Ðảng lãnh đạo - nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam
Các Website khác - 29/03/2006
Với những người mang động cơ xấu, chống đối, thù địch, lợi dụng việc đóng góp ý kiến với Báo cáo Chính trị để xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ Ðảng, Nhà nước và nhân dân, chúng ta kiên quyết phê phán và dứt khoát bác bỏ, Một trong những nội dung mà họ đòi hỏi là bỏ Ðiều 4, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.
Tại Hội nghị lần thứ 14, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã "bày tỏ sự cảm ơn chân thành và trân trọng cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhiệt tình góp ý kiến với Ðảng, tiếp thu những ý kiến hợp lý, xác đáng để hoàn chỉnh các dự thảo văn kiện, đồng thời để chỉ đạo trong hoạt động thực tiễn. Ðối với những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa thể giải quyết ngay trong Ðại hội này, Trung ương xin ghi nhận và cho tiếp tục nghiên cứu". Ðó là tinh thần thật sự cầu thị và trách nhiệm cao của Trung ương trước toàn Ðảng, toàn dân. Nhưng với những người mang động cơ xấu, chống đối, thù địch, lợi dụng việc đóng góp ý kiến với Báo cáo Chính trị để xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ Ðảng, Nhà nước và nhân dân, chúng ta kiên quyết phê phán và dứt khoát bác bỏ.

Một trong những nội dung mà những người mang động cơ xấu, chống đối, thù địch đòi hỏi là bỏ Ðiều 4, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Ðiều khoản đó ghi rõ: "Ðảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác- Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" (Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, 1992).

Thật ra những phần tử cơ hội và chống đối đã có mưu đồ và hành động thực hiện mưu đồ đó từ lâu. Họ muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh từ trước khi có Ðiều 4 Hiến pháp. Song vì sao gần đây họ lại hùng hổ đưa ra đòi hỏi ngang ngược như vậy? Sự thật là họ ảo tưởng từ "một thực tế vàng", bỗng nhiên vớ được mà không phải đổ máu xương, không phải đổ nhiều tiền của. Ðó là việc Ðảng Cộng sản Liên Xô, do sai lầm và bị phản bội, đã tự từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình được ghi trong Hiến pháp Liên bang CHXHCN Xô Viết, dẫn đến sự kiện Liên Xô tan rã và CNXH ở các nước Ðông Âu sụp đổ. Qua hai lần phản kích CNXH bằng bao vây và chiến tranh tổng lực trong chiến tranh thế giới thứ hai, và sau đó là thất bại đau đớn của cuộc đụng đầu lịch sử giữa một bên "sức mạnh quân sự và kinh tế không tưởng tượng nổi" với một bên "trí tuệ lãnh đạo anh minh và lòng quả cảm, hy sinh vô bờ bến", các thế lực thù địch mưu toan "chiến thắng không cần chiến tranh". Chính vì vậy, sau khi CNXH hiện thực tạm thời lâm vào khủng hoảng, các thế lực phản cách mạng liền chớp lấy thời cơ, đưa "cơn lốc diễn biến hòa bình" từ châu Âu sang châu Á và cả các nước Mỹ la- tinh. Bằng "cơ hội nằm mơ giữa ban ngày" vẫn có được, "tính hiếu thắng lại được kích động", các thế lực chống cộng vô cùng hoan hỉ đẩy tới chiến dịch chống cộng ngày càng triệt để. Và nhân loại lại được chứng kiến "các cuộc cách mạng sắc màu" ở các nước còn vương vấn với CNXH hay bừng tỉnh nhận ra sự lừa đảo về "một xã hội đầy bánh mì và hoa thơm dân chủ, tự do". Phải chăng họ nghĩ rằng, chỉ bằng sự truyền bá một cách mập mờ các quan điểm đối lập kết hợp với xúi giục, kích động một cách ráo riết và trắng trợn, bằng một khoản tiền dành cho các "nhà dân chủ" cùng chút ít đô-la "thù lao dành cho hò hét"... họ có thể lật đổ được một chính thể này, một nhà lãnh đạo kia để lái các quốc gia vào quỹ đạo của họ, tạo thế bao vây các nước mà họ coi là khó bảo?

Ðể đạt được mục đích làm tan rã, tiến tới xóa bỏ đảng cộng sản ở các nước XHCN còn lại vào cuối thế kỷ 20, nếu không thì đầu thế kỷ 21 cũng phải hoàn tất, người ta đã triển khai một chiến lược có "lớp lang, bài bản", được tính toán kỹ lưỡng, mà: về tư tưởng là xóa niền tin vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thay bằng hệ tư tưởng tư sản, lối sống và các giá trị đạo đức phương Tây; về kinh tế là thúc đẩy xu hướng tư nhân hóa, thiết lập thị trường tự do tư bản chủ nghĩa; về chính trị là thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập qua đó xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản. Thông qua các hoạt động vừa công khai vừa không công khai, kết hợp giữa tác động từ bên ngoài với sự vận động chuyển hóa từ bên trong, các thế lực chống cộng tập trung "gieo mầm" và cố gắng làm xuất hiện ngay trong lòng các nước XHCN những nhân tố phản cách mạng, dần dần xây dựng thành lực lượng chính trị đối lập với Ðảng Cộng sản, với Nhà nước XHCN, từ đó làm "đổi màu" đời sống chính trị - xã hội và làm chệch hướng phát triển.

Ðối với Việt Nam, mặc dù chúng ta mong muốn giữ vững môi trường hòa bình cho sự phát triển của đất nước, thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế; trở thành điểm đến, nơi đầu tư, hợp tác tin cậy, an toàn của các đối tác, của các nước vì lợi ích của hai bên, và lợi ích của nhiều phía..., nhưng Việt Nam vẫn không nằm ngoài âm mưu "chuyển hóa" của các thế lực thù địch.

Song, trong điều kiện Việt Nam đã và đang giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, chế độ XHCN ở Việt Nam không những không nhanh chóng sụp đổ như họ mong muốn, trái lại, vẫn đứng vững, ổn định và phát triển, ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế... và đây cũng là thực tế chứng minh sức sống của CHXH đổi mới. Vậy là họ đã phải đi từ ngỡ ngàng này đến vỡ mộng khác.

Họ phải thừa nhận Ðảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn uy tín lớn lao, an ninh chính trị Việt Nam ổn định; đặc biệt là ở Việt Nam không có lực lượng chính trị đối lập để họ giật dây tiến hành một cuộc "cách mạng nhung lụa", hay một "cuộc cách mạng sắc màu" như ở Ðông Âu và một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Ngửi thấy mùi thất bại, nếu chỉ phát động "các cuộc cách mạng mị dân", họ nhanh chóng điều chỉnh phương thức, biện pháp, chủ trương "thẩm thấu hòa bình", gây ảnh hưởng toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, kể cả lợi dụng việc giao lưu, hội nhập để tác động vào nội bộ Việt Nam, từng bước chuyển hóa nền kinh tế, hệ thống pháp luật của nước ta theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa, từ đó mưu toan đạt đến đích chuyển hóa Việt Nam về chính trị. Người ta phác họa cả một lộ trình để đi đến mục đích này, dù phải kéo dài thời gian.

Vì sao họ chủ tâm, chủ ý và nhằm vào Ðiều 4, Hiến pháp nước ta? Những người ít am tường về chính trị sẽ rất dễ bị lừa gạt ở chỗ này bởi những lập luận thoạt nghe thì mơn trớn, bùi tai. Thí dụ: "Chế độ chính trị một đảng đối lập với dân chủ. Muốn thực hiện dân chủ nhất thiết phải chấp nhận đa nguyên, đa đảng", "Ða nguyên kinh tế đã thu kết quả lớn, đưa nền kinh tế đi lên, đưa đất nước ra khỏi đói nghèo, thì nay là lúc phải thực hiện đa nguyên, đa đảng về chính trị", "Nhân loại đang nỗ lực hòan thiện một xã hội pháp quyền, trong đó quyền công dân được ghi rõ trong Hiến pháp. Nếu chúng ta muốn hội nhập với thế giới, không nên luyến tiếc Ðiều 4 của Hiến pháp, khi nó không còn hợp thời".

Họ còn kích bác "Một đảng cầm quyền tiên phong dẫn dắt dân tộc trong thể kỷ 21 mà vẫn khư khư coi chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nền tảng khi ngay trên quê hương sinh ra nó, chủ nghĩa này bị người ta loại bỏ không thương tiếc, là một điều không bình thường"... Chỉ cần xâu chuỗi các quan điểm, các lập luận ở bài này, bài nọ phát tán trên mạng in-tơ-nét, sẽ thấy tòi ra cái "bản mặt" của những mưu đồ đen tối. Họ đòi bỏ Ðiều 4 Hiến pháp nước ta là để thực hiện "bắn một mũi tên trúng ba, bốn đích".

Một là, xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vì Ðảng ta "theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh".

Hai là, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, vì "Ðảng ta là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".

Ba là, chia rẽ mối quan hệ giữa Ðảng với nhân dân, bởi Ðảng sống trong lòng dân tộc, bởi Ðảng ta "đại diện trung thành quyền lợi giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc".

Bốn là, phê phán Ðảng ta "siêu quyền lực", "đứng trên Hiến pháp, đứng ngoài nhân dân". Mưu đồ này dễ làm lung lạc những người ngộ nhận, đẩy tới một thứ lô gic kỳ quặc rằng không có Ðảng, thì sẽ có nhiều dân chủ, tự do hơn (?!).

Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong gần một thế kỷ qua đã chứng minh chỉ có Ðảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất có đủ khả năng lãnh đạo khối đoàn kết, đủ khả năng huy động được toàn bộ sức mạnh vật chất - tinh thần của toàn dân tộc để hoàn thành sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong thế kỷ 20. Và ngày nay, Ðảng cũng là lực lượng chính trị duy nhất đã khởi xướng và lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì thế, việc Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng hoàn toàn là một tất yếu khách quan.

Xét về lịch sử, Hiến pháp nước Việt Nam DCCH năm 1946, do hoàn cảnh lúc đó, trong Lời nói đầu chưa đề cập vấn đề "sự lãnh đạo của Ðảng". Từ Hiến pháp nước Việt Nam DCCH năm 1959 cho đến Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1980, 1992 đều viết "dưới sự lãnh đạo của Ðảng...". Tại hai bản hiến pháp năm 1980 và 1992, Ðiều 4 nói lên vị thế của Ðảng trong đời sống chính trị - xã hội và khẳng định Ðảng tôn trọng Hiến pháp, pháp luật. Ở đây tuyệt nhiên không có chuyện Ðảng sợ mất vai trò hay Ðảng tự cho mình "siêu quyền lực". Và cần nhấn mạnh rằng, ngay tại Ðiều 4 Hiến pháp cũng quy định rõ ràng: "Mọi tổ chức của Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Sự thật đã sáng tỏ như ban ngày, và chỉ có những ai manh tâm mới không dám nhìn thẳng vào sự thật ấy!

Với sự phức tạp trong bước ngoặt quan trọng của lịch sử đất nước trong quá trình phát triển, Ðảng ta đã dũng cảm, thẳng thắn, công khai, minh bạch khi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội thực dụng, thiếu trung thực và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân... diễn ra nghiêm trọng, và Ðảng ta cũng nhận thức được rằng tình trạng trên đã làm giảm lòng tin của nhân dân với Ðảng. Nên trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X, Ðảng khẳng định: "Tiếp tục đổi mới và chỉnh đối Ðảng, xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng lên ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ của tình hình mới là đòi hỏi có ý nghĩa sống còn đối với Ðảng và nhân dân ta". Vì vậy, chúng ta không cho phép bất cứ ai lợi dụng việc góp ý kiến, lợi dụng những khuyết điểm, dù không nhỏ, ở một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng, ly tán lòng người, tách Ðảng với dân.

Phủ định vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam là một trong những nội dung chính của hoạt động tuyên truyền phá hoại của các thế lực thù địch trong những năm qua và sẽ còn tiếp tục trong những năm tới. Họ đưa ra nhiều luận điệu tuyên truyền nhằm kích động quần chúng nghi ngờ Ðảng, phai nhạt lòng tin với Ðảng.

Họ phê phán Ðảng ta không chịu đổi mới về chính trị. Họ còn liệt kê những sai lầm, khuyết điểm trong quá khứ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và quản lý xã hội, để xuyên tạc, vu cáo nhằm chứng minh cho việc đòi hỏi xóa bỏ Ðiều 4 trong Hiến pháp là điều hợp tình, hợp lý và dĩ nhiên phải như thế (!?) Phải nói rằng bên cạnh những cống hiến to lớn lãnh đạo nhân dân làm nên những kỳ tích chưa từng có trong lịch sử dân tộc, Ðảng ta, có những lúc mắc phải những sai lầm, khuyết điểm. Nhưng là một Ðảng Cộng sản chân chính, mỗi lần vấp phải sai lầm, Ðảng ta đều nhìn thẳng vào sự thật, nghiêm túc nhận khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa. Chính vì thế mà chiến công vẫn tiếp nối chiến công, thành tựu tiếp theo thành tựu.

Nếu trong chúng ta có ai đó không tỉnh táo và mất cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc rất dễ bị che khuất, "nhìn cây mà chẳng thấy rừng". Thậm chí còn dễ dàng ngộ nhận, để rồi một phút nông nổi theo đuôi, khi tỉnh ngộ chỉ còn ảo tưởng, mất đi những cái vô cùng quý giá để nương tựa làm người, để xây dựng cuộc đời thật sự ấm no, hạnh phúc.

Thực chất một số "nhà dân chủ" có các "ông bầu bảo trợ" đứng sau giật dây, mớm lời, muốn gì khi đòi bỏ Ðiều 4 của Hiến pháp? Họ tung lên mạng internet rất nhiều lập luận khôi hài như đã dẫn ra ở trên. Làm điều này, họ tảng lờ như không biết là đã xúc phạm đông đảo nhân dân Việt Nam. Họ không hiểu hoặc cố tình không hiểu, Hiến pháp của nước Việt Nam DCCH trước đây và nay là nước CHXHCN Việt Nam đều được soạn thảo dưới ánh sáng đường lối của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Cái cốt tử của vấn đề là họ không muốn có Ðảng và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Ðiều họ muốn là từ sự đòi hỏi xóa bỏ Ðiều 4 để đi đến phủ định vai trò của Ðảng trong lòng dân tộc. Họ muốn phủ định một chặng đường hơn 76 năm qua của dân tộc dưới ngọn cờ của Ðảng, phủ định đất nước đổi mới thành công, có vị thế và uy tín trên trường quốc tế. Họ muốn phủ định và ngăn chặn tương lai của con đường đi lên CNXH mà Ðảng ta cùng nhân dân ta dày công tìm tòi, khám phá, sau khi CNXH rơi vào tình trạng thoái trào. Không phải họ muốn không có Ðảng Cộng sản Việt Nam để xã hội Việt Nam, dân tộc Việt Nam không có bất cứ một đảng nào, đảng của giai cấp nào lãnh đạo. Ðiều chính yếu là họ muốn giành giật một vị trí cao trong lòng dân tộc, muốn "Con cóc ngồi góc bờ ao - Lăm le lại muốn đớp sao trên trời (!)".

Thật ra, họ quên mất, và chắc chắn họ chẳng hiểu gì về lịch sử cách mạng Việt Nam. Ðể có quyền lãnh đạo tuyệt đối, thời kỳ dựng Ðảng, giai cấp công nhân cùng với người bạn đồng minh chiến lược của mình là giai cấp nông dân, cũng đã phải trải qua đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ. Sau Cách mạng Tháng Tám, cũng đã từng có đảng phái muốn "hớt tay trên, tranh quyền" để loại trừ Ðảng ta. Và sau đó, để tập hợp mọi lực lượng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc cho việc bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám, dồn sức cho các cuộc chiến tranh giữ nước, Ðảng ta tôn trọng và tạo điều kiện cho một số đảng ra đời. Ðược đánh giá vai trò, công lao to lớn và tự nhận đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, các đảng này tự nguyện chấm dứt hoạt động.

Vậy là, Ðảng ta đã ra đời, đã hoạt động trong một môi trường đa đảng. Ðảng chỉ giành được vị thế duy nhất, độc quyền lãnh đạo, được nhân dân tin yêu, thừa nhận là "Ðảng mình", khi Ðảng cùng dân tộc làm nên những chiến công hiển hách, những kỳ tích vẻ vang. Ðiều đó khẳng định, Ðảng lãnh đạo là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Những âm mưu, thủ đoạn của các thể lực thù địch muốn loại bỏ Ðiều 4 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam là để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, cản trở con đường dân tộc Việt Nam đi lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Ðảng càng trong sạch, vững mạnh, Ðảng càng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, sự nghiệp đổi mới ngày càng giành thắng lợi lớn hơn thì chúng càng chống phá quyết liệt, điên cuồng và hung bạo. Một số phần tử cơ hội, tự khoác cho mình "chiếc áo đi tiên phong đòi dân chủ", đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, không phải vì họ mong muốn xã hội dân chủ hơn, mà chính là họ muốn "đục nước, béo cò"!

ĐỨC LƯỢNG