"Phụ nữ ba T" Lạng Sơn rũ bỏ đói nghèo
Các Website khác - 29/08/2005
Ở hai xã Hợp Thành và Mai Pha, cái tên "Phụ nữ ba T" đã trở nên rất quen thuộc. Nếu trước đây, nhiều người nói về những phụ nữ này với vẻ thương hại, khinh bỉ, thì nay, người ta nhắc đến họ với sự khâm phục và trân trọng.
Ðặt câu hỏi "Phụ nữ ba T" nghĩa là gì?”, bất kể người dân nào ở đây cũng có thể giải thích rành rẽ rằng: Ðó là nhóm phụ nữ bị bán qua biên giới, trốn được về. Họ được hỗ trợ vốn sản xuất và tổ chức sinh hoạt theo nhóm, với phương châm "ba T", nghĩa là: tự nguyện, tự tin và tự lực.

Những cảnh ngộ éo le

Ve vẻ vè ve,
Cái vè xóm Nhất,
Chồng hiền như đất,
Ðể vợ đi buôn,
Gặp bợm giữa đường
Nó lừa đi mất.

Lũ trẻ con trong làng hễ cứ gặp Nhẫn (*) ra đường là lại ra rả hát bài vè quái quỷ ấy. Chẳng biết kẻ ác tâm nào đặt vè cho chúng hát. Mỗi lần như vậy, chị lại che nón bước nhanh để tránh những cái nhìn soi mói. Ðã nhiều lúc Nhẫn nghĩ: hay là bỏ xứ mà đi? Nhưng đi đâu? Nghĩ đến những tháng ngày lưu lạc, chị lại rùng mình và gạt phắt ý nghĩ ấy. Rồi, một hôm Nhẫn bắt gặp đứa con gái lớn tấm tức khóc trong buồng, gạn hỏi tại sao thì nó bảo: "Con không đi học nữa đâu. Ngượng lắm. Chúng nó bảo con, mẹ mày là đồ xấu xa, bỏ nhà theo trai". Nhẫn chết điếng người. Một tuần sau, người ta thấy vợ chồng con cái nhà chị lặng lẽ bỏ quê ra đi, lên tận Cao Lộc, Lạng Sơn.

Ðấy là "Chuyện mười năm về trước" của Nhẫn, một "phụ nữ ba T" ở xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc. Chúng tôi được nghe chị kể lại chuyện này như một minh chứng về nỗi bất hạnh của những phụ nữ bị lừa bán từ bên kia biên giới trở về. Họ không những tủi cực vì nghèo đói, bệnh tật, mà còn bị giày vò, chịu sức ép về tinh thần đến mức phải bỏ xứ mà đi.

Nhóm "phụ nữ ba T" (còn gọi là phụ nữ trở về) ở Hợp Thành có 11 người, nhưng cuộc đời mỗi người là một câu chuyện éo le, đầy nước mắt. Khi chúng tôi tới thăm, một thành viên trong nhóm đã từ trần. Chị là L, mới ngoài 30 tuổi, theo mẹ sang Trung Quốc từ nhỏ, trở về Việt Nam lấy chồng, sinh con, được mấy năm thì chết do nhiễm "bệnh xã hội", để lại đứa con nhỏ chưa đầy bốn tuổi, cũng nhiễm bệnh.

Lý do đẩy những người phụ nữ đến chỗ thành nạn nhân của bọn buôn người thì nhiều. Song, tựu trung lại cũng bởi đói nghèo và kém hiểu biết, cả tin, cho nên bị kẻ xấu lừa gạt. Những ngày tháng bất hạnh của rất nhiều phụ nữ ở vùng biên Lạng Sơn thường bắt đầu từ chuyến đi làm ăn, những phiên chợ biên giới. Bọn buôn người thường dụ dỗ họ vào sâu nội địa tìm được việc làm tiền công cao; dẫn đến chỗ mua hàng rẻ...

Trường hợp bị lừa của chị Nguyễn Thị Giang ở Hợp Thành, là một điển hình như vậy. Giang kể: Năm 1991, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có người rủ sang Trung Quốc làm thuê, hứa hẹn kiếm nhiều tiền, cả tin, chị đi ngay. Nhưng, sau đó chị đã bị lừa bán cho một người đàn ông nghèo sống bằng nghề bốc vác thuê. Ông ta không biết tiếng Việt, chỉ nói được mỗi câu: "Sang đây không về được Việt Nam đâu!". Giang rất buồn, nhớ chồng con, chỉ nghĩ cách trốn về. Sau đó, một phụ nữ Việt Nam buôn bán hoa quả ở Trung Quốc cho Giang 200 nghìn đồng và giúp chị trốn về nước. Sau một năm "làm dâu" bất đắc dĩ ở xứ lạ, chị về quê tìm lại được chồng, con và được người chồng thông cảm. Nhưng, họ hàng khinh ghét, làng xóm chê cười.

Tuy nhiên, Giang vẫn còn may mắn hơn nhiều phụ nữ khác vì không bị chồng ruồng rẫy. Trong nhóm "phụ nữ ba T" ở Mai Pha có chị Lý Thị Châm, người dân tộc Tày, trước lúc bị lừa bán sang Trung Quốc đã có chồng và ba con. Khi Châm trốn được về Việt Nam, chồng chị đang chuẩn bị lấy vợ khác. Anh ta đánh đập, xua đuổi chị và báo công an đến bắt, nói chị là gián điệp. Không ít phụ nữ dân tộc thiểu số trở về đã bị chính cha đẻ, anh ruột của mình chỉ tay đuổi thẳng cổ, bảo: "Mày vào rừng chết đi, đừng làm nhục ông bà tổ tiên. Nhà ta không có thứ đàn bà hư hỏng như mày". Một số người may mắn hơn được gia đình cho trú tạm dưới bếp, nhưng cấm, không cho bước vào nhà. Chị Ðinh Thị Chỉnh, cán bộ Hội Phụ nữ xã Hợp Thành kể: "Không chỉ những phụ nữ bị lừa bán bị giày vò đau khổ. Những người mẹ mất con...cũng đau xót lắm. Ở xã tôi có trường hợp bà Lan, có mỗi cô con gái. Sáng ra, mẹ sửa soạn cho con đi chợ vùng biên, thế rồi mòn mỏi chờ mãi chẳng thấy con về. Giờ bà ấy lẩn thẩn như người mất hồn".

Xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc và xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, là hai trong những xã biên giới có nhiều phụ nữ bị bán và lừa sang lấy chồng bên kia biên giới nhiều nhất của tỉnh Lạng Sơn. Riêng Hợp Thành có hơn 20 phụ nữ bị lừa bán. Một nửa trong số đó đã trốn được về, số còn lại hiện bặt vô âm tín.

Khi tôi hỏi "Cái chợ mà các chị bị bọn buôn người lừa đảo dẫn sang bên kia biên giới cách đây bao xa?", Châm chỉ tay về phía dãy núi xanh trước mặt bảo: "Cách trung tâm xã Hợp Thành chừng dăm cây số thôi, nhưng tôi cạch đến già, đã ba năm nay tôi không đi cái chợ chết tiệt ấy nữa". Nói đến phiên chợ biên giới, giọng Châm vẫn chưa hết thảng thốt, sợ hãi. Chị trầm ngâm nhìn về dãy núi xa xa, dường như đang nhớ lại những tháng ngày bị đày ải nơi đất khách quê người; nhớ lại những ngày đầu trở về vật lộn để sống, cùng chị em đồng cảnh ngộ xây dựng nên nhóm "phụ nữ ba T"...

Vươn mình đứng dậy

Chúng tôi đến thăm nhà chị Duyên, trưởng nhóm "phụ nữ ba T" ở Hợp Thành khi đã gần trưa. Anh Ðông chồng chị, đang băm rau lợn ở góc sân, trong chuồng ngồn ngộn gần chục con lợn, mỗi con cỡ ngót một tạ đang đòi ăn. Hỏi, mấy bố con đã cơm nước gì chưa? Anh phẩy tay bảo: Ưu tiên lợn trước đã, bố con tôi cơm nước sau cũng được. Thấy chúng tôi quan tâm chuyện nuôi lợn của gia đình, Ðông hào hứng lôi trong ngăn tủ ra tấm ảnh anh đang cưỡi trên lưng, hai tay nắm tai con lợn to tướng. Anh kể, ảnh này cái cô Cà Tê (Kra-tê) gì đó, cán bộ dự án người Thái-lan chụp cho tôi năm trước đấy. Thấy tôi cưỡi lợn chụp ảnh, cô ấy cứ rũ ra cười. Tấm ảnh đã trở thành một kỷ vật quan trọng đối với gia đình Ðông, mỗi khi có khách quý đến, anh lại tự hào mang tấm ảnh ra khoe, bởi đó là minh chứng về sự thoát nghèo của gia đình.

Năm năm trước, ở hai xã: Hợp Thành và Mai Pha, những phụ nữ trở về sau khi bị lừa bán sang bên kia biên giới, mang theo nghèo đói, bệnh tật, đã trở thành gánh nặng cho địa phương. Và, người có công làm thay đổi số phận gia đình những phụ nữ bất hạnh ấy là PGS-TS Lê Thị Quý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới và Phát triển. Chị say mê nghiên cứu các vấn đề về nạn buôn bán phụ nữ, bạo lực gia đình, mại dâm... đến mức được nhiều đồng nghiệp gắn cho những biệt danh nghe rợn người: Quý mại dâm, Quý buôn người... Nhưng, với chị em "phụ nữ ba T" thì chị thật sự là người chị nhân hậu và thân thiết. Năm 1999, khi nghiên cứu về nạn buôn người, gặp những phụ nữ bị bán trở về với nhiều cảnh đời ngang trái, thương tâm, chị Quý đã không cầm được nước mắt. Sau hằng tháng trời "ba cùng": ăn cùng, ở cùng, làm cùng những phụ nữ bất hạnh ở Lạng Sơn, chị đã quyết định cùng Viện Nghiên cứu Thanh niên lập dự án giúp các nhóm "phụ nữ ba T" với tổng số 53 người, ở... Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An. Trong đó, nhiều nhất là ở Lạng Sơn. Nhóm "phụ nữ ba T" gồm ba đối tượng: những người bị lừa gạt bán sang Trung Quốc trở về, mẹ của các nạn nhân và đối tượng có nguy cơ bị lừa bán cao (phụ nữ cao tuổi chưa chồng, nghèo... ). Dự án cho họ vay mỗi người khoảng 1-2 triệu đồng để làm vốn phát triển sản xuất, định hướng cho họ cách làm ăn và quan trọng hơn là luôn chia sẻ, động viên giúp họ ổn định tinh thần. Việc làm này đã tác động đến thân nhân của các nạn nhân và chính quyền địa phương, cộng đồng. Họ không kỳ thị phụ nữ trở về nữa, mà còn giúp các chị.

Ðược tạo cơ hội, những "phụ nữ ba T" đã quyết tâm rũ bùn nhơ, rũ bỏ đói nghèo, vượt khó vươn lên để khẳng định mình. Với chị Duyên, chị Nhẫn, chị Châm... một triệu đồng vốn dự án cho vay và sự khích lệ của cán bộ dự án chẳng khác nào chiếc đũa thần trong truyện cổ tích, làm thay đổi vận mệnh cả gia đình họ. Có một triệu đồng, Duyên mua đôi lợn giống, cả nhà cần mẫn chăm nom, bán lứa lợn này lại mua lứa khác nhiều hơn. Ðến nay, từ chỗ tay trắng, gia đình chị đã có nhà mái bằng khang trang với nhiều tiện nghi sinh hoạt. Chồng chị từ khi có việc làm bỏ được tật nghiện rượu. Các con được học hết THPT. Anh Ðông, chồng chị Duyên cảm động nói: " Tôi biết ơn dự án, biết ơn bà ấy nhà tôi đã cứu vớt cả cái gia đình này. Nhìn cơ ngơi hôm nay, tôi lại nhớ những ngày phải đi ở nhờ, làm mướn. Mua được 2kg gạo nhường cho con, hai vợ chồng ăn sắn".

Ðến nay, "phụ nữ ba T" ở Lạng Sơn đã thoát nghèo. Một số người đã mua được nhà, ti-vi, xe máy... Những mâu thuẫn gia đình họ đều được giải quyết ổn thỏa. Chính họ đã trở thành những tuyên truyền viên đắc lực giúp địa phương tuyên truyền để những chị em khác không sa vào cạm bẫy của bọn buôn người. Ðiều đáng mừng là sau khi dự án rút đi, tất cả các nhóm này đều tiếp tục hoạt động tốt và ở những địa phương, có nhóm này hoạt động, từ năm 1999 đến nay, tình trạng buôn bán người qua biên giới đã được ngăn chặn.

Mặc dù dự án cho vay vốn không lấy lãi, nhưng chị em vẫn tự nguyện góp mỗi tháng 0,4% số tiền được vay và 5.000 đồng/người để lập quỹ giúp những phụ nữ còn khó khăn. Ðến nay, quỹ của nhóm "phụ nữ ba T" ở xã Hợp Thành đã có ba triệu đồng. Hằng tháng, các nhóm "phụ nữ ba T" ở Lạng Sơn đều họp mặt một lần. Mỗi khi đón khách đến thăm hay ra xã họp, chị em lại bảo nhau trang điểm, mặc những bộ quần áo đẹp nhất. Chị Chỉnh bảo: "Họ làm như vậy là muốn chứng tỏ với mọi người rằng, "phụ nữ ba T" đã có cuộc sống khá rồi đấy!".

Chúng tôi chia tay những "phụ nữ ba T" ở vùng cao xứ Lạng với tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Vui vì được chứng kiến những phụ nữ bất hạnh nơi đây đã đổi đời. Chị Quý, người có công thành lập nhóm và chị Duyên trưởng nhóm vừa được đề cử vào danh sách "Người phụ nữ hòa bình" của Việt Nam năm 2005. Nhưng, cũng chưa hết băn khoăn, vì theo số liệu do Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn cung cấp, từ năm 2000 đến 2004, riêng Lạng Sơn đã có hơn 2.500 phụ nữ bị bán qua bên kia biên giới. Trong số họ, ai đã trở về, ai còn đang sống trong giày vò, mòn mỏi nơi đất khách.Và liệu những người trở về, có mấy người được may mắn đổi đời như "phụ nữ ba T"?

----------

(*) Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.

Quốc Trường và Mã Chàm Toàn