Cổ phần hóa - nhiều kẽ hở để trục lợi cá nhân
Các Website khác - 22/08/2008
"Lâu nay vẫn có hai xu thế, một cho là nếu cổ phần hóa (CPH) sẽ làm mất vai trò chủ đạo của Nhà nước, hai thì cho rằng chưa cổ phần hóa DNNN là vẫn còn khó khăn cho nền kinh tế. Cả hai quan điểm này đều lệch lạc, vì vậy sau CPH đang có hiện tượng buông lỏng quản lý", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển nói.

Ủy ban này vừa kết thúc đợt giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý đất đai, mua bán cổ phiếu trong CPH các DNNN. Những thống kê đưa ra trong ngày họp đầu tiên của phiên họp thứ 11 UBTVQH ngày 21/8 đã nhận được rất nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

"Chệch choạc ngay từ đầu"

Mặc dù đoàn giám sát đánh giá đa số DN sau CPH đều "kinh doanh có  lãi, tăng doanh thu, vốn điều lệ, thu hút thêm và cải thiện đời sống người lao động", các DN giai đoạn đầu đều được hưởng ưu đãi về thuế, nhưng khảo sát cho thấy 6 tháng đầu năm nay mới chỉ tiến hành CPH xong vỏn vẹn 30 DN, trong khi suốt năm 2007 là 150.

Cổ phần hóa đòi hỏi định giá thật sát tài sản doanh nghiệp. Ảnh: VNN

"Mục tiêu là đến 1/7/2010, phải chuyển đổi xong nhưng dự kiến sẽ có khoảng 700 DN chưa thể CPH", ông Phùng Quốc Hiển thông báo.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, chiếm tỷ lệ áp đảo DNNN đã CPH là DN địa phương, rồi đến bộ. Khu vực DN thuộc các tập đoàn, TCT chỉ chiếm 11,6%. "Chủ yếu là DN vừa và nhỏ, những DN quy mô lớn, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tài chính, ngân hàng vẫn còn chậm chuyển đổi".

Nguyên nhân chậm trễ là do xử lý vấn đề tài chính, tài sản, xử lý đất đai khi xác định giá trị DN, quản lý vốn Nhà nước và mua bán cổ phiếu...

Ông Hiển giải thích thêm: "Giai đoạn đầu  làm sơ khai nên cơ chế đơn giản, thông thoáng, khuyến khích là chính. Về sau thì gò lại, nên trước và sau có chênh lệch".

Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi, do từ trước khi CPH đã không đánh giá và quản lý được thật sự toàn bộ khu vực DNNN nên "đã có sự chệch choạc ngay từ đầu".

Trục lợi cá nhân

Làm thế nào để tránh thất thoát tài sản Nhà nước là vấn đề được nhiều ủy viên UBTVQH quan tâm.

Công ty TNHH một thành viên Bến xe Miền Đông chỉ được định giá 60 tỷ, giá trị kinh doanh 9 tỷ đồng. Nhưng khi xác định lại giá trị DN có tính giá trị quyền sử dụng đất thì "vọt" lên 1.121 tỷ đồng và lợi thế kinh doanh 1.052 tỷ.
Theo đoàn giám sát, tổng vốn của gần 4.000 DN đã CPH là 250 nghìn tỷ đồng, trong đó 75 nghìn tỷ là vốn Nhà nước. "Lượng tài sản Nhà nước thu về rất  lớn, có thất thoát nhưng không nhiều. Mặc dù vậy, vẫn còn một số sơ hở của pháp luật dẫn đến trục lợi cá nhân", ông Hiển nhận định.

Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), trước khi giao vốn, nhiều DN đã "pha loãng" phần vốn Nhà nước bằng nhiều hình thức như tăng vốn điều lệ. Những DN ăn nên làm ra tranh thủ bán cổ phần của Nhà nước, thậm chí bán bớt cổ phần để rồi mua lại với giá cao.

Chẳng hạn, Công ty CP Dược Nam Hà tăng vốn điều lệ từ 4,4 tỷ đồng lên 27,3 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ phần của Nhà nước ở Công ty CP Dược Phú Yên giảm từ 52% xuống còn 19,7%. Ở Công ty CP giống cây trồng Thừa Thiên - Huế từ 40% xuống 16%...

Với chức năng đại diện chủ sở hữu, đến hết tháng 6, SCIC đã tiếp nhận 8.035 tỷ đồng vốn Nhà nước từ các DN.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hà, cơ chế quản lý tài chính với phần vốn này đang ngày càng lộ rõ nhiều bất cập.

Chẳng hạn, chưa có quy định rõ ràng về đại diện chủ sở hữu tại các TCT Nhà nước, công ty mẹ. "Như Vietcombank và một số TCT thì giao cho SCIC nhưng Bảo Việt lại bàn giao sang Bộ Tài chính. Chưa kể không ít DN giao về cho SCIC chỉ có vốn vài trăm triệu".

Ông Hà đề xuất, SCIC chỉ nên giữ lại các DN có vốn đầu tư lớn, hiệu quả, còn lại nên thoái đầu tư.

Trước những tranh luận về "bảo toàn vốn", Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi nêu ý kiến: "Quan trọng không phải chỉ là bảo toàn tỷ lệ vốn ban đầu mà là hiệu quả kinh doanh. Một trong những mục tiêu cơ bản của CPH là huy động đóng góp và các nguồn lực xã hội chứ không phải chỉ mỗi việc bảo toàn tài sản Nhà nước".

Định giá đất - địa bàn cho tham nhũng

Định giá tài sản DN gắn với các lợi thế về đất đai, vị trí địa lý, thương hiệu sát thực tế đến đâu để tránh thất thoát vẫn đang là bài toán chưa có lời giải.

Cảnh báo tình trạng giao tài sản NN vào túi một vài cá nhân, ông Phùng Quốc Hiển nói: "Đây là địa bàn thuận lợi cho tham nhũng. Vì vậy cần định giá tài sản, đất đai thật sát, nhất là những DN Nhà nước nắm xương sống".

Kết quả giám sát đã chỉ ra, vì không xác định được lợi thế đất đai nên không chỉ làm giảm giá trị DN, thất thoát tài sản mà còn gây ra khiếu kiện kéo dài.

"85% DN đều chọn thuê đất để không phải xác định giá trị vào tài sản DN", ông Hiển nói.

Tính đến 30/6/2008, đã CPH xong 3.786 DN. Còn 1.720 DN với tổng vốn Nhà nước khoảng 410 nghìn tỷ đồng chưa CPH, chủ yếu là DN lớn, thuộc lĩnh vực độc quyền NN như dầu khí, điện...
Kết quả giám sát của UB này cũng cho thấy do thu hút đầu tư, nhiều nơi quy định giá thấp hơn thị trường ít nhất 30%. Điều này dẫn tới việc ở các thành phố, thị xã có giá trị quyền sử dụng đất cao, đã nảy sinh việc lợi dụng sắp xếp lại đất đai trong CPH để cho thuê giá rẻ rồi đem đi cho thuê lại nhằm trục lợi.

Ngoài ra, do trước kia lợi thế đất đai chưa được đặt ra nên nhiều vị trí "đắc địa" tại các đô thị lớn đã được đem đi cho thuê giá rẻ. Khi vấn đề này được cân nhắc, thì không có DN nào tính toán được với giá đất "thị trường trong điều kiện bình thường", đặc biệt khi thị trường BĐS sôi động, chưa kể còn vướng quy hoạch, bị đình hoãn vô thời hạn, thu hồi.

Không được chuyển nhượng cổ phần ưu đãi

"Chủ trương bán cổ phiếu ưu đãi cho người lao động vừa để họ gắn bó lâu dài với DN, có thu nhập cao hơn vừa để thực hiện quyền làm chủ. Nhưng phần lớn lại bán "lúa non", Thứ trưởng Trần Xuân Hà than.

Thực tế cho thấy, tuy tỷ lệ người lao động chiếm giữ đạt 11% số vốn điều lệ, nhưng đó là thống kê tại thời điểm mua - bán. Ngay sau đó, không có bất kỳ DN nào nắm được chính xác tỉ lệ cổ phần của người lao động trong DN.

Theo ông Hiển, những lao động nghèo, do không đủ tiền mua thường bán lại quyền ưu đãi cho người khác, hoặc mua và chuyển nhượng ngay sau đó để "ăn non".

Ông Đào Trọng Thi nhắc lại đề nghị của UB Tài chính - Ngân sách: "Nên cấm việc chuyển nhượng cổ phần trừ khi nghỉ hưu hoặc chuyển khỏi DN". Phản đối đề xuất này, ông Đặng Như Lợi nói, không thể cấm vì Luật Dân sự cho phép.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước than thở: "Người lao động vẫn chỉ là những người thụ động, cho gì hưởng nấy".

Chưa kể, việc xác định mức giá ưu đãi bằng 60% mức đấu giá bình quân trên sàn giao dịch để bán cho người lao động chưa hợp lý nên khi thị trường chứng khoán sụt giảm đã tác động nghiêm trọng đến túi tiền người dân.

Chẳng hạn với NH Vietcombank, mức đấu giá bình quân trên sàn giao dịch là 100.000 đồng/cp, giá ưu đãi sẽ là 60.000 đồng nhưng đến nay, giá trên sàn của NH này đã tụt còn 44.500 đồng.

Trong khi đó, báo cáo của đoàn UB Tài chính - Ngân sách vẫn nhấn mạnh: "Sau CPH, thu nhập và cổ tức chia cho người lao động đều tăng đáng kể".

  • Lê Nhung