Họ đều là những người hiền lành, bình thường vẫn cắn răng chịu đựng nhưng khi sự chịu đựng vượt quá giới hạn, người bố vợ trong câu chuyện kể trên hay những chị em có hoàn cảnh tương tự đã có những hành động không thể kiểm soát như đâm chém, sát hại chính người thân trong gia đình. Những vụ án kiểu như vậy, đáng tiếc thay, không phải quá hiếm hoi.
![]() |
Ảnh minh họa |
Những bi kịch gia đình
Ngày 16/5, Công an Q.Gò Vấp (TP.HCM) đã tạm giữ hình sự ông Nguyễn Văn Nam (58 tuổi, ngụ P.13, Q.Gò Vấp) để điều tra về hành vi giết người
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 16 giờ 30 ngày 14/5, anh Tôn Thanh Việt (34 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM), con rể ông Nam, đi nhậu về rồi đứng trước nhà chửi bới gia đình vợ.
Lúc này, thấy chị Ng.D.(29 tuổi, em vợ Việt) đi làm về. Việt tiến tới xô ngã chị D. Bực tức, vì hành động của con rể, ông Nam từ trong nhà cầm con dao phay xông ra chém nhiều nhát vào đầu, vai khiến Việt tử vong. Sau đó, ông Nam dùng xe máy chở xác Việt đến trụ sở công an phường đầu thú. Qua lời kể của các nhân chứng cũng như người nhà ông Nam, Việt thường xuyên đánh đập vợ cũng như gây gổ với gia đình. Ông Nam và gia đình đã nhiều lần phải quỳ xuống cầu xin Việt. Sự việc ngày 14/5 là “tức nước vỡ bờ.”
Câu chuyện của bà Trương Thị Bài (Nghệ An) cũng chứa nhiều nỗi đau bạo lực lực gia đình. Suốt 12 năm, bà Bài bị chồng chửi bới, đánh đập. Nhiều lần mẹ con bà phải sang nhà hàng xóm xin ngủ nhờ. Nhưng chồng bà lại sang chửi hàng xóm khiến họ không dám chứa bà nữa.
Một hôm giáp Tết, ông chồng say rượu về tiếp tục chửi vợ, bắt cả nhà ngày 30 và sáng mùng một Tết cũng phải đi làm, "nếu không sẽ chém ra 8 nhát". Sau đó ông đuổi đánh vợ con khiến họ phải chạy trốn xuống nhà nuôi gà để ngủ. Việc bạo hành diễn ra liên tục cho đến khi không chịu được, bà Bài thấy một con dao để dưới đầu giường liền với lấy và chém nhiều nhát vào đầu ông Toàn. Bà Bài nói với con trai 11 tuổi:"Không giết được cha mi lần sau tau không yên".
Tại phiên tòa phúc thẩm, những dự khán phiên tòa cũng không cầm được nước mắt khi nghe cáo trạng nhắc lại những ngày tháng thủ phạm bị nạn nhân đánh đập, hành hạ. Phiên tòa phúc thẩm năm 2014 đã giảm án cho bà Bài từ 4 năm tù về tội "Giết người" xuống 3 năm tù về tội "Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh".
Cùng bi kịch như bà Bài, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (Khánh Hòa) thường xuyên bị chồng chửi bới, đánh đập suốt nhiều năm. Ra ở riêng chồng lại mò đến đánh chửi và nhấn đầu bà xuống ao nước. Bà Thúy cầm dao cảnh cáo nhưng ông này vẫn thách thức và lao về phía bà đòi đánh tiếp. Bà Thúy đã đâm vào ngực chồng khiến ông này tử vong.
Trường hợp chị Lô Thị Hà, Nghệ An thì là ví dụ điển hình chuyện vợ đâm chết chồng vì bị ép quan hệ tình dục. Câu chuyện bắt đầu chỉ là anh chồng đêm đi làm về đòi quan hệ bị vợ từ chối. Một lúc sau, vợ rủ chồng ra ruộng cách nhà để bẻ ngô nhưng thấy ngô còn quá nhỏ chưa bẻ được nên quay về. Thấy vợ quay về, anh chồng lại ngỏ ý đòi quan hệ ngay tại ruộng ngô thì bị vợ tiếp tục từ chối. Lúc này, không cần sự đồng ý của vợ, anh chồng lên tiếng dọa nạt và khống chế vợ mình.
Sau ít phút xô xát, chị vợ cướp lại được con dao nên lao đến chém nhiều nhát vào đầu, mặt và gáy chồng mình. Khi thấy chồng ngất lịm đi, chị nghĩ chồng đã chết nên kéo anh xuống cống nhằm che giấu. May mắn sau đó, anh chồng tỉnh lại bò về nhà và được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng bị thương khá nặng. Chị vợ đã đi đầu thú và nguyên cớ dẫn đến hành vi tội ác đó là do chị đã phải chịu đựng ông chồng hay rượu chè, mỗi lần say lại về nhà hạch sách, chửi bới vợ con và cưỡng bức vợ trong thời gian dài.
Còn tại Phú Thọ, chị Nguyễn Thị Hương Lan đã dùng gậy đập liên tục vào đầu, mặt chồng cho đến khi nạn nhân nằm gục xuống vì bị đòi yêu 3 lần/đêm. Theo lời kể của chị vợ, anh chồng đã hành hạ chị suốt đêm trong khi chị không muốn. Trong lúc bực tức vì chồng bắt phải thực hiện các tư thế “lạ”, chị vợ đã vớ cây gậy đập liên tục vào đầu, mặt chồng cho đến khi nạn nhân nằm gục xuống nền nhà. Anh chồng được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng sau đó đã tử vong.
Vì đâu nên nỗi?
Theo Điều tra Quốc gia về Bạo lực Gia đình được tiến hành năm 2010 tại Việt Nam, 58% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thể chất, tình dục và tinh thần từ người thân tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ; 87% cho biết họ đã bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng; 10% cho biết họ đã bị bạn tình của họ cưỡng ép tình dục.
Mới đây nhất, Tổng cục Thống kê (GSO) Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã công bố Báo cáo Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam (MICS Việt Nam 2014). Báo cáo MICS 2014 đánh giá thái độ của phụ nữ độ tuổi 15-49 đối với việc bị bạo hành trong gia đình bằng cách đặt câu hỏi liệu người chồng có lí do hợp lý để hành hạ vợ trong các tình huống khác nhau. Kết quả khảo sát cho thấy 50% phụ nữ cho rằng người chồng có đủ lý do hợp lý làm điều này, phổ biến hơn ở những hộ gia đình nghèo và phụ nữ có trình độ giáo dục thấp.
Theo các chuyên gia xã hội học, bạo lực gia đình xuất phát từ hành vi và thái độ kéo dài hàng thế kỷ của xã hội mà trong đó phụ nữ bị cho là thấp kém hơn đàn ông và so với đàn ông thì họ không xứng đáng để kiểm soát cuộc sống của chính họ hay đưa ra các quyết định. Bạo lực đối với phụ nữ thường bị coi nhẹ như thể đó là điều hết sức bình thường trong xã hội, ngay cả đối với chính những nạn nhân bị bạo lực.
Bạo lực gia đình, nhất là bạo lực tình dục lại thường bị che dấu vì phụ nữ cho rằng chẳng hay ho gì, họ cảm thấy xấu hổ khi nói ra chuyện này. Vì vậy trên thực tế những vụ bạo lực bạo lực gia đình rất ít khi được người xung quanh phát hiện.
Không chỉ trong gia đình, các nạn nhân cũng gặp không ít trở ngại khi tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Khi nạn nhân đến báo tin cho chính quyền địa phương về tình trạng bạo lực họ đang phải chịu, thường thì những khiếu nại hoặc đề nghị của họ không được coi trọng. Trong những trường hợp này, thái độ phản ứng của chính quyền địa phương phản ánh quan niệm truyền thống, họ chỉ miễn cưỡng can thiệp khi bạo lực xảy ra, vì cho rằng đây là vấn đề nội bộ trong gia đình, người ngoài không nên can thiệp.
Hiện nay, quan điểm và nhận thức của chị em về vấn đề bạo lực tình dục, sức khỏe tình dục hiện nay nói chung còn rất hạn chế. Đây chính là vấn đề lớn khiến chị em chấp nhận sống chung với bạo lực và thường xuyên có xu thế cam chịu và “nhịn” không thì “xấu chàng hổ ai”.
Quyền của phụ nữ và quyền được bảo vệ!
“Khi và chỉ khi người ta hiểu thế nào là bạo lực gia đình, bạo lực tình dục, hiểu về quyền tự bảo vệ, quyền của con người không bị xúc phạm đe dọa thì lúc đó phòng chống bạo lực gia đình song hành bình đẳng giới sẽ có hiệu quả”.
Đó là chia sẻ của ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trong một cuộc Hội thảo về chống bạo lực với phụ nữ cuối năm 2015. Ông Hoa Hữu Vân cho biết, nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực tình dục vẫn chưa được xem là đối tượng trợ giúp pháp lý miễn phí theo Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành.
Đồng thời, do lối sống, văn hóa của người Việt Nam, người phụ nữ nói chung và nạn nhân của bạo lực nói riêng vẫn chưa hiểu được quyền của mình là quyền được bảo vệ . Bởi vậy họ ít tiếp cận đến những phương tiện hoặc dịch vụ trợ giúp pháp lý có thể đứng lên tố cáo.
Bên cạnh đó, về góc độ quản lý nhà nước, hiện Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình chưa "công bằng" trong việc xử lý các vi phạm hành chính về phòng chống bạo lực gia đình bởi đã tước bỏ một số những quy định liên quan đến bạo lực tình dục.
Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình cho rằng, nên ban hành nghị định riêng về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bạo lực, có quy định riêng về tình dục đối với phụ nữ. Bên cạnh đó cần mở rộng khái niệm về các tội bạo lực tình dục; bổ sung các hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi này…
Một cái không mới, không cũ là vấn đề truyền thông. Cần truyền thông để phụ nữ hiểu được thế nào là bạo lực gia đình, bạo lực tình dục, biết tự đứng lên bảo vệ mình và người thân trong gia đình. Và quan trọng nhất, chị em đừng cam chịu bạo hành để rồi khi không kiềm chế được sẽ lại xảy ra những câu chuyện đau lòng.
▪ Ông Tây dọn mương: Tôi làm vì muốn nó sạch hơn, chứ không quan tâm ai đã đổ rác hay công sức thuộc về ai! (17/05/2016)
▪ Trạm sạc xe điện miễn phí ở Hà Nội (17/05/2016)
▪ Ghi ở nơi bỏ phiếu “đặc biệt” trước ngày bầu cử (16/05/2016)
▪ Di nguyện của nam thanh niên gom ve chai chết tức tưởi (14/05/2016)
▪ Bộ trưởng y tế trị “cò” bệnh viện (13/05/2016)
▪ Ngôi làng ở Tây Ninh, nơi những đứa trẻ không được thừa nhận (12/05/2016)
▪ Qua Facebook, một người Anh có nhóm máu hiếm hiến máu cứu người (10/05/2016)
▪ Nhức nhối nạn buôn bán người ở Mường Chà (10/05/2016)
▪ Formosa đã nhập 384 tấn hóa chất và đã sử dụng 51 tấn (06/05/2016)
▪ Tường trình từ nơi “chỉ có đám ma, hiếm khi có đám cưới” (06/05/2016)