Quỹ bảo hiểm xã hội trước nguy cơ phá sản
Các Website khác - 26/08/2005
Hiện số người đóng bảo hiểm xã hội trên số người nghỉ hưu chỉ 19/1. Ảnh: Anh Tuấn

Mỗi năm nhà nước bỏ ra 10.000 tỷ đồng để trả lương cho khoảng 1 triệu người về hưu trước ngày 1/1/1995. Những người nghỉ hưu sau đó thì với mức đóng như hiện nay chỉ 10-15 năm nữa sẽ dẫn đến chi vượt thu, quỹ bảo hiểm xã hội phá sản.

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi thảo luận về dự án Luật bảo hiểm xã hội được Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận hôm qua. Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Quỹ bảo hiểm xã hội được hình thành từ hai nguồn, đóng góp của chủ sử dụng (15% quỹ lương) và người lao động (5% tiền lương, tiền công tháng). Hiện số người tham gia bảo hiểm xã hội là 5,8 triệu, số thụ hưởng lương hưu là 1,6 triệu.

19 người đi làm, nuôi 1 người nghỉ hưu

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng thông báo, với mức đóng hiện nay thì tổng số tiền đóng bảo hiểm xã hội trong 30 năm của một người hưởng lương chỉ đủ chi trả lương hưu bình quân 8 năm. Trong khi đó, thời gian hưởng lương hưu của người nghỉ hưu bình quân là 16 năm. Một thực tế khác, do chế độ về hưu sớm, tỷ lệ người đóng bảo hiểm xã hội cho một người hưởng lương hưu giảm dần, năm 2000 là 34/1, năm 2002 là 23/1 và năm 2004 là 19/1. Đóng ít, hưởng chế độ thời gian dài dẫn đến quỹ bảo hiểm xã hội dài hạn (thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất) chỉ đủ khả năng cân đối thu chi đến năm 2019, từ năm 2020 trở đi quỹ sẽ phá sản vì chi nhiều hơn thu.

Để giải bài toán quỹ phá sản, dự luật bảo hiểm xã hội đã đề ra một loạt chính sách. Thứ nhất, tăng mức đóng bảo hiểm xã hội của cả chủ sử dụng và lao động từ năm 2010 mỗi năm lên 0,5%, tức khoảng 2016 thì tổng mức đóng góp của cả chủ và lao động là 26%. Thứ hai, giảm chi phí quản lý quỹ từ 3,6% như hiện nay xuống mức lý tưởng 2%. Thứ ba, chấm dứt chế độ nghỉ hưu sớm (trước 1999 tuổi nghỉ hưu bình quân của nam là 57,1, nữ 51,9; sau năm 1999 giảm tương ứng còn 54,8 và 49,2). Biện pháp cuối cùng là tiền nhàn rỗi của quỹ được đầu tư và cho vay để bảo toàn và tăng trưởng.

Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu cho rằng, luật cần khẳng định quỹ bảo hiểm xã hội độc lập với ngân sách nhà nước, các loại quỹ hạch toán độc lập, không thể nhà nước hỗ trợ. Quan điểm này được ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách đồng tình: "Bảo hiểm xã hội là chế độ rất ưu việt, nhưng ngân sách nhà nước lại có hạn. Quỹ bảo phải phát triển theo quy luật kinh tế thị trường, trở thành ngành dịch vụ, cho nhiều đối tượng tham gia, chứ không chỉ nhà nước".

Tuy nhiên, Phó ban Kinh tế và ngân sách Tào Ngọc Phùng lại gay gắt phản đối: "Quỹ bảo hiểm xã hội không thể độc lập với ngân sách, nếu độc lập sẽ không sống được". Từng 5-6 năm làm phó chủ tịch Quỹ bảo hiểm xã hội, ông Phùng chứng minh ngay điều mình nói bằng con số: mỗi năm nhà nước phải bỏ ra 10.000 tỷ đồng trả lương hưu cho những người nghỉ hưu từ trước 1/1/1995. Số về hưu sau thời điểm này thì quỹ mới chỉ tạm cân đối thu chi.

Ông Phùng cũng cho rằng, không thể tách từng quỹ (ốm đau và thai sản; tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất), mà phải là một bộ phận thống nhất để bù trừ cho nhau. Để đảm bảo an toàn quỹ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách ủng hộ các giải pháp do Bộ Lao động đưa ra và bổ sung quy định căn cứ để tính mức lương hưu không phải là 5 năm cuối của quá trình lao động, mà phải là 15 năm.

Băn khoăn bảo hiểm thất nghiệp và tự nguyện

Dự luật đã bổ sung chế độ bảo hiểm xã hội rất mới đó là bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động sẽ phải đóng một tỷ lệ nhất định của mức lương hằng tháng, khi thất nghiệp được trợ cấp cao nhất bằng 55% mức tiền lương, tiền công tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Hưởng tối đa không quá 12 tháng. Trong thời gian này, người thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo nghề, nhưng cũng không quá 6 tháng.

Đa số đại biểu rất băn khoăn về tính khả thi của chế độ mới mẻ này. Hiện trên thế giới chỉ 70 nước có chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trong khu vực duy nhất Thái Lan có và mới thực hiện từ năm 2004. Ông Hồ Đức Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, lo lắng: "Bây giờ người thất nghiệp rất nhiều. Nếu bung ra chế độ này mà nhà nước không làm được thì rất nguy, sẽ mất uy tín". Cuối cùng ông Việt chốt: "Chính sách ra sớm, công bố không hợp thời thì cũng hỏng".

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu cũng cho rằng, bảo hiểm thất nghiệp là lĩnh vực rất khó, Việt Nam chưa có đầy đủ cơ sở thực tiễn và lý luận. "Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, có đề án cụ thể, bước đi thích hợp vì những quyền lợi khi đã ban hành rất khó rút lại. Hãy thực hiện thí điểm ở một số bộ ngành, đến khi chín muồi sẽ ban hành luật để đảm bảo tính khả thi", bà Thu đề nghị.

Riêng về chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhiều đại biểu cho rằng nên để các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đảm trách, nhà nước không nên ôm. "Cả nước có 82 triệu dân, bây giờ 42 triệu nông dân tham gia, đòi hỏi nhà nước phải hỗ trợ thì làm sao gánh nổi", ông Tào Hữu Phùng phản đối. Bà Nguyễn Thị Hoài Thu thì lo bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ đổ vỡ vì nếu so với các loại bảo hiểm thương mại, nó không hấp dẫn.

Dù nhiều còn ý kiến trái ngược, Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn nhất trí sẽ trình dự luật ra kỳ họp sắp tới.

Như Trang