Nhờ có máy nội soi cải tiến mà Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự đã có thể chẩn đoán một cách nhanh chóng và chính xác cho bệnh nhân nghèo miền lũ lụt.
Chủ nhân sáng kiến của chiếc máy này chỉ là một bác sĩ huyện dựa trên sáng kiến của máy nội soi ngoại nhập. Có điều, giá máy chỉ bằng 1/5 giá ngoại mà chất lượng thì không thua kém...
Chúng tôi có dịp gặp bác sĩ Nguyễn Phước Huy hôm qua (25-8) tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), khi anh đang chẩn đoán cho một bệnh nhân người Campuchia. Vừa thực hiện nội soi, anh vừa nói với chúng tôi: “Đây không phải là trường hợp đầu tiên khám cho người nước ngoài, tiếng lành đồn xa về phương pháp này không chỉ dừng ở huyện mà còn đến với bà con nước bạn từ nhiều năm qua. Có được như ngày hôm nay, vợ chồng tôi đã đổ không ít mồ hôi và nước mắt”...
Một thời khó nhọc
Bệnh nhân Srây Mong, quê ở huyện Gjang Chênh, tỉnh Prayven, Campuchia, nói: “Tôi bị bệnh đã hơn một năm nay, nhưng trị hoài không khỏi. Nghe mấy người quen nói rằng ở đây trị bệnh bằng phương pháp hiện đại hay lắm. Từ nhà tôi đến đây không biết bao xa nhưng gia đình đưa tôi đi từ khi gà gáy. Những lời nói mộc mạc của bệnh nhân càng khiến bác sĩ Huy thấy yêu nghề. Bởi chính anh cũng xuất thân từ một hoàn cảnh nghèo khó.
Bác sĩ Nguyễn Phước Huy sinh năm 1964, quê ở xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Anh xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo có 4 anh chị em. Gia đình anh có truyền thống làm nghề ép trứng cá tra, basa. Từ khi còn học ở trường làng, anh đã bộc lộ tính cách thích khám phá. Đến năm 1982, anh tốt nghiệp lớp 12 và đăng ký thi vào Trường Đại học Cần Thơ. Anh tâm sự: “Lúc ấy tôi đâu có ngờ mình thi vào ngành y, tôi chỉ ước mơ mình trở thành một kỹ sư cơ khí, chế tạo thôi”. Đậu vào ngành y, bao nhiêu mơ ước của anh đã đè nặng lên đôi vai của những người trong gia đình. Vừa làm lo miếng ăn, gia đình vừa phải lo cho con đi học ở tỉnh xa. Trong 4 năm học đại học ở Cần Thơ, anh làm đủ thứ nghề để tự lo kinh phí học tập. Những ngày cuối tuần, Huy đi săn lùng xe cũ mua về với giá rẻ rồi tân trang bán lại cho người khác kiếm tiền mua sách vở. Những lúc về quê, anh cũng không bỏ qua cơ hội làm ăn. Anh mua thuốc thú y từ Cần Thơ về bán cho những người nuôi cá tra trong xóm, rồi lại mua đặc sản của Đồng Tháp lên Cần Thơ bán...
![]() |
Đầu nối ống nội soi do BS Huy tự chế tạo |
Vừa nhận được tấm bằng đại học trên tay, bác sĩ Huy trở về quê làm việc ở Trung tâm Y tế huyện Hồng Ngự. Năm 1988, anh lập gia đình, vợ là một giáo viên trường làng. Khi trở thành bác sĩ, những tưởng cuộc sống sẽ đỡ hơn, nhưng lại thêm gánh nặng. Bác sĩ Huy nhớ lại: “Lúc ấy, ban ngày tôi làm việc ở trung tâm y tế huyện, tối về phải đi cắm câu, chụp cá sặc để kiếm thêm thu nhập. Sau những năm 90, vợ chồng tôi chuyển sang nuôi heo rồi nuôi vịt, không may bị dịch bệnh, thế là phá sản”. Tuy vất vả, nhưng không lùi bước trước khó khăn, bác sĩ Huy muốn khẳng định mình bằng cách học cao hơn nữa.
Chỉ nghe giảng chứ không sờ được máy
Trong 2 năm 1999 và 2000, bác sĩ Huy có dịp được cử lên Cần Thơ học khóa phẫu thuật nội soi (mỗi năm chỉ học được 2 tuần lễ). Từ khóa học này, bác sĩ Huy hiểu được nội soi là phương pháp hiện đại, chẩn đoán trung thực, chính xác ở những vùng sâu kín. Anh tâm sự: “Lúc đó học viên chúng tôi đâu có ai sờ được cái máy đó đâu, chỉ nghe qua lời thầy giảng. Kể cũng đúng thôi vì giá mỗi cái máy nội soi lúc đó khoảng 30.000 USD, tương đương 500 triệu đồng”. Từ mong muốn sở hữu chiếc máy này, anh đã tìm cách tiếp cận, nghiên cứu, học hỏi người đi trước những kinh nghiệm về quang học, toán học, máy tính... để thiết kế, lắp đặt hệ thống nội soi giá rẻ. Trong suốt 2 năm trời nghiền ngẫm, anh gặp không ít khó khăn, phải đi vay mượn tiền từ những người thân để mua dụng cụ về cải tiến. Giờ đây, bác sĩ Huy cho biết: Tính ra chỉ cần mua cái máy nội soi của Trung Quốc giá từ 600 - 800 USD cùng hệ thống máy tính Pentium 4, trang bị máy in màu và hệ điều hành Windows. Hệ thống chuyển đổi tín hiệu từ đầu dò sang máy tính là một bộ thấu kính chuyển hình ảnh sang webcam giá chỉ vài trăm ngàn đồng. Theo anh, hiện nay với giá thành các sản phẩm điện tử giảm, lắp đặt một máy nội soi gia đình chỉ tốn khoảng 40 triệu đồng. Nếu dùng cho kinh doanh thì khoảng 60 triệu đồng, chủ yếu là hệ thống máy tính. Khi khám bệnh, thời gian vài phút là có thể cho ra hình ảnh nội soi của người bệnh...
Sẵn sàng hợp tác, để chế tạo thêm nhiều máy nội soi giá rẻ
Trong suốt 17 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Huy không ngừng rèn luyện về kỹ năng và sáng tạo trong phương pháp điều trị. Anh hiện là bác sĩ thuộc khoa tai-mũi-họng của Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự. Đến nay, gia đình anh cũng đã có một cơ ngơi ổn định. Con trai lớn của anh đang học cấp 3 ở một ngôi trường khá nổi tiếng ở TPHCM và cô con gái út đang học lớp 7 Trường THCS Hồng Ngự. Đặc biệt, căn nhà khá khang trang mà gia đình đang sinh sống là do chính tay anh lập bản vẽ. Nói về ước mơ, anh bộc bạch: Ngay từ nhỏ tôi đã thích khám phá và chế tạo. Điều tôi tâm đắc nhất là đã đóng góp chút ít cho ngành y ở địa phương. Vì những bệnh nhân nghèo, tôi ước mơ sẽ trở thành nhà chế tạo nhiều dụng cụ nội soi hơn nữa cho ngành y.
Tính đến nay, BS Huy đã nghiên cứu chế tạo được 7 máy nội soi, phục vụ gia đình, cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự và một số đồng nghiệp. Anh cũng đã hoàn thành dự án xây dựng nhà máy chế tạo thiết bị y tế công nghệ cao; nếu có điều kiện về kinh phí, nhà máy này sẽ được đặt tại huyện Hồng Ngự. Anh cho biết sẵn sàng hợp tác với các nhà tài trợ để chế tạo máy nội soi giá rẻ mà hiệu quả, phục vụ cho những địa phương còn khó khăn về phương tiện chẩn đoán. |
Bài và ảnh: Bá Dũng
▪ Đất ở đủ điều kiện sẽ được cấp sổ đỏ, không cần xét nguồn gốc (26/08/2005)
▪ "Ngôi nhà Việt Nam" tại Expo 2005-Aichi (25/08/2005)
▪ Phí dịch vụ kỹ thuật cao cho người có thẻ bảo hiểm y tế vẫn bị tính toán (25/08/2005)
▪ Việc nhỏ, lợi lớn (25/08/2005)
▪ Tìm đồng đội giữa đại ngàn Xavanakhet (25/08/2005)
▪ Kỳ tích đào hầm bí mật (25/08/2005)
▪ Dấu chân của Bác Hồ ở Boston (25/08/2005)
▪ Về viếng Bác đúng ngày Quốc khánh (25/08/2005)
▪ Không cho người bán hàng rong, ăn xin lên xe buýt (25/08/2005)
▪ Hàm lượng sắt, man-gan... đều vượt tiêu chuẩn cho phép (25/08/2005)