Tổ chức giao thông Hà Nội cần hợp lý hơn
Các Website khác - 12/01/2006
Theo bạn đọc Nguyễn Thành Lập (Hà Nội), TP Hà Nội nên tổ chức lại một số nút giao thông hợp lý hơn để tránh ùn tắc.

Năm 2005 vừa qua, Hà Nội đã tổ chức giao thông phù hợp để hạn chế tắc đường và giảm tai nạn xe cộ. Thành phố đã quy định thêm nhiều đoạn đường một chiều trên các tuyến phố như Ngô Quyền, Quang Trung, Phan Chu Trinh... Ðặc biệt cuối năm, thành phố đã sửa lại việc ngừng đăng ký, sử dụng mô-tô, xe gắn máy của nhân dân các quận nội thành.

Tuy nhiên, để hạn chế tắc đường và tai nạn xe cộ ở mức thấp nhất, trong điều kiện chỉ có xe buýt là phương tiện giao thông công cộng; cho dù thành phố đã đầu tư những dự án cầu cạn, cầu vượt "đồ sộ", nhưng lại triển khai xây dựng "nửa vời", vì tất cả các làn xe rẽ trái, cùng một số làn xe đi thẳng theo chiều đường Trường Chinh - Ðại La (tại ngã Tư Vọng); theo chiều đường Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy (tại ngã tư Phạm Văn Ðồng - Hồ Tùng Mậu) lưu thông trong giờ cao điểm vẫn rất khó khăn do giao cắt đồng mức; cho nên việc tổ chức giao thông Hà Nội cần hợp lý hơn nữa, chẳng hạn về ba việc sau đây:

Một là, lẽ ra có thể cho người điều khiển mô-tô, xe gắn máy hai bánh vào cầu Long Biên từ mấy năm nay, mà không sợ "gãy cầu"; nhưng thời gian qua cơ quan hữu trách vẫn do dự. Ðến năm 2006, tiếp tục đề nghị thành phố, Bộ Giao thông vận tải (cơ quan quản lý cầu Long Biên) xúc tiến việc cho các phương tiện này qua cầu từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Tuất.

Hai là, giờ cao điểm ở một số đoạn đường một chiều trên các tuyến phố Lê Duẩn, Ðội Cấn, Hoàng Hoa Thám... không thể chỉ áp dụng riêng đối với ô-tô như hiện nay; mà cả mô-tô, xe gắn máy hai bánh và xe đạp cũng phải thực hiện mới đỡ tắc đường. Như vậy, sẽ dùng loại biển báo hiệu thay đổi theo thời gian như một số nước ngoài (cấm tất cả các phương tiện đi ngược chiều trong giờ cao điểm; giờ bình thường chỉ cấm ô-tô đi ngược chiều).

Ba là, đèn tín hiệu quá "hoành tráng" và lãng phí tại một số vị trí, giao lộ; trong khi đó không ít giao lộ khác đang cần đèn tín hiệu thì lại chưa có. Thí dụ ngã ba Phạm Văn Ðồng - Hoàng Quốc Việt, bố trí đảo nhỏ ở trung tâm không phù hợp mật độ phương tiện, cho nên thường ứ đọng xe, nhất là xe trên đường lên sân bay Nội Bài. Ðề nghị Sở Giao thông công chính Hà Nội lắp đặt đèn tín hiệu thay thế đảo trung tâm tại ngã ba này. Ngoài ra, vẫn còn một vài giao lộ tổ chức giao thông hỗn hợp giữa đảo trung tâm và đèn tín hiệu là chưa khoa học; cần chọn đèn thì bỏ đảo trung tâm, hoặc ngược lại.

NGUYỄN THÀNH LẬP
(Hà Nội)