SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN Tăng trưởng phải có "lãi"
Đình Chúc 8,9% - một chỉ số tăng trưởng GDP chưa từng có trong nhiều quý của nhiều năm trở lại đây. Vậy mà quý III vừa rồi, chúng ta đã đạt được đích ấy. Con số này đã góp phần đưa chỉ số tăng trưởng GDP 9 tháng qua lên 8,1% - cũng là con số hiếm có so với cùng kỳ của nhiều năm. Những con số trên càng có ý nghĩa, khi nó đạt được trong cơn bão giá dầu thế giới, trong sự gia tăng của hàng loạt nguyên liệu đầu vào, cùng sự gia tăng áp lực cạnh tranh trong bối cảnh tự do hoá thương mại toàn cầu.
Song những con số này không làm các thành viên Chính phủ chủ quan và thoả mãn. Tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Phan Văn Khải đã tỏ ra lo lắng về chất lượng của sự phát triển và Thủ tướng khẳng định: Chất lượng phát triển là vấn đề sống còn của đất nước. Nhiều kinh tế gia nước ngoài nhận xét: Giá trị gia tăng trên một đồng vốn đầu tư của VN còn thấp. Còn chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cho rằng: Nhiều lĩnh vực kinh tế nói là tăng trưởng, nhưng thực chất không có lãi! Những nhận xét trên có thể đúng hoặc gần đúng ở những ngành kinh tế mũi nhọn. Mặc dù tốc độ sản xuất công nghiệp tăng tới 16,5% - gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP, nhưng chính người đứng đầu bộ này - ông Hoàng Trung Hải - cũng phải thẳng thắn thừa nhận là "giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm còn thấp". Để làm ra một sản phẩm, chúng ta còn chi phí quá lớn cho đầu vào, từ năng lượng, nhiên liệu, nguyên vật liệu đến đủ các loại "phụ phí" khác. Hậu quả là sản phẩm cạnh tranh rất yếu, không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà yếu ngay trên thị trường nội địa.
Hoặc như lĩnh vực xuất khẩu, con số 23,5 tỉ USD đạt được trong 9 tháng qua thoạt nghe thì rất to, nhưng giá trị đích thực mang về cho đất nước không tương xứng, khi biết những mũi nhọn xuất khẩu vẫn nặng về "lấy công làm lãi" như dệt may, da giày, hoặc những mặt hàng "của nhà trồng được" như lúa gạo, caosu, càphê, hạt tiêu, hạt điều, thuỷ sản... hầu hết vẫn là xuất thô, sơ chế (nên mới có chuyện xuất tới cả triệu tấn càphê mà ngoại tệ thu về không bằng doanh thu một hãng điện tử hạng trung ở Đông Nam AÁ). Ngay cả những mặt hàng có hơi hướng hàm lượng chất xám như điện tử, máy tính, xe đạp, xe máy, ôtô... cũng vẫn rất nặng về lắp ráp, gia công.
Không phải ngẫu nhiên mà cuối tháng 9 vừa qua, Diễn đàn Kinh tế thế giới mặc dù ghi nhận sự tăng trưởng khá cao của các chỉ tiêu kinh tế, nhưng vẫn quyết định đánh tụt khả năng cạnh tranh của nền kinh tế VN tới 4 bậc. Và dù có một số lý do khách quan thì vị trí trên của VN đã không được cải thiện trong nhiều năm. Tăng trưởng kinh tế bao hàm cả tăng trưởng về lượng lẫn chất. Tuy nhiên, tăng "lượng" đang là mục tiêu được không ít ngành, địa phương và cả các DN đeo đuổi nhiều hơn - một biểu hiện nặng nề của căn bệnh thành tích. Nhưng - như TS Lê Đăng Doanh đã nói "tăng trưởng phải có lãi" - lãi ở đây không phải hiểu như kiểu "đi buôn phải có lãi", song dứt khoát tăng trưởng phải lành mạnh và đặc biệt hàm lượng giá trị tăng thêm phải cao. |