Phân biệt đối xử dẫn đến việc trì hoãn khám chữa bệnh
Báo Tiếng Chuông - 01/03/2018
Chương trình ứng phó với HIV mặc dù đã đạt được tiến bộ trong cả 4 lĩnh vực gồm: Dự phòng; điều trị, chăm sóc và hỗ trợ; kỳ thị và phân biệt đối xử; thách thức bất bình đẳng giới. Tuy nhiên, nhiều người sống chung với HIV vẫn bị kỳ thị và phân biệt đối xử dẫn đến việc trì hoãn khám chữa bệnh.
Khám bệnh cho bệnh nhân điều trị ARV. Ảnh: Thùy Chi

 

Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, nếu như trong giai đoạn đầu tiên, trung bình mỗi năm ghi nhận khoảng 30.000 ca nhiễm mới với tỷ lệ nữ chiếm khoảng 8% thì tỷ lệ này đã lên đến 33% vào năm 2014.

Mặc dù, số ca nhiễm mới đã giảm xuống chỉ còn khoảng 10.000 người/năm. Xu hướng gia tăng tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV cũng như tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử với phụ nữ nhiễm HIV là vấn đề đáng lo ngại, tạo ra những khó khăn thách thức trong ứng phó quốc gia với đại dịch này.

Thực tế dù hiện nay, vấn đề bất bình đẳng giới đã được đề cập trong khung hướng dẫn ứng phó với HIV, bao gồm Luật Phòng, chống HIV/AIDS (năm 2006), Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Khung pháp lý này là điểm khởi đầu tốt để giải quyết các khía cạnh giới của đại dịch với mục tiêu, hoạt động và chỉ tiêu có thể được sửa đổi, hoàn thiện... Tuy nhiên, Chiến lược quốc gia chưa công nhận đầy đủ sự liên quan giữa bất bình đẳng giới và HIV.

Các tổ chức quốc tế đang cắt giảm mạnh tài trợ cho phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam và chỉ hỗ trợ về kỹ thuật. Do vậy, các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt việc bảo đảm điều trị cho bệnh nhân AIDS bị ảnh hưởng rất lớn. Bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS vẫn là rào cản cho những người có nhu cầu tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc nhiễm HIV/AIDS, làm giảm tác dụng và hiệu quả của các dịch vụ này.

Chính vì vậy, để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, công tác ứng phó với HIV, thời gian tới ngành y tế tập trung vào 3 lĩnh vực: Cải thiện việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục và các dịch vụ về HIV; huy động cộng đồng để chuyển đổi các quan niệm và hành vi bất bình đẳng giới; trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái bằng cách đầu tư vào sự lãnh đạo của phụ nữ trong công tác ứng phó với HIV.

Chuyên gia Chu Quốc Ân, nguyên Cục phó Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, cần xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS cho phù hợp với bối cảnh mới và nguyện vọng của người nhiễm HIV và người có hành vi, nguy cơ cao nhiễm HIV. Tiếp tục tổ chức, tạo điều kiện cho các cộng đồng chịu ảnh hưởng được đóng góp ý kiến phù hợp trong quá trình xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, các vấn đề cần xem xét sửa đổi bổ sung tập trung vào tiếp cận phổ cập dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, điều trị HIV cho tất cả, bảo đảm bí mật, đặc biệt là chống kỳ thị và phân biệt đối xử.

Để bảo đảm bình đẳng giới, chống kỳ thị với những người nhiễm HIV/AIDS, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là cho phụ nữ, trẻ em; huy động sự tham gia của các phương tiện truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng, chống phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, trong đó có phụ nữ, trẻ em.

Đồng thời, ngành y tế tiếp tục tăng cường tiếp cận của phụ nữ với các dụng cụ giảm tác hại miễn phí; đào tạo nhân viên tư vấn để giải quyết các vấn đề cụ thể mà phụ nữ và trẻ em gái đang gặp xung quanh việc xét nghiệm, chẩn đoán, bảo mật thông tin...

TS. Hoàng Đình Cảnh, Cục phó Cục Phòng, chống HIV/AIDS khẳng định, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn là nguyên nhân khiến dịch HIV tăng nhanh bởi người nhiễm HIV hoặc có nguy cơ nhiễm HIV lẩn tránh, không đến xét nghiệm sớm để biết tình trạng nhiễm. Do đó, cần thiết phải thúc đẩy những hoạt động, dự án nhằm giảm và tiến tới xóa bỏ phân biệt đối xử liên quan đến HIV, góp phần kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

Thùy Chi