Chuyển hướng sang Việt Nam
Các Website khác - 20/08/2005

Chuyển hướng sang Việt Nam
Quốc Hưng

Doanh nghiệp nước ngoài đang chuyển hướng đầu tư từ các nước láng giềng sang Việt Nam. Ngày 18.8, Hãng tin Nhật Kyodo dẫn lời ông K.Ichikawa - chuyên gia dự án người Nhật của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam - khẳng định: "Nữ thần đầu tư đang bắt đầu mỉm cười với Việt Nam, nên nước này không nên đánh mất cơ hội".

Lời khẳng định đó cùng với thực tế một số doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam chắc chắn là tin mừng đối với các nhà hoạch định chính sách cũng như những ai muốn bắt tay làm ăn với nước ngoài. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt do áp lực của toàn cầu hoá thì sự chuyển hướng ấy khẳng định rằng ta đang có lợi thế nào đó hơn người, hoặc nếu ta chưa có lợi thế đó, thì chúng có thể sẽ đến trong một tương lai ngắn khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Cách đây ba tháng, một doanh nghiệp Nga thăm dò ý định chuyển nhà máy sản xuất kính của ông từ Trung Quốc sang Việt Nam chỉ với hai điều kiện: Tìm vị trí gần biên giới đặt nhà máy để xuất khẩu sản phẩm trở lại Trung Quốc; bảo đảm có điện liên tục để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Vào lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng điện 2005 ở miền Bắc, đáp ứng điều kiện thứ hai xem ra là rất khó thực hiện,
nên vị doanh nghiệp người Nga buộc phải tìm một "bãi đáp" khác. Việc chuyển hướng tưởng như khá dễ dàng đã không thể thực hiện được.

Một ví dụ đơn giản như vậy cho thấy để chuyển hướng đầu tư từ các nước láng giềng về Việt Nam thực sự trở thành xu hướng, Việt Nam phải hoàn thiện mình từ những chi tiết nhỏ nhất. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hành lang pháp luật ổn định đã có Quốc hội và các bộ xắn tay lo; Chính phủ thì nỗ lực tạo ra các chính sách ưu tiên, hướng dẫn nhà đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm và vùng trọng điểm; các địa phương thì lo xây dựng cơ sở hạ tầng...

Tóm lại, những việc lớn đều có người làm, nhưng thủ tục hành chính thì vẫn còn nhiêu khê, làm nản lòng không ít nhà đầu tư. Đó là chưa kể hiện trạng một bộ phận lớn các quan chức cấp cơ sở vẫn mù mờ về chính sách, diễn dịch sai chính sách, vô hình trung tạo rào cản không chỉ đối với chuyển hướng đầu tư, mà cả đối với dự án đầu tư mới.

Xét cho cùng thì không nước nào có thể tạo ra được một môi trường đầu tư hoàn hảo. Điểm yếu của chúng ta chính là những bất cập trong công tác quản lý nhà nước ở cấp độ địa phương. Nên coi đây là một hạn chế lớn để tập trung liên tục cải thiện. Thực tế cho thấy một số tỉnh đưa ra chính sách cạnh tranh giống nhau, nhưng thực trạng thu hút đầu tư lại khác nhau. Chỉ có thể giải thích sự thành công bằng công tác quản lý nhà nước ở địa phương tốt hơn mà thôi.