Sự từ bỏ đáng kính trọng!
Các Website khác - 02/12/2005

Sự từ bỏ đáng kính trọng!

Người dân Hà Nội đang khấp khởi mừng vì Sở Xây dựng Hà Nội sẽ xin ý kiến và sẽ ban hành quy định cấp phép xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố, trong đó sẽ có 8 nhóm công trình không phải xin giấy phép xây dựng, miễn là đáp ứng được một số yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền!

Quản lý xã hội bằng các quy định, trong đó có các loại giấy phép - điều đó không có gì phải bàn cãi. Nhưng quy định không đúng thực tế, quy định quá phức tạp lắt léo thì việc quản lý lại không hiệu quả, chưa nói là gây hậu quả xấu, thậm chí rất xấu. Bởi vì những giấy phép không cần thiết làm tiêu tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc của dân, của Nhà nước (Nhà nước phải tổ chức thêm các cơ quan, công chức phục vụ việc cấp các loại giấy phép đó, đồng thời có cả những cơ quan chuyên xử lý những "cò" giấy phép!).

Ngẫm sâu xa hơn, những tiêu cực từ việc xin và cấp giấy phép (thói quen, cơ chế và cũng là bệnh xin - cho) làm thay đổi nhiều thang bậc giá trị xã hội, kéo xã hội lùi lại so với tiến trình phát triển đáng ra phải có. Thực tế "hội chứng" giấy phép (đấy là nói đến những loại giấy phép không cần thiết, nhưng vẫn được ban hành) từ xã lên huyện, từ phường lên quận, từ quận - huyện lên tỉnh, thành phố và từ tỉnh, thành lên trung ương...

thực sự đã làm cho nền hành chính của chúng ta thụi lùi so với ước muốn. Công chức lúc này không phải làm công việc phục vụ nhân dân mà lại chờ dân đến xin để mình ban phát. Giấy phép nhiều đến mức các nhà máy in, các công ty sản xuất giấy vô cùng biết ơn các cơ quan nhà nước các cấp vì họ thu được nhiều lợi nhuận hơn.

Thấy được những hệ lụy của "hội chứng" giấy phép, Chính phủ đã tiến hành hàng loạt các biện pháp cải cách hành chính, loại bỏ nhiều giấy phép vô lý, phân cấp cho các cấp cấp giấy phép cần thiết... Dân mừng được một thời gian, nhưng rồi các giấy phép con lại ra đời dưới một hình thức khác tinh vi hơn. Và rồi "hội chứng" giấy phép lại đâu vào đấy.

Ai nắm quyền cấp giấy phép, người đó có quyền lực. Vì vậy, một cơ quan quản lý nhà nước nào đó tự mình loại bỏ một số loại giấy phép do mình đang nắm, xét cho cùng là việc làm tự loại bỏ quyền lực của mình cũng như những cơ quan cùng hệ thống.

Tự từ bỏ quyền lực là chuyện hiếm có - kể cả đối với cá nhân cũng như tập thể. Nhưng tự từ bỏ quyền lực của nhiều cơ quan nhà nước để xã hội tiến lên, để dân thuận lợi hơn trong đời sống thì đấy là sự hy sinh đáng kính trọng!

Có người nói rằng, không quản được thì bỏ, có gì đâu mà phải ầm ĩ. Nhưng kể cả như vậy đi chăng nữa thì cái sự bỏ đó làm cho dân "từ nay không phải xin quá nhiều giấy này giấy kia" thì cũng đáng kính trọng chứ sao!

Tô Phán