Để sớm có những nông dân chuyên nghiệp
Các Website khác - 20/08/2008

Kéo dài thời gian sử dụng đất, nới lỏng hạn điền và vận hành thị trường quyền sử dụng đất theo cơ chế thị trường. Đây là những thay đổi căn bản để có được những "nông dân chuyên nghiệp", theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn. 

TS. Đặng Kim Sơn: "Giảm bớt rủi ro và tăng thuận lợi về thủ tục cho DN ở nông thôn hấp dẫn hơn là hỗ trợ về vốn và kỹ thuật". Ảnh: LAD

Thu hút nông dân thoát khỏi nông nghiệp

Nghị quyết TƯ 7 về tam nông được đánh giá là mở ra những cơ hội lớn cho nông nghiệp - nông thôn (NNNT). Nhưng đầu tư của doanh nghiệp (DN) dân doanh vào khu vực này chỉ chiếm 13 - 14% và khối FDI mới chiếm 3 - 4% tổng mức đầu tư, phần lớn DN lại tập trung ở đô thị. Vậy theo ông, có hay không tiềm năng thu hút đầu tư để cải thiện bộ mặt nông thôn trong thời gian tới?

- Tiềm năng đầu tư vào khu vực này rất to lớn. Thứ nhất là tiềm năng đất đai, đặc biệt trong bối cảnh lao động đã rút lên thành phố. Thứ hai, nhu cầu về thực phẩm. Gần đây, giá cả trong nước tăng trong khi giá thế giới chưa tăng. Các quốc gia phát triển đã để lại các ngành nghề nông nghiệp cho các nước đang phát triển.

Như vậy, thị trường, nguyên liệu đều đã có, tiềm năng dồi dào. Nhưng tại sao lại chưa phát triển?

Nguyên nhân là do xuất phát điểm thấp, khoa học - công nghệ lạc hậu, sản xuất nhỏ, manh mún trên những diện tích đất chật hẹp, nhiều thành phần những người buôn bán nhỏ, cơ sở hạ tầng kém, điện, nước, giao thông nông thôn khó khăn.

Lao động nông thôn đông, giá rẻ nhưng chất lượng chưa cao, cả về tay nghề, chất lượng và năng lực quản lý, tác phong công nghiệp. Đầu tư vào NNNT lợi nhuận thấp mà rủi ro cao. Vì thế, thời gian qua tuy có nhiều chủ trương, chính sách nhưng phát triển DN ở khu vực này vẫn chưa được như ý muốn.

Vậy chúng ta sẽ phải làm gì để cải thiện tình hình, thưa ông?

- Rất nhiều việc phải làm. Quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng, điện, hệ thống liên lạc, đường giao thông. Ngoài ra, phải tìm cách làm thế nào nâng cao chất lượng lao động nông thôn để đội ngũ này có tay nghề cao, có kỹ năng và cả tác phong công nghiệp.

Lao động rẻ mà chất lượng tốt, trình độ tốt, dịch vụ và cơ sở hạ tầng nông thôn tốt thì định hướng phát triển phi nông nghiệp cũng sẽ rất tốt. Chỉ phát triển các hoạt động phi nông nghiệp ở nông thôn hoặc thu hút nông dân thoát ra khỏi nông nghiệp mới mong cải thiện được đời sống người dân.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thời gian qua, dù kêu gọi tạo điều kiện cho vay vốn nhưng thực ra DN khi đầu tư vào khu vực NNNT vẫn vướng phải nhiều rào cản. Tháo gỡ điều này ra sao?

- Rõ ràng phải thay đổi về thủ tục. Chẳng hạn thủ tục về thế chấp, về lập kế hoạch đầu tư, về giải ngân.

Đa số DN nông thôn sử dụng vốn tự có và vay nội bộ. Tôi cho rằng vốn tự có trong dân vẫn rất nhiều. Điều quan trọng là nâng cao lợi nhuận cho DN ở nông thôn, giảm bớt rủi ro và tăng thuận lợi về thủ tục. Những yếu tố này hấp dẫn hơn là hỗ trợ về vốn và kỹ thuật.

Với vùng sâu, vùng xa, DN còn là cầu nối về khoa học - công nghệ, về quản lý.

Bảo hiểm xã hội cho những người ly nông bất ly hương

Nghị quyết TƯ 7 có nói sẽ đưa tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn dưới 50% lao động xã hội. Vậy theo ông, sắp tới, cơ cấu  lao động nông thôn sẽ thay đổi và chuyển dịch như thế nào?

- Trong tương lai, cơ cấu lao động NNNT có thể chia làm ba nhóm chính. Nhóm thứ nhất gồm những người sản xuất giỏi, tập trung làm các trang trại, mở rộng quy mô sản xuất. Họ là những nông dân chuyên nghiệp, không phải "con trâu đi trước, cái cày theo sau" mà là những người có đầu óc kinh doanh tốt, áp dụng công nghệ và gắn chặt với thị trường.

Thứ hai, nhóm những người làm công nghiệp và làm dịch vụ - những người đã rời khỏi nông thôn. Họ cần được đào tạo tay nghề tốt và cần được đưa vào các công đoàn để có người hướng dẫn, không bị thiệt thòi.

Thứ ba, nhóm ly nông bất ly hương - những người vẫn sống ở nông thôn, đi làm có thời vụ nhưng làm phi nông nghiệp. Đối tượng này cũng phải được hỗ trợ vốn, đào tạo tay nghề, được cung cấp thông tin, để đảm bảo giảm bớt rủi ro và được hỗ trợ các chế độ bảo hiểm xã hội.

Nhưng sẽ khó có được những nông dân chuyên nghiệp nếu vẫn tiếp tục duy trì hình thức sử hữu đất đai nhỏ lẻ như hiện nay?

- Hiện đang điều tiết lại đất đai theo hướng phân loại và tích tụ đất đai. Nghị quyết TƯ 7 vừa qua đã có những thay đổi rất căn bản.

Đó là sẽ kéo dài thời gian sử dụng đất, nới lỏng hạn điền và vận hành thị trường quyền sử dụng đất theo cơ chế thị trường, tạo điều kiện cho giá đất thống nhất đúng quan hệ cung - cầu và tạo điều kiện chuyển từ mục đích sử dụng này sang mục đích sử dụng khác.

Nghị quyết TƯ 7 cũng nói bắt đầu từ 2009 sẽ tăng mạnh đầu tư ngân sách nhà nước và đảm bảo 5 năm sau cao gấp đôi 5 năm trước. Chủ trương này sẽ mở ra những cơ hội như thế nào?

- Đây là vốn đầu tư công, vốn từ ngân sách nhà nước. Nhưng điều chúng ta đang làm là hoàn thiện cả một hệ thống chính sách như xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo lao động nông thôn...

Những việc làm này sẽ tạo điều kiện để thu hút mọi nguồn lực, kể cả đầu tư nước ngoài. Và nguồn vốn này mới chính là nguồn vốn lớn nhất, lớn hơn nhiều so với nguồn vốn "mồi" của nhà nước.

Tính đến 1/1/2007, tổng số DN đang hoạt động tại khu vực nông thôn chiếm 30% DN toàn quốc (tương đương 39.414 DN). Trong đó, DN vừa và nhỏ chiếm 96,9%.

Vào thời điểm đó, khu vực NNNT thu hút 2,1 triệu lao động, tăng 16,5% so với 2006 và 29% so với 2005. Bình quân tăng 236.000 người/năm.

(Tổng cục Thống kê)

  • Lê Nhung