Hồi nhỏ tôi thường nghe bà nói Tết Ðộc lập sắp đến rồi. Quả thật lúc đó tôi không biết ngày 2-9 và Tết Ðộc lập là gì, nó quan hệ với nhau ra sao và cũng không hiểu vì sao mỗi lần đến ngày đó cả nhà tôi lại vui mừng đến thế. Thời ấy, cuộc sống rất khó khăn, nhưng cứ đến Tết Ðộc lập là bà bảo con cháu dù đi đâu, làm gì cũng phải có mặt ở nhà. Và cả nhà lại rôm rả quây quần bên một mâm cơm tươm tất như ngày Tết Nguyên đán, đến bây giờ tôi cũng không hiểu lúc đó bà lấy tiền đâu mà làm được như thế. Ðiều thứ hai làm tôi chú ý và tò mò nhất là hễ gần đến Tết Ðộc lập thì bàn thờ tổ tiên được ông tôi lau chùi cẩn thận, trong đó có một bức ảnh Bác Hồ ông tôi hết sức nâng niu quý trọng, sau khi lau sạch sẽ, ông cẩn trọng đặt vào vị trí trang trọng nhất trên bàn thờ tổ tiên và tôi thấy không chỉ có gia đình tôi mà cả làng tôi đều làm như thế. Khi vui vẻ bên mâm cơm không có lúc nào tôi không được nghe mọi người nói về nỗi thống khổ của gia đình và bà con lối xóm phải chịu đựng trước khi có Tết Ðộc lập.
Bà tôi thường kể: Nhà mình đông người, có sức lao động nhưng không có đất nên phải đi cày thuê cuốc mướn, lao động khổ cực nhưng bao giờ cũng thiếu ăn, thiếu mặc, cả nhà chẳng có một tấm áo, tấm quần nào nguyên vẹn mà vá chằng, vá đụp. Không chỉ thế mà lại còn bị địa chủ vô cớ chửi mắng, đánh đập tàn nhẫn nhưng có dám làm gì chúng đâu. Nhìn những người thân bị hành hạ, bị đói mà chết, đau xót ruột gan, một cuộc sống thật tủi nhục chẳng khác gì địa ngục trần gian. Theo ông tôi thì đói khổ đến mấy cũng có thể chịu được nhưng bị làm nhục thì không thể chấp nhận được, chính điều này đã thôi thúc gia đình tôi tham gia cách mạng. Bà nói, gia đình mình phải ly tán và thường phải chịu những trận đòn oan nghiệt khi bọn Pháp và Việt gian hay tin cậu tôi là đảng viên Ðảng Tân Việt, rồi tham gia Ðảng Cộng sản và làm đến bí thư huyện ủy. Từ đây nhà tôi luôn bị bọn mật thám, Việt gian rình mò theo dõi. Sau một thời gian không bắt được cậu tôi, chúng đã cho lính ập vào nhà lục soát, để buộc mọi người phải khai và đánh đòn tâm lý buộc cậu ra hàng, chúng đã lấy cớ nhà treo cờ cộng sản (lúc này trên bàn thờ tổ tiên có treo câu đối mầu đỏ) trói gô mọi người lại và tra tấn hết sức dã man. Do không chịu khai báo nên mọi người trong nhà đều bị chúng đánh chết đi sống lại nhiều lần, tất cả đều bị chúng dùng kìm nung đỏ kẹp vào đùi, vào tay và cả những vùng nhạy cảm, ông tôi còn bị chúng dùng dùi sắt nung đỏ đâm xuyên qua đùi. Không phải một lần mà rất nhiều lần gia đình tôi bị chúng ập đến đánh đập tra khảo, phải đến khi cậu tôi bị chúng bắt đưa vào đày ở ngục Kon Tum và gia đình ly tán thì chúng mới thôi.
Bà tôi thường dạy con cháu phải biết ơn Ðảng và Bác Hồ, đã mang độc lập về cho dân tộc, tự do hạnh phúc cho dân mình. Bà nói độc lập quý lắm, nhưng để có nó cái giá phải trả cũng đắt lắm, chỉ tính trước khi giành độc lập đã có hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Theo bà thì Tết dương lịch và Tết Nguyên đán là tết của trời đất, của tạo hóa, nó tồn tại một cách tự nhiên vì thế sự cần thiết hoàn toàn phụ thuộc vào sự cảm nhận của từng người. Còn Tết Ðộc lập là do Ðảng, Bác Hồ và những người dân yêu nước làm ra bằng chính máu thịt của mình nên nó quý lắm. Bà bảo: "Các cháu không sống dưới cảnh nước mất nhà tan nên không hiểu hết nỗi thống khổ mà kiếp dân nghèo phải chịu đâu, làm người mà chẳng khác gì thân trâu, thân ngựa. Bây giờ nhớ lại những ngày sống cơ cực dưới ách thực dân, phong kiến vẫn còn sợ và căm giận. Các cháu ngày nay có ăn, có mặc, được đi học là nhờ ơn Ðảng, Bác Hồ và những người nghèo khổ, đừng bao giờ vong ơn, bội nghĩa. Những cái các cháu có và được hưởng hôm nay mặc dù chưa như mong muốn, nhưng ngày xưa ông bà, cha anh không bao giờ dám mơ tới đâu. Tết Ðộc lập quý lắm, quý lắm, nó làm thay đổi số phận của cả một dân tộc, thay đổi cái kiếp làm người".
QUA những câu chuyện mà bà tôi kể lại, với những việc mà gia đình tôi và bà con lối xóm vẫn làm hằng năm đã gieo vào tôi ký ức Tết Ðộc lập tự bao giờ không hay và cứ thế Tết Ðộc lập đi theo tôi suốt tuổi thơ rồi in đậm dấu ấn trong đời tôi. Khi đi học được thầy giáo, cô giáo giảng giải và cùng với nhận thức theo năm tháng làm cho tôi thấm thía giá trị quý báu của Tết Ðộc lập. Không có độc lập thì chắc chắn gia đình tôi và bao gia đình khác sẽ không có sự đoàn tụ và hạnh phúc như ngày hôm nay. Và mỗi lần vào Lăng viếng Bác, khi nhìn thấy dòng chữ vàng "Không có gì quý hơn độc lập tự do" là tôi lại bật khóc một cách tự nhiên. Ở quê tôi không phải chỉ có riêng gia đình tôi mà tất cả các gia đình khác đều coi ngày 2-9 hằng năm là ngày sum họp gia đình. Và tôi cũng tin rằng ở trên mọi miền quê của đất Việt thân yêu này không một ai lại không biết được cái giá mà cả dân tộc này đã phải trả để giành lại nền độc lập. Và tôi cũng tin rằng những đứa trẻ đã lớn lên như tôi trong cuộc đời họ đã không ít lần được nghe người thân của họ nói về Tết Ðộc lập và truyền cho họ ý thức phải bảo vệ bằng được nền độc lập mà dân tộc mình đã có, để họ cũng như tôi sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Và đây có lẽ cũng chính là cội nguồn lý giải về ý chí và sức mạnh quật cường của dân tộc ta trong suốt 60 năm qua.
NGUYỄN NGỌC SƠN (Kon Tum)
|