Sửa lỗi lầm của quá khứ
Lê Thanh Phong Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Hà Nội) trong phiên chất vấn ngày 25.11 về việc thua lỗ của các doanh nghiệp giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình lý giải là do quá khứ.
Ông Bình hoàn toàn có lý. Bởi lẽ, hệ luỵ của cơ chế "tiền bối" để lại không phải một sớm một chiều người kế nhiệm có thể giải quyết nhanh chóng và hợp tình, hợp lý được. Tính liên tục trong quản lý nhà nước đòi buộc phải tôn trọng cái gọi là quá khứ mà đôi lúc thấy sai rõ mồn một, cũng chưa hẳn phải xoá bỏ ngay lập tức. Trước những điều chưa hợp thời và hợp lòng dân, cần phải có thời gian suy nghĩ, cân nhắc, điều chỉnh và giải quyết với sự ổn định nhất. Không chỉ với ngành GTVT, mà ở nhiều ngành và địa phương trong cả nước, một quyết định sai lầm, hoặc quy định không chuẩn của những người tiền nhiệm đôi khi hệ luỵ, thậm chí gây hậu quả tiêu cực vô vàn, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, đến hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp. Tỉ dụ như cấm đăng ký xe máy, cấm kinh doanh karaoke, cấm mua nhà vì không có hộ khẩu, cấm đủ thứ nếu không quản được, ngay cả khi sự cấm đó là vi hiến, không tôn trọng pháp luật. Hoặc đưa ra những quyết định đầu tư sai, gây thiệt hại cho Nhà nước và tạo những bức xúc trong xã hội.
Vậy thì, vấn đề quan trọng đối với những người có trách nhiệm hiện nay là nhận ra những bất cập, những sai lầm của quá khứ, để khắc phục. Chúng ta không thay đổi được quá khứ, nhưng chúng ta có đủ sức lực, trí tuệ để tạo ra một trang lịch sử mới mẻ, đẹp đẽ và thuận lòng dân. Các đại biểu Quốc hội chất vấn, đòi hỏi những người có trọng trách với đất nước dũng cảm chỉ ra những tồn tại của quá khứ và sửa chữa. Cử tri cả nước mong rằng sự điều chỉnh đó chính xác và không phạm sai lầm như đã xảy ra. Đồng thời, để quá khứ luôn là bài học cho hiện tại và tương lai, cử tri cả nước còn cần chúng ta phải xử lý nghiêm khắc đối với những cá nhân, tập thể là "tác giả" hay "đồng tác giả" của những quyết định sai lầm đó. Người dân vi phạm pháp luật, pháp luật buộc họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Vậy tại sao những cán bộ ra các quyết định phạm luật (gây hậu quả cho cộng đồng) lại không thể bị cơ quan pháp luật xử lý?
Thừa nhận sai lầm đã khó, dám từ bỏ thói quen và quyền lợi cá nhân hoặc một nhóm người, khắc phục, sửa chữa sai lầm, tạo ra những giá trị mới còn khó hơn. Công dân nước Việt Nam, với tư cách là cử tri theo dõi diễn đàn Quốc hội, hy vọng có sự chuyển biến thật sự tích cực sau những kỳ họp Quốc hội. |