Năm 2006, Việt Nam và Thái-lan sẽ kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhìn lại chặng đường đã qua, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước nói chung và quan hệ thương mại nói riêng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, kim ngạch buôn bán hai chiều hiện đã vượt ngưỡng 3 tỷ USD/năm. Song con số trên chưa tương xứng tiềm năng của hai nước. Đối với Việt Nam, suốt thời gian dài, chúng ta luôn thâm hụt cán cân thương mại. Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong việc nỗ lực thu hẹp khoảng cách này.
Tăng trưởng theo thời gian
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thái-lan những năm gần đây không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ, nhất là từ sau cuộc họp Nội các chung giữa hai nước tại Đà Nẵng và Nakhon Phanom tháng 2-2004. Điều này được thể hiện qua kim ngạch buôn bán hai chiều tăng nhanh. Cùng với thương mại, việc hợp tác đầu tư, giao thông, năng lượng, khoa học-kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, du lịch… cũng được thúc đẩy hơn bao giờ hết.
Chỉ tính riêng năm năm trở lại đây, năm 2001, kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 1,12 tỷ USD; năm 2002: 1,18 tỷ USD; năm 2003: 1,6 tỷ USD, năm 2004: 2,32 tỷ USD và năm 2005 tăng mạnh lên 3,2 tỷ USD. Riêng xuất khẩu của Việt Nam sang Thái-lan đạt khoảng 900 triệu USD năm 2005, tăng hơn gấp đôi so năm 2004 là 442 triệu USD. Mặc dù nước ta vẫn nhập siêu song, đây là con số đáng khích lệ, đồng thời cho thấy dấu hiệu thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam với Thái-lan đang dần được thu hẹp.
Đáng chú ý, các mặt hàng có mức tăng trưởng cao trong thời gian qua là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị sản phẩm, sản phẩm sắt thép, nhựa, hải sản, may mặc, lạc nhân… Theo thống kê của Hải quan Thái-lan, trong 2005, Việt Nam đã xuất khẩu sang Thái-lan hơn 359 triệu USD máy móc, thiết bị điện tử và linh kiện; thủy sản các loại: 32,8 triệu USD; sợi các loại: hơn 20 triệu USD; các sản phẩm nhựa 13,5 triệu USD; các loại quả, hạt có dầu: 9,7 triệu USD; lạc nhân và hoa quả: 6,8 triệu USD; giày dép 5,2 triệu USD; gỗ, đồ gỗ, trang trí nội thất 4,2 triệu USD…
Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại đối với thị trường Thái-lan đã có sự quan tâm đú ng mức của các doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng trong nước như Cục xúc tiến thương mại, Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam, các thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, và nhất là các tỉnh miền trung. Các doanh nghiệp hai nước đặc biệt quan tâm đến tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây. Các tỉnh và thành phố của ta đã cử nhiều đoàn sang Thái-lan tìm hiểu khả năng hợp tác thương mại, du lịch và thu hút đầu tư. Cuối năm 2006, cầu hữu nghị Thái-Lào thứ hai trên sông Mê Công nối tỉnh Mukdahan (Thái-lan) với Savannakhet (Lào) được hoàn thành sẽ rút ngắn tuyến đường từ cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) tới Thái-lan, thuận tiện cho việc giao lưu thương mại bằng đường bộ.
Các DN Việt Nam cũng tích cực tham gia một số hội chợ triển lãm như Hội chợ thương mại và du lịch ba nước Việt Nam – Thái-lan – Lào tại tỉnh Nakhon Phanom từ 25 đến 30-6-2005. Tại hội chợ này có tới 50 gian hàng của 15 DN Việt Nam tham gia với mẫu mã đa dạng như hải sản, đồ gỗ gia dụng, hàng dệt may, giày dép, hóa mỹ phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ… Hội chợ thứ hai tại tỉnh Ubon Ratchathani cuối tháng 8-2005, các DN Việt Nam đã tham gia với hơn 20 gian hàng, hội chợ tiếp theo tại tỉnh Khon Kaen cũng có sự góp mặt của 15 gian hàng của các DN Việt Nam. Đáng chú ý nữa là Sở Khoa học-Công nghệ TP Hồ Chí Minh cùng các DN của ta lần đầu tham dự Hội chợ Công nghệ INTERMARCH 2005 tại Băng-cốc tháng 5-2005.
Nhìn rõ những hạn chế
Mặc dù, đạt được những tiến bộ song, nhìn vào kim ngạch thương mại hai nước, Việt Nam thường xuyên nhập siêu từ Thái-lan. Hơn nữa, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Thái-lan có rất nhiều nguyên liệu thô, nông sản thô… như dầu thô, lạc nhân, hải sản, sản phẩm gỗ, hạt điều… Các DN Thái-lan nhập khẩu những mặt hàng này rồi tái chế, bán trong nước hoặc xuất khẩu sang các nước khác với thương hiệu của họ và giá cao hơn. Có những mặt hàng, kim ngạch xuất khẩu đạt khá cao trong mấy năm gần đây như máy tính và linh kiện điện tử (vượt 200 triệu USD/năm) chủ yếu do các liên doanh nước ngoài tại Việt Nam xuất khẩu.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thái-lan Cao Năng Giản cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất đối với các DN Việt Nam muốn xuất khẩu sang Thái-lan đó là tính tương đồng của các sản phẩm hai nước. Hầu như, Việt Nam có mặt hàng gì, thì Thái-lan cũng có mặt hàng đó , thậm chí họ còn ưu thế hơn về mẫu mã, chất lượng, giá cả… thí dụ như nông sản, thủy sản, may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ, chế biến thực phẩm, máy móc thiết bị, phụ tùng…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các trung tâm thương mại lớn của Thái-lan như Central, Robinson hay các hệ thống siêu thị Carrefour, Big C, Tesco Lotus rất ít khi trực tiếp nhập khẩu các sản phẩm từ Việt Nam mà thông qua các nhà nhập khẩu trung gian. Một số sản phẩm của Việt Nam có mặt trong các siêu thị lớn trên chủ yếu thuộc các hãng liên doanh nước ngoài tại Việt Nam xuất sang chứ hầu như ít thấy những mặt hàng do các DN của Việt Nam sản xuất. Đó là chưa kể, hàng hóa Trung Quốc với đủ loại, đa dạng về mẫu mã, giá cả đang tràn ngập thị trường Thái-lan, khiến các DN của họ cũng đang phải cạnh tranh ác liệt. Điều này cũng là một thách thức không nhỏ đối với các DN Việt Nam khi muốn xuất khẩu sang Thái-lan.
Thái-lan có nền sản xuất hàng hóa phát triển hơn chúng ta nhiều năm. Họ có thế mạnh về công nghiệp và công nghệ chế biến nông sản, thực phẩm. Thái-lan từ lâu đã là nơi mà các hãng chế tạo lớn trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, EU thiết lập nhà máy sản xuất. Thí dụ như liên doanh sản xuất ô-tô Toyota (Nhật Bản) tại Thái-lan còn xuất khẩu nhiều xe hơi, phụ tùng sang thị trường khu vực và quốc tế.
Trong lĩnh vực may mặc và thời trang, hàng dệt may Thái-lan vốn đã nổi tiếng và quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam bởi chất lượng và kiểu dáng, nhất là hàng quần áo mùa hè. Hiện nay, rất nhiều công ty, nhà mốt nổi tiếng thế giới đặt cơ sở sản xuất tại Thái-lan. Nước này cũng đặt nhiều tham vọng trở thành trung tâm thời trang khu vực và châu á.
Thái-lan cũng khuyến khích quảng bá hình ảnh đất nước bằng chiến dịch “Đưa ẩm thực Thái-lan ra thế giới”. Chính phủ cũng lập hẳn một ủy ban chuyên phụ trách chiến dịch này, nhằm mục đích giới thiệu những món ăn tiêu biểu, đặc sắc của Thái-lan ra thế giới, từ đó giúp mọi người hiểu được văn hóa ẩm thực Thái-lan, tạo thuận lợi cho việc quảng bá thương hiệu nông sản, thực phẩm cũng như thu hút khách du lịch đến với đất nước xinh đẹp này. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 9.000 nhà hàng Thái-lan, trong năm 2006, Chính phủ Thái-lan hy vọng con số này sẽ tăng lên 12 nghìn.
Nhìn rộng hơn, Thái-lan từ lâu đã thiết lập quan hệ bạn hàng sâu rộng, xây dựng và quảng bá được thương hiệu tại nhiều thị trường lớn trên thế giới. Các DN nước này cũng có cách làm ăn bài bản, chính quy hơn chúng ta. Chúng tôi đã từng tham dự buổi phát động chiến dịch quảng bá thương hiệu gạo thơm hương hoa nhài nổi tiếng của Thái-lan do gần chục bộ, ngành, cơ quan của Thái-lan tổ chức rầm rộ. Ngoài việc mời một phó thủ tướng tham dự, ban tổ chức còn triển lãm hàng chục loại gạo đặc sản, in nhiều tờ rơi, sách quảng cáo, tổ chức chế biến món ăn từ gạo… Dư luận đá nh giá gạo đặc sản của Thái-lan có triển vọng lớn gia tăng xuất khẩu .
Mặc dù đã tạo dựng được thương hiệu sản phẩm trên thế giới, song, Thái-lan vẫn dự định tổ chức một loạt trung tâm Thái-lan (Thailand Plaza) tại những thị trường trọng điểm (Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Đông…) để giới thiệu sâu rộng hơn nữa các sản phẩm tới khách hàng thế giới.
Trong khi đó , các DN Việt Nam cũng chưa mấy mặn mà mở rộng thị trường Thái-lan, mà thường chỉ quan tâm tới những thị trường lớn khác. Hiện nay, tại Thái-lan, chúng ta cũng chưa có một trung tâm quy mô theo đú ng nghĩa để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam. Chị Phạm Thị Hồng Thanh, cán bộ Thương vụ Việt Nam cho biết: Đại sứ quán Việt Nam quan tâm, dành một phòng nhỏ phía ngoài cho Thương vụ để làm phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, do diện tích hạn chế, chưa được thuận tiện nên Thương vụ đã kiến nghị Bộ Thương mại cấp kinh phí làm một phòng trưng bày sản phẩm (Showroom) tại một địa điểm khác thuận tiện hơn cho công tác xúc tiến thương mại.
Thời gian qua, một số DN Việt Nam đã tham gia các hội chợ Thái-lan. Song hầu như các DN này mới chỉ dừng lại ở mức giới thiệu sản phẩm và bán hàng ngay tại hội chợ, còn công tác thiết lập bạn hàng, phát huy kết quả của hội chợ lại chưa đạt như mong muốn. Tại một hội chợ ở Băng-cốc gần đây, chúng tôi được chứng kiến gian hàng của một DN Việt Nam tham dự mà hầu như chỉ có ít catalogue giới thiệu và tranh ảnh, không có sản phẩm mẫu, kém hấp dẫn hơn so với các gian hàng Thái-lan bên cạnh.
Tại một hội chợ ở đông bắc Thái-lan, các DN Việt Nam mang rất nhiều sản phẩm sang trưng bày và bán giới thiệu. Lượng hàng tiêu thụ khá mạnh. Có DN mới khai mạc đã hết hàng. Thị trường đông bắc Thái-lan (cách xa biển) rất chuộng hàng thủy sản, đồ gỗ, mỹ phẩm… của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân, việc bán chạy chưa hẳn do hàng hóa của chúng ta cạnh tranh hơn về chất lượng, mẫu mã, giá cả so với hàng của Thái-lan mà còn có lý do, phía bạn ưu tiên miễn thuế nhập khẩu, miễn tiền thuê mặt bằng trong hội chợ… Chứ nếu hàng vào đại trà, phải tính đủ thuế, các chi phí khác thì việc các sản phẩm Việt Nam đứng vững được tại thị trường Thái-lan không hề dễ dàng.
Chính những lý do trên khiến hàng xuất khẩu Việt Nam sang Thái-lan còn hạn chế, trong quan hệ buôn bán hai chiều, chúng ta thường phải nhập siêu và tình hình này chưa thể cải thiện một sớm một chiều. Điều này đặt ra thách thức cho các DN Việt Nam phải nhận thức rõ những hạn chế hiện nay, nỗ lực vươn lên, chiếm lĩnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, nếu không, bắt đầu từ năm 2006 này, nhiều mặt hàng sẽ được giảm thuế nhập khẩu từ 0 đến 5% theo lộ trình AFTA, và như vậy, hàng hóa từ các nước ASEAN, nhất là Thái-lan, sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu ?
Chúng tôi đã gặp và trao đổi với ông Peerapol Triyakasem, chủ tịch tập đoàn OMC để trao đổi về quan hệ thương mại hai nước. Với những kinh nghiệm hiểu biết Việt Nam hơn 30 năm qua, ông được mời làm Trưởng đại diện Văn phòng công ty xi-măng Holcim tại Hà Nội. Ngoài ra, ông còn được các tập đoàn lớn ở Thái-lan mời làm tư vấn đầu tư, thương mại tại thị trường Việt Nam.
Ông Peerapol cho rằng, Việt Nam và Thái-lan có những nét tương đồng trong các mặt hàng xuất khẩu. Do đó, thay vì cạnh tranh, đối đầu trên thương trường, hai nước cần tìm phương thức hợp tác để cùng khai thác những lợi thế chung. Nếu không, hai bên sẽ sa vào cuộc cạnh tranh không cần thiết mà để các đối thủ khác lấn át.
Ông gợi ý: để thâm nhập thị trường quốc tế, các DN Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là mặt hàng nông sản cần chú ý đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Bản thân ông có hai nhà máy chế biến nông sản cùng với trang trại canh tác theo phương pháp hữu cơ. Hiện nay, các loại nông sản, thực phẩm của Thái-lan muốn vào được các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… thì phải đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm rất khắt khe. Trên bao bì sản phẩm cần phải trình bày đẹp, tạo cảm giác thân thiện môi trường, và quan trọng hơn, phải có được các loại dấu chứng nhận sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế của các tổ chức giám định có uy tín trên thế giới.
Ông cho rằng, Việt Nam có thế mạnh nông sản như cà phê, hạt điều, hạt tiêu, các loại hoa quả sấy khô… Thị trường Thái-lan cũng không quá khó tính đối với hàng hóa Việt Nam, song các DN Việt Nam cần sang Thái-lan để nghiên cứu, tìm hiểu xem thị trường này cần gì, thị hiếu ra sao. Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của Thái-lan trong việc giới thiệu các món ăn truyền thống đặc sắc ra thị trường thế giới. Ông Peerapol hiện nay đang tích cực tìm cách đưa một số sản phẩm của Việt Nam, trước mắt là nông sản, sang tìm bạn hàng tại Thái-lan. Trong năm nay, ông muốn xúc tiến tự mở một trung tâm giới thiệu các sản phẩm của Việt Nam ngay tại trụ sở công ty ở Băng-cốc.
Ông Cao Năng Giản nhận định, chúng ta đang nhập siêu từ Thái-lan, điều này cần phải được khắc phục. Song, không hoàn toàn là bất lợi bởi khi chúng ta vẫn phải nhập khẩu nhiều vật tư, máy móc, nguyên liệu, phụ liệu từ các nước để đầu tư xây dựng, sản xuất hàng trong nước và xuất khẩu thì thị trường Thái-lan có ưu thế về giá cả, chất lượng và cự ly vận chuyển khá gần đối với Việt Nam, nhất là khu vực phía nam.
Ông Giản còn lạc quan cho biết, nhiều DN Thái-lan còn nói, trước đây nhiều DN Việt Nam còn nhập khẩu hàng của họ, song ngày càng nhiều DN sản xuất được những sản phẩm chất lượng cao, xuất khẩu ra thế giới, thậm chí trong tương lai sẽ là đối thủ cạnh tranh của các DN Thái-lan. Thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại Thái-lan thường xuyên gửi các bản tin về tình hình kinh tế Thái-lan, thông tin về thị trường Thái-lan định kỳ về trong nước cho các cơ quan, DN nhằm giúp tìm hiểu thị trường; giúp chắp mối, tư vấn, tìm kiếm đối tác, thiết lập quan hệ làm ăn.
Các cảng biển ở Thái-lan luôn nhộn nhịp hoạt động xuất nhập hàng hóa.
Để khai thác tốt những tiềm năng và đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Thái-lan, Thương vụ Việt Nam đã kiến nghị các cơ quan chức năng trong nước những chính sách và giải pháp đồng bộ, tích cực hơn nữa, tập trung tháo gỡ vướng mắc, hạn chế thâm nhập các mặt hàng có tính tương đồng giữa hai nước như nông sản, hải sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ…
Các DN cùng các cơ quan chức năng trong nước làm tốt công tác xúc tiến thương mại, tham gia tích cực và hiệu quả các hội chợ thương mại tại Thái-lan. Cần chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận thị trường, như cử các đoàn sang tìm hiểu thị trường, đặt văn phòng đại diện tại Thái-lan. Thương vụ Việt Nam cũng luôn đề nghị các DN trong nước tích cực hơn nữa trong việc gửi mẫu hàng, các tài liệu quảng cáo… để giới thiệu với khách hàng Thái-lan.
Các DN cũng cần chủ động liên hệ với Thương vụ, tìm kiếm thông tin nhiều kênh (thông tin đại chúng, internet…) để nắm bắt các chính sách thuế của Thái-lan bởi có lúc, thời điểm, thực hiện một số thỏa thuận giữa các nước ASEAN hoặc với Việt Nam, Bộ Thương mại Thái-lan có chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm hàng. Nếu biết sớm các thông tin này, DN sẽ tận dụng cơ hội tốt để xuất khẩu hàng sang Thái-lan với giá rất cạnh tranh.
Về lâu dài, muốn tăng cường xuất khẩu sang Thái-lan cũng như các nước khác, ngành sản xuất trong nước phải vươn lên, chủ động đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ sản xuất các loại nguyên phụ liệu, thay thế hàng nhập khẩu, trong đó tăng cường đầu tư công nghệ chế biến, hạn chế bớt xuất khẩu nguyên liệu thô, có như vậy mới chủ động trong sản xuất hàng xuất khẩu và gia tăng giá trị lợi nhuận.
Hiện tại, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Thái-lan còn chưa tương xứng tiềm năng kinh tế và thương mại hai nước, triển vọng còn có thể lên năm tỷ USD/năm vào những năm tới. Điều này càng trở nên hiện thực khi đầu tháng 3-2006 này, Việt Nam và Thái-lan dự kiến tiến hành cuộc họp nội các chung lần thứ hai tại TP Hồ Chí Minh, là mốc quan trọng tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Do đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Thái-lan trong những năm tới có triển vọng phát triển mạnh.
Bài và ảnh: Hà Thanh Giang và Vũ Mai Hoàng Phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Thái-lan
|