"Quan lập" TS Nguyễn Đức Mậu
Báo Lao Động ra ngày 11.2.2006 có bài "Trường Đại học tư thục Bà Rịa - Vũng Tàu: Trường dân lập hay "quan lập?". Ở trường này có việc "dĩ công vi tư" (lấy của công làm của riêng) của các quan chức - tất nhiên là trái ngược hoàn toàn với "chí công vô tư" mà chúng ta thường được nghe. Hiện tượng này gợi lên sự soi rọi sang một số trường đại học dân lập khác, mà từ đó có thể đưa ra một nhận xét mang tính phổ quát: Nhiều trường đại học mang tên dân lập hiện nay thực chất là trường "quan lập".
Vấn đề của sự việc không dừng lại ở phạm vi hành chính hay địa lý. Nhẽ đương nhiên, cái câu chuyện "dĩ công vi tư" kia làm mất tài sản nhà nước và gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, có một hướng khác của vấn đề cần phải nghĩ đến, nó liên quan đến tâm lý "ghét quan" đây đó đã xuất hiện trong dân chúng và sự ảnh hưởng xấu đến nền giáo dục nước nhà cũng như những giá trị đạo đức.
Việc trường thực chất là "quan lập", nhưng mang tên dân lập chắc không vi phạm pháp luật. Quan hay dân đều có quyền lập trường đại học trong những điều kiện luật pháp cho phép. Vấn đề là bấy lâu nay có một hiện tượng phổ biến, thành một thứ như một thông lệ đương nhiên, và dường như có thứ bậc: Quan chức thì thành lập trường đại học, không phải quan chức thì chỉ thành lập trường trung học, tiểu học! Điều này tồn tại như một thứ tôn ti thứ bậc về quyền lợi, hay đúng hơn là một thứ tôn ti thứ bậc trong đặc quyền đặc lợi.
Nhưng nguyên nhân sâu xa của vấn đề không chỉ như vậy.
Không ít trường đại học dân lập cũng dành một số ghế danh dự cho nhiều quan chức cao cấp hơn và các vị ở ghế này hiện diện ở đây vừa như một thứ bảo lãnh, vừa có quyền lợi, vừa như một cầu nối trong các đường dây quan hệ. Phải coi đây là một hiện tượng xã hội cần xem xét từ căn nguyên xã hội. Lòng tin vào sự công bằng xã hội, bình đẳng giữa các công dân ở trong những trường này trở nên xa vời. Và lúc đó, công việc xã hội hoá giáo dục dễ trở thành hình thức và thực sự bên trong là sự nhà nước hoá trở lại các tổ chức dân lập. Tính độc lập, phi nhà nước hoá của trường đại học dân lập trở nên ít hơn trong một phạm vi sáng tạo vốn đã không được phép rộng rãi ở trường dân lập.
Mặt khác, các quan vốn làm việc trong môi trường quan liêu hành chính thiếu tính năng động, vì vậy cũng khó hy vọng ở họ những sáng tạo cho trường đại học do họ thành lập. Họ chỉ thay đổi chỗ làm việc, nơi làm việc, mà khó thay đổi cung cách và thói quen làm việc. Hệ thống trường đại học "quan lập" như vậy dễ trở thành một trường đại học nhà nước kéo dài, mở rộng, chỉ khác về phần thu nhập cho các cá nhân tham dự.
Các trường "quan lập" kiểu như vậy sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy mang tính xã hội khác. Nó không chỉ ảnh hưởng xấu trong phạm vi xã hội nhất định, mà còn ảnh hưởng xấu một cách trực tiếp đến sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. |