơi sao bàn chân con không lành/ Để con múa, để con hát, hát vui với bạn bè, hát vui giữa tình thương". Dàn đồng ca người đứng người ngồi, em có chân, em ngồi xe lăn của những đứa trẻ bị phơi nhiễm như khoét sâu thêm nỗi đau nhân loại. Những lời hát như khắc vào tâm can, với giọt nước mắt cảm thông và chia sẻ. "Hãy đến với nạn nhân da cam, người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Hãy chia sẻ và yêu thương", thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam, xúc động nói trong đêm "Công lý trái tim" diễn ra tại Hà Nội tối qua.
Sau hơn 1 năm đưa đơn kiện đòi quyền lợi cho các cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam dioxin, Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đang tiếp tục cùng các luật sư tích cực chuẩn bị nội dung về pháp lý, chứng cứ, khẳng định chất da cam mà quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam là chất độc chiến tranh, hủy diệt con người và sinh thái. Theo lời ông Lê Đức Tiết - luật sư đại diện pháp lý phía VN trong vụ kiện này - con đường phía trước dành cho VN còn rộng mở. VN có nhiều cơ sở pháp lý thuyết phục, ngoài ra được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế nên có thể đặt niềm tin chiến thắng.
Lê Bảo
▪ "Các anh làm thế thì chết dân"! (11/08/2005)
▪ Côn Đảo (11/08/2005)
▪ Du lịch mạo hiểm ngày càng ưa chuộng (11/08/2005)
▪ Uỷ ban Quốc gia APEC 2006 họp lần thứ nhất (11/08/2005)
▪ Áp thấp nhiệt đới tiến về Quảng Ninh, Thanh Hóa (11/08/2005)
▪ Bán báo, đánh giày không đúng quy định sẽ bị phạt (11/08/2005)
▪ Sử dụng tiền chất điều chế ma túy đang gia tăng (11/08/2005)
▪ Hà Nội sẽ quy hoạch các điểm bán vật liệu xây dựng (11/08/2005)
▪ Cấp sổ đỏ ở Xuân Mai (Hà Tây) theo... một nửa luật (10/08/2005)
▪ Rủ sinh viên kinh doanh hàng lừa (10/08/2005)