![]() |
Ecstasy - một loại ma túy. |
Khi các loại ma túy có nguồn gốc tự nhiên giảm mạnh thì thực trạng tội phạm sử dụng tiền chất để sản xuất ma túy lại ngày một tăng lên và đang diễn biến phức tạp. Đó là nhận định chung của các đại biểu trong hội thảo quốc gia về phòng chống sản xuất ma túy ngày 10/8 tại TP HCM.
Bà Narumi Yamada, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), nhận định, hằng năm, các nước đều xuất nhập khẩu một lượng lớn tiền chất (hoá chất) để phục vụ cho các ngành y tế, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản... Vì tiền chất là các loại hoá chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất ma túy như heroin, cocain, ecstasy... nên các đối tượng buôn ma túy đã tìm mọi cách có được các tiền chất này để cho ra đời những viên ma túy tổng hợp.
Theo số liệu của UNODC, trong giai đoạn 1991-1992, riêng khu vực Đông Nam Á đã thu giữ được 1,5 tấn ma túy tổng hợp. Sang giai đoạn 2001-2002, con số đã tăng lên 6,5 tấn, chiếm 55% số ma túy tổng hợp bị thu giữ trên toàn thế giới. Cũng theo tổ chức này, tại Việt Nam, cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp đầu tiên bị phát hiện là vào năm 1995. Lúc đó đã có sự tham gia của một số người nước ngoài. Những người này nhắm tới Việt Nam không chỉ là thị trường tiêu thụ mà còn là địa điểm để dập, nén các viên ma túy rồi xuất khẩu ra nước ngoài.
Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Phó tổng cục cảnh sát, cho biết, từ tháng 11/2003 đến 11/2004, cả nước phát hiện trên 12.000 vụ, bắt giữ trên 18.000 đối tượng phạm tội liên quan đến ma tuý. Tang vật thu giữ gồm 240 kg heroin, gần 59 kg thuốc phiện, trên 1.000 kg cần sa, 22.000 liều gói ma tuý, khoảng 40.000 viên ma tuý tổng hợp...
Cũng theo ông Thành, mặc dù đã có cố gắng trong công tác xoá bỏ cây thuốc phiện, cai nghiện cho các đối tượng ma tuý nhưng với vị trí Việt Nam nằm gần khu vực sản xuất ma tuý và những quốc gia sản xuất, xuất khẩu tiền chế lớn nhất trên thế giới như: Tam giác vàng, Trăng lưỡi liềm... nên dễ bị tội phạm quốc tế lợi dụng để sản xuất ma tuý, nhất là heroin và ma tuý tổng hợp.
"Công tác quản lý, kiểm soát xuất nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng tiền chất tránh để thất thoát vào các hoạt động điều chế ma túy là một đòi hỏi cấp thiết đối với các cơ quan chức năng", bà Narumi Yamada đề cập vấn đề phối hợp giữa các nước trong khu vực.
Cũng theo bà Narumi Yamada, việc tồn tại và phát triển của ngành công nghiệp hoá chất có liên quan đặc biệt tới hiện trạng thất thoát tiền chất. Dù trực tiếp hay gián tiếp, tội phạm ma túy cũng phải đặt mua "hàng" và các công ty hóa chất có điều kiện giám sát và có thể tạm ngừng cung cấp, báo cơ quan chức năng nếu phát hiện nghi vấn.
Quản lý chặt nền công nghiệp này là giải pháp ngăn chặn thất thoát tiền chất được các đại biểu đề cập. Theo Thượng tá Nguyễn Công Sơn, Chánh Văn phòng Thường trực phòng chống ma túy, Bộ Công an, việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không có kẻ hở cho tội phạm ma túy. Yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam là cần phải hoàn thiện các văn bản pháp luật.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Sơn, các tổ chức liên quan tới công tác kiểm soát cần nhanh chóng phân công trách nhiệm quản lý 10 loại hoá chất còn lại trong số 40 loại hóa chất, tiền chất có trong danh mục kiểm soát. Ngoài ra, cần phối hợp với các bộ ngành thường xuyên thanh kiểm tra và tích cực thông tin tuyên truyền.
Còn trung tướng Nguyễn Việt Thành cho rằng, do Việt Nam phải nhập một lượng lớn tiền chế mỗi năm nên đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và Chính phủ trong công tác quản lý.
Nguyễn Hải
▪ "Các anh làm thế thì chết dân"! (11/08/2005)
▪ Uỷ ban Quốc gia APEC 2006 họp lần thứ nhất (11/08/2005)
▪ Áp thấp nhiệt đới tiến về Quảng Ninh, Thanh Hóa (11/08/2005)
▪ Bán báo, đánh giày không đúng quy định sẽ bị phạt (11/08/2005)
▪ Hà Nội sẽ quy hoạch các điểm bán vật liệu xây dựng (11/08/2005)
▪ Cấp sổ đỏ ở Xuân Mai (Hà Tây) theo... một nửa luật (10/08/2005)
▪ Rủ sinh viên kinh doanh hàng lừa (10/08/2005)
▪ Đối tượng cuối cùng ra đầu thú (10/08/2005)
▪ Nỗi niềm người tài xế taxi (10/08/2005)
▪ Niềm tin có ở mỗi người (10/08/2005)