Tiêu thụ gia cầm trong thời gian còn dịch
Các Website khác - 15/12/2005
Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã "bật đèn xanh" cho tiêu thụ gia cầm sạch, nhưng do lực lượng kiểm dịch giữ trọng trách xác định gia cầm sạch còn quá mỏng, dẫn đến thị trường bị bỏ ngỏ, và nhiều hộ chăn nuôi vẫn muốn tiêu hủy gia cầm sạch.
Thị trường gia cầm sau một thời gian gián đoạn nay đang khởi động trở lại do nhiều địa phương và doanh nghiệp đã và đang tích cực tìm biện pháp giết mổ, tiêu thụ gia cầm sạch, bảo đảm an toàn. Ðây là dấu hiệu đáng mừng góp phần giúp người sản xuất tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Song, khác với thời điểm trước khi có dịch, việc giết mổ gia cầm hiện nay không theo kiểu tùy tiện "mạnh ai nấy làm" như trước đây, mà hầu hết được tiến hành tại các cơ sở tập trung theo quy trình khoa học bảo đảm vệ sinh. Gia cầm trước khi giết mổ được cơ quan thú y kiểm tra về nguồn gốc, bảo đảm sạch bệnh, sản phẩm sau giết mổ được bao gói và đóng dấu của cơ quan chức năng.

Ðiều đáng khuyến khích hơn, ở chỗ không ít mô hình khép kín từ khâu chọn giống, chăn nuôi đến khâu kiểm dịch, giết mổ gia cầm đều qua những quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đang xuất hiện, xóa bỏ tâm lý "sợ" thịt gia cầm, đem lại sự hồ hởi cho đông đảo người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong thời điểm này, mặc dù nhiều địa phương trên cả nước được xóa tên khỏi bản đồ dịch cúm gia cầm, nhưng vẫn còn một số nơi phát sinh ổ dịch mới hoặc tái phát dịch cúm gia cầm. Do đó, tiêu thụ gia cầm lúc này nhất thiết phải đi đôi với công tác phòng, chống dịch để bảo vệ đàn gia cầm, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Tìm hiểu một số cơ sở giết mổ và kinh doanh thịt gia cầm trong thời gian gần đây chúng tôi được biết hầu hết các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung được cơ quan chức năng cấp phép đều tổ chức thu mua gia cầm sạch, thực hiện giết mổ bảo đảm vệ sinh, an toàn.

Những chuyển biến theo hướng tích cực này đang gây lại thói quen dùng thịt gia cầm của nhiều người, giảm sự mất cân đối thực phẩm trên thị trường. Nhưng bên cạnh các doanh nghiệp tiêu thụ gia cầm tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng đã lại xuất hiện (tuy chưa nhiều) hành vi gian dối, lợi dụng kẽ hở của chủ trương tiêu thụ gia cầm sạch, lén lút giết mổ, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, không bảo đảm chất lượng, thậm chí sử dụng quay vòng giấy chứng nhận kiểm dịch.

Ở các vùng không có dịch, do địa phương chậm triển khai các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, cho nên người dân phải tự tiêu thụ sản phẩm bằng cách vẫn mua, bán gia cầm sống hoặc giết mổ thủ công nhỏ lẻ. Nếu để tình trạng này diễn ra tràn lan, nguy cơ xảy ra dịch ở những nơi đó là khó tránh khỏi, ảnh hưởng những cố gắng của cộng đồng hiện nay về phòng chống dịch cúm gia cầm. Với hơn 200 triệu con gia cầm sạch hiện nay đang cần các giải pháp tiêu thụ hợp lý để phục hồi thị trường và giảm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng là rất cần thiết.

Dư luận cho rằng, từ sau khi cơ quan quản lý nhà nước "bật đèn xanh" cho tiêu thụ gia cầm sạch, đến nay khá nhiều địa phương vẫn còn lúng túng chưa tìm được cách tháo gỡ; các cơ quan chức năng cũng chưa thống nhất ý kiến chỉ đạo; lực lượng kiểm dịch giữ trọng trách xác định gia cầm sạch còn quá mỏng và bất cập làm thị trường bị bỏ ngỏ, dẫn đến nhiều hộ chăn nuôi vẫn muốn tiêu hủy gia cầm sạch.

Ðứng ở góc độ người tiêu dùng, chúng tôi cho rằng cố gắng của các doanh nghiệp, các địa phương thời gian gần đây để có được các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng tại thời điểm có dịch là rất đáng hoan nghênh, cần được nhân rộng. Ðây cũng là những hướng cần đạt tới trong tương lai cho ngành chăn nuôi gia cầm. Nhưng, trước mắt không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ kinh phí để xây dựng cơ sở giết mổ gia cầm như vậy, cho nên cần được hỗ trợ ở giai đoạn đầu. Tại những vùng không có dịch, gia cầm được tiêm phòng đủ thời gian cần thiết cũng không nên để tái diễn thói quen giết mổ gia cầm tùy tiện, nhỏ lẻ, phân tán mà nên sớm đầu tư xây dựng nơi giết mổ tập trung để thực hiện kiểm tra "đầu vào" và "đầu ra" của sản phẩm, và xử lý nguồn nước thải ra từ khâu giết mổ này. Ðồng thời, cải tiến công tác kiểm soát, vận chuyển gia cầm không để tình trạng "nhập nhèm" đưa gia cầm vùng dịch vào nơi không có dịch.

HẠNH NGÔN