Tiến độ tiêm vaccine phòng bệnh cho gia cầm cần nhanh hơn
Các Website khác - 03/10/2005
28 tỉnh, thành đang triển khai tiêm vaccine phòng cúm gia cầm đại trà đợt 1. Tuy nhiên, lượng vaccine còn thiếu so với nhu cầu.
Ở Việt Nam, hai năm qua, bệnh cúm gia cầm đã trở thành dịch. Mầm bệnh tồn lưu trong đàn gia cầm và môi trường rất cao, là nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trên phạm vi rộng, nhất là vào các tháng mùa đông. Trước tình hình này, việc sử dụng vaccine cúm gia cầm chính là một biện pháp quan trọng trong các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Mục tiêu của việc tiêm phòng là nhằm giảm đến mức thấp nhất sự phát tán virus từ gia cầm ra môi trường, hạn chế sự lây lan của mầm bệnh, ngăn chặn gia cầm nhiễm virus rồi bùng phát thành dịch, góp phần khống chế thành công dịch cúm gia cầm chủng độc lực cao H5N1, tiến tới thanh toán dịch trên toàn quốc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngày 12-7, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 25 chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính và các bộ, ban ngành hữu quan phối hợp triển khai tiêm vaccine phòng dịch cúm gia cầm mở rộng trong cả nước. Ðối tượng gia cầm trong diện tiêm phòng là gà giống; gà trứng thương phẩm, gà thịt được nuôi từ 70 ngày trở lên, ở mọi loại hình chăn nuôi; gà chọi; vịt giống, vịt đẻ trứng thương phẩm, vịt thịt được nuôi từ 70 ngày trở lên và ngỗng. Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 47 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có nguy cơ cao, bắt buộc tiêm phòng trên toàn bộ địa bàn. Những tỉnh còn lại, chỉ tiêm ở nơi có nguy cơ cao là vùng chung quanh thành phố, thị xã, ven đường giao thông chính, vùng có ổ dịch cúm gia cầm cũ, vùng có mật độ chăn nuôi cao. Trong tháng 9, 15 tỉnh, thành phố triển khai tiêm đại trà đợt 1, các tỉnh còn lại bắt đầu từ tháng 10 và hoàn thành hai mũi tiêm trước ngày 15-11, bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo tiến sĩ Bùi Quang Anh, Cục trưởng Thú y, hiện nay, ngoài hai tỉnh tiêm phòng thí điểm là Tiền Giang, Nam Ðịnh đã cơ bản hoàn thành hai đợt tiêm phòng đại trà, 28 tỉnh, trong đó phần lớn các tỉnh đang triển khai tiêm đại trà đợt 1. Tại một số tỉnh ở đồng bằng sông Hồng, "chiến dịch" tiêm phòng cúm gia cầm đã được sự quan tâm sát sao của địa phương. Nhiều tỉnh coi việc triển khai tiêm vaccine phòng bệnh cúm gia cầm là nhiệm vụ trọng tâm, tích cực xây dựng kế hoạch, chuẩn bị chu đáo lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất cho đợt tiêm phòng. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về ý nghĩa cũng như tính cấp bách của việc tiêm phòng. Nhìn chung, nhân dân đã hợp tác, hưởng ứng và tin tưởng vào kết quả tiêm phòng vaccine cúm gia cầm.

Tuy nhiên, vẫn có một số địa phương chưa thực hiện triệt để, thậm chí chưa phê duyệt kế hoạch tiêm phòng của tỉnh. Phần lớn các tỉnh gặp khó khăn về tài chính. Mặt khác, những ngày qua xuất hiện lũ ở các tỉnh phía nam, bão ở các tỉnh phía bắc đã ảnh hưởng tiến độ tiêm phòng...

Vấn đề khác là số lượng vaccine nhập về chậm so với kế hoạch, thiếu so với nhu cầu của địa phương. Những tỉnh dự kiến tiêm vaccine đợt 1 trong tháng 10 sẽ phải lùi 2-3 tuần so với kế hoạch. Chính vì vậy, để việc tiêm vaccine phòng cúm gia cầm đạt được mục tiêu, thời hạn đặt ra, đồng thời bảo đảm chất lượng tiêm phòng (tiêm nhắc lại lần hai, cách nhau 28 ngày và tiêm bổ sung), các cơ quan có trách nhiệm phải cung ứng kịp thời số lượng vaccine, bảo đảm chất lượng tốt cho các địa phương triển khai tiêm phòng đúng tiến độ. Ngành thú y và các cơ quan hữu quan tăng cường hợp tác, chuẩn bị chu đáo về lực lượng, cơ sở vật chất, nhằm nhanh chóng triển khai tiêm ngay khi có đủ vaccine. Cũng cần lưu ý rằng, các địa phương cần triển khai đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học khác như vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường, tổ chức tốt việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm và quy hoạch lại chăn nuôi gia cầm... và như thế, chiến dịch tiêm vaccine mở rộng trên toàn quốc mới có hiệu quả.

Vaccine sử dụng ở nước ta chủ yếu là vaccine nhũ hóa nhập từ Trung Quốc (chủng H5N1 và H5N2), số ít là vaccine của hãng INTERVET (Hà Lan). Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng bộ môn virus (Viện Thú y): "Trong vaccine có những thành phần có thể gây hại cho người tiêu dùng khi họ ăn thịt gia cầm vừa được tiêm vaccine. Chính vì thế, cần có thời gian nhất định để thành phần thuốc phân hủy hết. Theo quan điểm chung của quốc tế thì thời gian cần thiết để thuốc phân hủy là 28 ngày sau khi tiêm vaccine". Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo tiêm phòng các cấp phối hợp cán bộ thú y phải có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn người chăn nuôi giám sát đàn gia cầm sau khi tiêm.

Gia cầm đưa vào buôn bán phải là gia cầm không thuộc diện tiêm vaccine cúm (có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn) hoặc gia cầm đã tiêm vaccine cúm trước đó từ 28 ngày trở lên. Không được giết mổ gia cầm và sử dụng thịt gia cầm sau khi tiêm phòng trong vòng 28 ngày. Ðể tránh mua nhầm sản phẩm gia cầm không an toàn, người tiêu dùng nên mua thịt gia cầm đã qua giết mổ, có sự kiểm soát của cơ quan thú y. Không mua gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ hay tại những địa điểm trái phép (chợ cóc, chợ tạm...). Thân thịt gia cầm tươi sống phải có dấu kiểm soát giết mổ, hoặc tem kiểm tra vệ sinh thú y; ấn tay có độ đàn hồi, có mầu sắc tươi hồng tự nhiên, không nhuộm, không nhiễm bẩn, không có các vết bầm dập, lở loét... Xem kỹ phần cơ ngực (cơ lưỡi hái) và vị trí một phần ba phía dưới, mặt sau của cổ gia cầm, nếu phát hiện vết kim tiêm hoặc sờ nắn thấy chai cứng cục bộ, thì không nên sử dụng. Trứng của gia cầm đã tiêm vaccine vẫn sử dụng được, nhưng phải nấu chín.

HẢI PHƯƠNG