SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN Trả lại Caesar
Lưu Quang Ngày 9.1, trong một cuộc làm việc với Thủ tướng, lần đầu tiên, Bộ Giáo dục - Đào tạo chính thức đề nghị xoá bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các trường đại học. Đây là một quyết định mà trong và ngoài giới giáo dục mong đợi từ lâu. Đa số cho rằng đây sẽ là một sự thay đổi có tính đột phá của nền giáo dục nước nhà năm 2006.
Đã từ lâu nay, cơ chế bộ chủ quản - bao gồm một hệ thống dằng dịt các quy định về công tác quản lý trực tiếp của các bộ, ngành, địa phương đối với những cơ sở giáo dục đào tạo thuộc bộ, ngành, địa phương đó - thực sự là "chiếc vòng kim cô" kìm hãm sự phát triển. Thật khó hình dung Harvard, Cambridge, Sorbonne... - những trường đại học nổi tiếng của thế giới - lại phải chịu sự quản lý, phải xin ý kiến, chờ phê duyệt của "cấp trên" về những vấn đề như chương trình đào tạo, kinh phí, nhân sự... Mỗi trường đại học này là một thiết chế hoàn chỉnh và có tính chủ động, tự chịu trách nhiệm rất cao. Trách nhiệm cao nhất của các cơ sở đào tạo này là trách nhiệm trước Hiến pháp, trước xã hội về những con người - sản phẩm mà họ đào tạo ra. Nhưng ở ta thì khác. Theo số liệu, hiện có tới 73 trường đại học công lập (chưa kể các trường quân đội, công an) phải chịu sự quản lý của 15 bộ, ngành và 6 tỉnh, thành phố. Trong số đó, Bộ Giáo dục - Đào tạo quản lý nhiều nhất (33 trường), tiếp theo là Bộ Y tế (8 trường), Bộ Văn hoá - Thông tin (6 trường), Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Nông nghiệp và PTNT... Sự quản lý của các cơ quan chủ quản tưởng như chặt chẽ nhưng lại rất lỏng lẻo, mơ hồ. Như nhận xét của chính Bộ Giáo dục - Đào tạo, trong nhiều công việc, cơ quan chủ quản trở thành một phần tử trung gian gây lãng phí thời gian, tiền của, sức cạnh tranh. Cơ chế chủ quản tạo nên tính khép kín, cát cứ, cục bộ, khiến các trường lâu ngày trở nên thụ động, ỉ lại, và một hệ quả tất yếu là chất lượng đào tạo ngày càng tụt hậu...
Không chỉ riêng trong giáo dục, cơ chế chủ quản còn kìm hãm bước tiến của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác trong công cuộc đổi mới của chúng ta. Những năm gần đây, việc xoá bỏ cơ chế chủ quản cũng đã được đặt ra một cách gay gắt trong công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải và nhiều ngành kinh tế khác. Nhưng tuyên bố thì nhiều mà thực hiện chưa được bao nhiêu, bởi ai cũng hiểu đi kèm cơ chế chủ quản là những quyền lợi mà người ta không dễ dàng từ bỏ. Những thiệt hại do cơ chế chủ quản gây ra trong lĩnh vực kinh tế tuy lớn, nhưng còn có thể tính được. Còn trong giáo dục và đào tạo, chúng thật khó cân đong đo đếm bởi ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng con người, đến tương lai.
Từ tuyên bố của Bộ Giáo dục - Đào tạo cho đến việc xoá bỏ hoàn toàn cơ chế chủ quản trong các trường đại học trên thực tế là cả một con đường đầy gian nan, đòi hỏi quyết tâm và những biện pháp cụ thể, hiệu quả. Nhưng khó mấy cũng phải làm. Hãy trả lại cho các trường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Cái gì của Caesar phải trả lại Caesar! |