Từ đầu năm đến nay, tỉnh Gia Lai đã tổ chức năm đợt tiếp nhận hơn 100 người (có một hài cốt) dân tộc thiểu số vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia, tự nguyện hồi hương trong khuôn khổ chương trình thỏa thuận của bản ghi nhớ ba bên ký ngày 25-1-2005 giữa Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia và tổ chức Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR).
Trong thời gian vượt biên, do nhiều ngày vượt rừng, đói khát và phải sống trong sự quản thúc khắc nghiệt của các trại ở Cam-pu-chia, ngày trở về, họ đều mang trong mình bệnh tật; có người bỏ mạng vì đau yếu không thuốc thang... Sau khi trở về, được sự cưu mang của cộng đồng; sự tạo điều kiện của chính quyền, đoàn thể..., họ đã xóa đi những mặc cảm tội lỗi, sớm tái hòa nhập cộng đồng và bắt tay vào ổn định cuộc sống.
Tôi gặp Rơ Mah H'Loát (làng Wel, xã Ia Ko, Chư Sê) tại lớp tập huấn khuyến nông do Trung tâm khuyến nông huyện tổ chức cho 35 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc bảy làng của hai xã Ia Ko và Ia Hlá. Khác với trước đây, không còn mặc cảm, rụt rè, trông H'Loát rất vui. Anh cho biết, được dự lớp tập huấn, còn có chín trường hợp như anh, những người từng có lỗi với dân làng, với chính quyền vì đã nghe theo lời dụ dỗ của bọn xấu, vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia. H'Loát cũng cho biết: Không chỉ được học kỹ thuật, lớp học còn trợ giúp các gia đình về cây, con giống mới để sản xuất trong vườn nhà mình...
Tôi biết H'Loát, khi ấy là một trong số 11 người tự nguyện hồi hương và được tạo điều kiện trở về Việt Nam đợt đầu, theo sự thỏa thuận đã ký giữa ba bên. Tại buổi gặp với chính quyền địa phương, khi từ cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) trở về, trong niềm vui của ngày đoàn tụ là ấn tượng về những giọt nước mắt; những câu chuyện buồn của những ngày đói khát, chui lủi trong rừng sâu và vất vưởng không lối thoát trong các lán trại tập trung. Riêng trường hợp của H'Loát được mọi người chú ý, bởi lẽ: Trong thời gian H'Loát lưu lạc nơi xứ người thì vợ H'Loát mang thai đứa con thứ ba. H'Loát kể: "Nhiều đêm ngồi trong trại khóc một mình. Buồn vì bị lừa dối, bị đói khát, nhưng lo nhất là ở nhà vợ có bị chính quyền làm khó không. Một số người ở trại cũng nói thế". Thế nhưng khi về đến nhà thì vợ H'Loát đã "mẹ tròn, con vuông", mà theo như lời của vợ thì đó là nhờ vào sự giúp đỡ của cán bộ y tế xã và bà
con trong làng. Lại nghe chuyện bà Dik, làng Dờng, xã Hà Bầu (Ðác Ðoa) khi về đoàn tụ với gia đình chỉ còn là nắm tro tàn. Theo Pui Him, người mang hài cốt của bà Dik về, là do không chịu nổi những ngày vượt rừng, leo núi, đói khát; đã vậy sống trong trại, bị giam lỏng không được đi lại, chân tay phù nề nặng, mà không hề được chữa trị, cho nên bà không thể tránh khỏi cái chết thương tâm.
Không chỉ có gia đình H'Loát và nhiều gia đình ở huyện Chư Sê, như Rơ Lan Juan ở làng Tơ Rong, xã Yun; Rơ Lan Wan, ở làng Wel, xã Ia Ko..., mà các gia đình khác như: Pui Him, Pui Cheng, làng Châm, xã Ia Tô (Ia Grai); Anech và Rưt ở làng Tầng, xã Hà Bầu (Ðác Ðoa)... vì nghe theo lời dụ dỗ của bọn xấu vượt biên trái phép, sau khi tự nguyện xin hồi hương, trở về, đều nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền và bà con, nhờ vậy cuộc sống đã sớm ổn định. Già làng, Trưởng thôn Ama Hrin cũng khẳng định: "Những người dân bị lừa phỉnh vượt biên, nay trở về đã nhận ra việc làm sai trái của mình. Chính quyền, các đoàn thể xã hội đã đến từng nhà động viên, tìm hiểu và giúp đỡ để họ ổn định cuộc sống. Nhiều gia đình còn được ngân hàng cho vay vốn để sản xuất, cho nên bây giờ họ không nghe lời bọn xấu, chăm lo làm ăn, phát triển sản xuất".
Sự thật là vậy, nhưng thời gian qua, bọn phản động không từ bỏ âm mưu thâm độc của chúng. Không chỉ dụ dỗ, đe dọa những người đã lỡ vượt biên được chúng tập trung ở các lán trại tạm bợ bên Cam-pu-chia, nay có nguyện vọng xin hồi hương; chúng còn không ngớt lời rêu rao và tung ra những thủ đoạn lừa đảo mới rằng, nếu họ trở về sẽ bị chính quyền Việt Nam giam giữ, thậm chí đánh đập, tra tấn; rồi thì người thân trong gia đình bị đuổi khỏi làng... nhằm một mặt xuyên tạc chính sách khoan hồng của Nhà nước ta; mặt khác tiếp tục kích động, dụ dỗ đưa người vượt biên trái phép, gây nên sự mất ổn định cho các tỉnh Tây Nguyên.
Ðã có nhiều đoàn đại diện của UNHCR tại Việt Nam đến các địa phương thuộc các tỉnh Tây Nguyên để tìm hiểu tình hình, và đều được chính quyền các địa phương tạo điều kiện tiếp xúc, trực tiếp phỏng vấn và nghe chính những người dân vượt biên trái phép từ Cam-pu-chia trở về, nói về cuộc sống hiện tại. Mới đây, vào đầu tháng 8-2005, đại diện UNHCR khu vực Ðông - Nam Á, có trụ sở đặt tại Thái-lan, ông Ha-sim-út-khan, đã đến Gia Lai. Cùng đi, có ông Vũ Anh Sơn, đại diện UNHCR tại Việt Nam. Ðoàn đã được tạo mọi điều kiện tiếp xúc với tất cả các trường hợp theo yêu cầu. Trong số này, có những người mà theo như các tổ chức phản động nước ngoài cho rằng họ "đang lẩn trốn hay bị giam giữ", như Pui Pol, xã Ia Tô; Pui Ðức và Rơmah Chơnh ở xã Ia Grăng, thuộc huyện Ia Grai. Tại nhà riêng của từng người, đại diện UNHCR đã trao đổi ý kiến, tìm hiểu những vấn đề họ quan tâm. Ông Út-khan đã không giấu vẻ ngạc nhiên khi trông thấy
họ - những người bị cho là "bị tra tấn, bị bắt giam" lại rất khỏe mạnh và đang sống bình thường như bao người dân khác trong cộng đồng. Ông Út-khan còn đến thăm một số gia đình khác ở huyện Chư Sê như Rơ Lan Juan, Rơ Lan Huyl, làng Ngol (xã Ia Glai), Rơ Lan Dinh, Rơ Lan Tâm (làng Tuốc Biếc, thị trấn huyện)... Và ông cũng không giấu nổi sự ngạc nhiên khi thấy cuộc sống hiện tại của họ khá đầy đủ, nhà nào cũng có bình quân trên dưới hai ha cà-phê, 100 gốc tiêu. Có gia đình như Rơ Lan Huyl, ngoài 400 trụ tiêu, 800 gốc cà-phê, hai sào lúa nước, còn có nguồn thu nhập khá ổn định từ người vợ, hiện là công nhân cạo mủ cao-su, thuộc Công ty Cao-su Chư Sê, với mức thu nhập ổn định 1,5 triệu đồng/tháng. Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai, sau khi kết thúc chuyến đi tìm hiểu thực tế và gặp gỡ, trao đổi với các đối tượng tại các địa phương, ông Út-khan thẳng thắn nhận xét: "Thực tế đã cho chúng tôi thấy, những người dân tộc thiểu số hồi hương về Việt Nam không hề bị đối xử xấu hoặc phải chịu bất cứ hình thức đe dọa nào. Họ được sống trong cộng đồng và hưởng các quyền lợi như những người dân bình thường khác. Ðời sống của họ ổn định, thậm chí có nhiều gia đình có mức sống khá". Ngày 5-8-2005, người phát ngôn của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) - bà Pa-gô-nít, trong buổi họp báo ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) đã khẳng định: Tất cả những người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã cảm thấy hạnh phúc khi được trở về nhà. Chính quyền đã nỗ lực thật sự để trợ giúp những người hồi hương tìm việc làm và sớm tái hòa nhập cộng đồng. UNHCR cũng khẳng định: Một số trường hợp cụ thể trở về, được chính quyền tạo điều kiện về mọi mặt, có sức khỏe tốt, không hề "bị đe dọa" như báo cáo của một tổ chức phi chính phủ đã nêu.
CUỘC sống của những người dân ở Tây Nguyên nói chung và những người vượt biên trái phép vừa hồi hương, đã và đang có những đổi thay đáng kể. Họ được cộng đồng không chỉ đón nhận mà còn tạo mọi điều kiện để xóa đi những mặc cảm, tự ti trong cuộc sống. Thực tế đó cho thấy, một lần nữa âm mưu của bọn phản động lưu vong ở nước ngoài kích động, gây rối hòng làm mất ổn định chính trị ở các tỉnh Tây Nguyên, đã thất bại. Biết nhận ra lỗi lầm, sai trái, những người con của buôn làng đã nhận được sự tha thứ, cưu mang của cộng đồng và đang cố gắng vươn lên trong cuộc sống, đóng góp sức mình xây dựng Tây Nguyên yên bình và giàu đẹp.
|