Giá thịt heo và nhiều loại thực phẩm tại thị trường TPHCM đang tiếp tục giảm. Ảnh: T.Thạnh |
Giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối ổn định. Dự kiến nhóm tăng cao nhất là giao thông vận tải. Vốn vay bất động sản sẽ là thách thức trong những tháng cuối năm
Sau khi đạt mức tăng thấp nhất trong tháng 7 là 1,13%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 được dự báo là tăng không đáng kể so với tháng 7 (dưới 2%). Thị trường được nhìn nhận là tương đối ổn định, đúng như quy luật hằng năm. Điều này khiến lạm phát tiếp tục được ghìm cương.
Tăng, giảm giá xăng chưa tác động mạnh
TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), phân tích: Theo quy luật hằng năm, từ tháng 7 đến tháng 9 (hoặc có thể đến tháng 10), sức mua giảm nên CPI của những tháng này tương đối thấp. Do đó, CPI tháng 8 năm nay khoảng dưới 2% là phù hợp với quy luật. Về tác động của các yếu tố vĩ mô không có gì khác lắm so với kỳ trước: Thắt chặt tiền tệ đã làm rồi; chính sách tài khóa chưa có hiệu quả rõ ràng vì chưa thực sự cắt giảm đầu tư công. Việc tăng giá xăng đã không tác động mạnh đến CPI vì giá xăng tăng lên 4.500 đồng/lít vào ngày 21-7, đến 14-8 đã giảm 1.000 đồng. Nhiều doanh nghiệp chưa kịp áp giá mới. Vì thế hiệu ứng tăng, giảm giá xăng đối với CPI chưa rõ.
Mặt hàng tác động nhiều nhất đến CPI là nhóm lương thực, thực phẩm thời điểm này lại là mùa thu hoạch ở ĐBSCL. Sản lượng vụ này rất cao, lẽ ra theo quy luật, giá sẽ giảm nhưng Chính phủ yêu cầu các tổ chức tín dụng cho các doanh nghiệp vay tiền mua gạo xuất khẩu nên gạo trong nước vẫn giữ giá.
Thế nhưng, theo thống kê sơ bộ, nhóm tăng cao nhất là giao thông vận tải. Riêng yếu tố bất lợi là thiên tai không ảnh hưởng đến CPI vì dân số và vị trí các tỉnh này trong nền kinh tế không lớn, chỉ là vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương.
TS Nguyễn Đình Cung, Trưởng Ban Chính sách vĩ mô - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cũng cho rằng giảm giá xăng chưa tác động nhiều đến CPI, nếu có, phải vào tháng 9. Còn xu hướng ghìm cương lạm phát trong tháng 8 chủ yếu do người dân có lòng tin vào gói giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ. “Lạm phát do tâm lý đã giảm xuống”- ông Cung nhận định.
Lạm phát cuối năm vẫn là ẩn số
Cũng theo TS Nguyễn Đình Cung, lạm phát không tăng cao trong tháng 8 thì những tháng cuối năm cũng khó tăng cao vì những yếu tố gây lạm phát như giá lương thực, giá dầu, giá vàng đều có xu hướng giảm. Hơn nữa, kỳ vọng giảm lạm phát từ phía người dân cũng là yếu tố rất quan trọng để ghìm cương lạm phát.
Còn theo TS Vũ Đình Ánh, CPI có thể giảm trong tháng 9 (nếu không có biến động giá xăng dầu), nhưng dự báo sau tháng 10 sẽ tăng theo quy luật. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không mạnh như cùng kỳ năm ngoái nhưng cái giá phải trả là có thể phải giảm tăng trưởng. TS Vũ Đình Ánh lý giải, sở dĩ trong năm 2007, có tháng CPI tăng gần 40% vì tổng tín dụng và phát hành tiền quá cao, là nguyên nhân “đẻ” ra lạm phát trong năm 2008. Ông Ánh cũng tỏ ra lo ngại khi nhận định lạm phát chưa biết thực sự giữ được hay bùng nổ vì còn có số tiền vay rất lớn từ bất động sản chưa biết xử lý thế nào. Nếu thu lại, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản sẽ phá sản, nếu cho đảo nợ vay tiếp thì không đạt được mục tiêu thu tiền từ lưu thông về.
Theo TS Cao Sỹ Kiêm, Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, đỉnh cao lạm phát vẫn chưa đến. “Nếu hiện tượng đầu cơ, tung tin đồn thất thiệt gây biến động thị trường lại tái diễn, mặt trái của chính sách thắt chặt tiền tệ như lãi cao, vốn ít tiếp tục căng thẳng thì lạm phát có thể bùng nổ bất cứ lúc nào”- ông Kiêm nhận định. Theo ông Kiêm, thay vì giải quyết từ ngọn đối với hiện tượng tung tin đồn như với giá gạo, giá xăng vừa qua (truy tìm nguồn tin), cần công khai minh bạch chính sách để người dân phán đoán được tình hình và tự phản ứng với các tin đồn. Nếu quản lý tốt, lạm phát có thể ổn định từ cuối năm nay hoặc giữa năm 2009.
CPI tháng 8 tại Hà Nội được công bố tăng 1,92% so với tháng 7, tại TPHCM tăng 2,09%. Đây là hai TP thường có CPI tăng cao nhất trong cả nước. Trước đó, CPI tháng 7 tại Hà Nội tăng 1,65%, TPHCM tăng 0,54%; cả nước tăng 1,13%. |
▪ Thí điểm dân bầu chủ tịch xã rồi mới sửa luật (23/08/2008)
▪ An ninh lương thực: Duy trì 4 triệu ha đất trồng lúa (23/08/2008)
▪ Cướp… cô hồn (23/08/2008)
▪ Cổ phần hóa - nhiều kẽ hở để trục lợi cá nhân (22/08/2008)
▪ Dân phát mệt vì những dự án… “rùa bò” (22/08/2008)
▪ Để sớm có những nông dân chuyên nghiệp (20/08/2008)
▪ Thuốc giả có hại như thế nào? (19/08/2008)
▪ 500 xã thí điểm dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND (18/08/2008)
▪ Lắng lòng nhớ mẹ... (16/08/2008)
▪ Chính phủ yêu cầu kiểm tra làm rõ hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu (16/08/2008)