Việt Nam- kỷ nguyên mới, vị thế mới
Các Website khác - 02/09/2005
Có mặt ở Việt Nam những ngày đất nước ta tưng bừng kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, rất nhiều bạn bè quốc tế đã  bày tỏ niềm khâm phục thành tựu mà nhân dân ta thu được trong công cuộc đổi mới. Dưới đây là trả lời phỏng vấn nhanh của một số đại biểu quốc tế dành cho phóng viên báo Nhân Dân.
Việt Nam có vai trò quan trọng trong gia đình ASEAN
(Tổng Thư ký ASEAN Ong Keng Ong)

Bên lề Hội nghị Hướng tới khu vực dịch vụ Hiệp hội các quốc gia Ðông-Nam Á (ASEAN) mới đây tại Hà Nội, trong cuộc trò chuyện với các nhà báo Việt Nam, Tổng Thư ký ASEAN Ong Keng Ong đã khẳng định như vậy.

Ðề cập việc nhiều nước ASEAN có xu hướng tìm kiếm, ký kết Hiệp định mậu dịch tự do (FTA) với các nước bên ngoài Hiệp hội, Tổng Thư ký Ong Keng Ong cho rằng, qua các vòng đàm phán gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có thể thấy không ai được cả và cũng không ai mất hết trong tiến trình này. Vòng đàm phán Urugoay phải bảy năm mới kết thúc. Vòng đàm phán Doha vẫn chưa hoàn tất. Trong bối cảnh đó, các nước không thể "khoanh tay ngồi chờ" một luật chơi chung có tính chất toàn khu vực hoặc toàn cầu, mà phải tự tìm cho nước mình hướng đi. Thí dụ, Singapore muốn xuất khẩu sang Ấn Ðộ nhưng Ấn Ðộ luôn áp thuế 20-30% đối với hàng hóa Singapore. Hai nước này đã dàn xếp với nhau đi đến thỏa thuận để được hưởng mức thuế 0% Singapore phải đáp ứng yêu cầu của Ấn Ðộ là ưu đãi lĩnh vực ngân hàng vì ngân hàng của Ấn Ðộ trường vốn. Có thể thấy việc các nước ASEAN ký FTA với bên ngoài không ảnh hưởng quan hệ ASEAN, ngược lại còn tốt hơn, tạo điều kiện để các nước trong khu vực dễ dàng mở rộng quan hệ đối tác. Vấn đề quan trọng là các nước cần xác định đâu là lợi thế của mình.

Về Hiệp định tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) vừa có hiệu lực, Tổng Thư ký Ong Keng Ong cho rằng đây là thỏa thuận mậu dịch tự do đầu tiên giữa ASEAN và một đối tác. ACFTA sẽ tạo ra một khu vực kinh tế rộng lớn với 1,7 tỷ người tiêu dùng, GDP lên tới 2.000 tỷ USD và tổng kim ngạch thương mại hằng năm ước tính khoảng 1.230 tỷ USD. Việc xóa bỏ các rào cản thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ giúp giảm chi phí, tăng kim ngạch thương mại và nâng cao hiệu quả kinh tế. Việc ACFTA sẽ miễn thuế xuất nhập khẩu đối với 7.000 loại mặt hàng, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn thuế xuất, nhập khẩu đối với tất cả hàng hóa trao đổi giữa hai bên vào năm 2010 sẽ góp phần tăng cường ổn định kinh tế ở khu vực Ðông Á, bằng cách đó ASEAN và Trung Quốc có vị thế quan trọng hơn tại các diễn đàn thương mại quốc tế về những vấn đề hai bên cùng quan tâm. Tổng Thư ký Ong Keng Ong khẳng định, với tất cả những thành quả đã và đang đạt được, hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác sẽ tiếp tục phát triển và gặt hái nhiều thành tựu trong tương lai.

Tổng Thư ký Ong Keng Ong bày tỏ vui mừng sang Việt Nam đúng dịp nước ta kỷ niệm lần thứ 10 Ngày gia nhập ASEAN. Nhận xét về những đóng góp của Việt Nam trong gia đình ASEAN, ông nêu rõ: Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động của ASEAN, kết quả tiêu biểu thể hiện ở sự tăng trưởng kinh tế ở mức cao liên tục, đứng đầu Hiệp hội. Ðã có rất nhiều quyết định quan trọng, mang tính lịch sử của ASEAN được thực hiện ở Hà Nội kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN, điển hình là tại Hội nghị cấp cao ASEAN VI, tổ chức tháng 12-1998 tại Hà Nội, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua "Kế hoạch Hành động Hà Nội". Sự kiện này thúc đẩy việc hiện thực hóa sớm tiến trình Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và giúp các nước trong khu vực phục hồi kinh tế mạnh sau cơn bão tài chính-tiền tệ châu Á năm 1997. Việt Nam còn có vai trò quan trọng trong tiến trình ra quyết định về các vấn đề đối ngoại giữa ASEAN và các đối tác. Việt Nam đã sử dụng tốt những kinh nghiệm lịch sử của mình trong lĩnh vực ngoại giao đề xuất những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ đối ngoại của ASEAN, giúp ASEAN tăng cường quan hệ với nhiều đối tác lớn trong khu vực và trên trường quốc tế. Chẳng hạn, Việt Nam và Ấn Ðộ có quan hệ hữu nghị rất chặt chẽ. Khi ASEAN thảo luận về Ấn Ðộ, kể cả những vấn đề nhạy cảm, Việt Nam đã khuyến nghị ASEAN tăng cường quan hệ với Ấn Ðộ, chỉ rõ rằng điều đó mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên và thực tế đã chứng minh Ấn Ðộ là một đối tác lớn đầy tiềm năng của ASEAN. Việt Nam luôn duy trì nguyên tắc là bạn với tất cả các nước, quan hệ bình đẳng với các nước và nguyên tắc này góp phần rất lớn vào việc giữ gìn ổn định khu vực.

----------------

Vui ngày lễ chung của hai dân tộc
(Phó Giám đốc QCI, Cuba)

Ông Ênh-ri-kề Mu-lét Mô-rê-nô, Phó Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư quốc tế (QCI) của Cuba có Văn phòng đại diện tại Hà Nội, vừa kết thúc chuyến công tác dài ngày tại công trường xây dựng đường Hồ Chí Minh. E.M.Mô-rê-nô sang Việt Nam ngay sau khi Công ty QCI ký kết dự án giám sát kỹ thuật xây dựng đường Hồ Chí Minh vào tháng 11-2000. Ông cho biết, từ lâu hình ảnh đất nước Việt Nam anh hùng luôn thôi thúc nhiều người Cu-ba muốn thăm Việt Nam. Công ty QCI giành quyền tư vấn, giám sát xây dựng đường Hồ Chí Minh lịch sử khi Hà Nội còn nghèo, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, đường phố nhỏ hẹp chỉ toàn là xe máy và xe đạp. Nhưng kinh tế Việt Nam mấy năm gần đây phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đã làm thay đổi diện mạo các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, kéo theo sự phát triển đồng bộ của cơ sở hạ tầng, đường sá. Ðời sống nhân dân được cải thiện. Thể hiện rõ nét nhất là việc xuất hiện liên tiếp các công trình kiến trúc đồ sộ, khu đô thị văn minh, hiện đại và nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như bao quanh lấy thành phố tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhiều trung tâm thương mại hiện đại đã xuất hiện tại Hà Nội và các thành phố lớn khác. Ðường được mở rộng gấp nhiều lần và việc xuất hiện ngày càng nhiều những chiếc xe ô-tô tư nhân sang trọng là sự phản ánh rõ ràng về một cuộc sống ấm no, giàu có của người Việt Nam trong thời đại mới. Việt Nam không ngừng đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, mở cửa và hội nhập với bên ngoài.

QCI chuyên tư vấn giám sát các công trình xây dựng tại nước ngoài, hiện đã có mặt tại các nước Mỹ la-tinh, Algeria, Iraq và châu Á... Tuy mới chỉ hoạt động tại Việt Nam chưa đầy năm năm trong lĩnh vực tư vấn và giám sát xây dựng, nhưng QCI đã ký kết và đang triển khai nhiều dự án lớn tại Việt Nam như: Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh, dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh đi Trung Lương và dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm... Hiện công ty chuẩn bị kết thúc giai đoạn một dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh và chuyển sang giai đoạn hai vào năm 2006. QCI cũng đang tiếp tục đàm phán với phía Việt Nam trong nhiều dự án quan trọng khác.

Từ lâu nhân dân Cuba đã có tình cảm đặc biệt đối với nhân dân Việt Nam, khâm phục tinh thần bất khuất trước kẻ thù, hăng say chiến đấu, lao động của người dân Việt Nam. Cùng sống và làm việc với các cộng sự người Việt Nam trong suốt năm năm qua, có thể cảm nhận sâu sắc tinh thần làm việc hăng say, cần cù, chịu khó, thông minh và ham học hỏi của người Việt Nam. Mọi người trong Công ty QCI không phân biệt là người Việt Nam hay Cuba, tất cả đều sống chan hòa. Mỗi dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của hai dân tộc, cả công ty lại tưng bừng, nhộn nhịp hẳn lên trong niềm vui trước các ngày lễ chung của hai nước. Năm nay, QCI có các hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 ngay tại trụ sở Văn phòng đại diện của Công ty QCI ở Hà Nội và 13 văn phòng khác tại hiện trường các dự án đang thi công. "Giữa hai dân tộc Cuba và Việt Nam có sự đồng cảm sâu sắc, ngày lễ của Việt Nam cũng là ngày lễ của chính nhân dân Cuba. Những người Cuba làm việc, công tác tại đất nước của Hồ Chí Minh vô cùng hạnh phúc vì mọi người dân Việt Nam luôn dành tình cảm hữu nghị, đoàn kết đặc biệt cho nhân dân Cuba".

Quang Thiều

----------------

Vị thế quốc tế được nâng cao
(Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC Choi Seok Young)

Hội nghị quốc tế về chuẩn bị Năm APEC Việt Nam 2006 vừa qua có sự tham gia của gần 200 đại biểu 21 nền kinh tế thành viên APEC. Việc đăng cai Hội nghị cấp cao APEC vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Việt Nam. Năm 2006 là một mốc quan trọng trong sự phát triển của APEC, cũng như của Việt Nam. Việt Nam có thể thông qua vai trò chủ nhà tổ chức các sự kiện của APEC để đưa ra cam kết đầy đủ của mình trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, đối với thế giới Việt Nam là một nền kinh tế thị trường và mở cửa.

Tháng 4 vừa qua, Việt Nam đã chính thức giới thiệu biểu tượng Năm APEC Việt Nam 2006. Biểu tượng này thể hiện mong muốn của nước chủ nhà về một cộng đồng toàn cầu đang trong quá trình phát triển năng động và liên tục. Thông điệp quan trọng Việt Nam muốn gửi tới khu vực đó là việc xây dựng một cộng đồng kinh tế phát triển bền vững. Hợp tác trong APEC xoay quanh ba trụ cột chính, gồm tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế kỹ thuật. Các dự án hợp tác trong APEC hiện nay tập trung nhiều vào lĩnh vực thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế. Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, trong những năm qua theo đuổi chính sách phát triển kinh tế bền vững, nên hợp tác kinh tế đóng góp quan trọng vào thúc đẩy hội nhập khu vực và quốc tế và trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng của Việt Nam. Năm APEC Việt Nam 2006 chắc chắn sẽ tạo những mốc quan trọng trong sự phát triển và hội nhập của Việt Nam.

Vậy APEC đánh giá thế nào về các cam kết mở cửa và hội nhập kinh tế của Việt Nam và sự tham gia của Việt Nam trong hợp tác của Diễn đàn? "Năm tới Việt Nam sẽ giữ vai trò lãnh đạo trong hợp tác của APEC, nên có trách nhiệm chính trong việc soạn thảo các văn kiện hợp tác của Diễn đàn trên cương vị nước chủ nhà. Chắc rằng các sáng kiến của Việt Nam, nước chủ nhà APEC 2006 sẽ đáp ứng những vấn đề quan tâm của tất cả các thành viên, nhằm thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các nền kinh tế thành viên, vì sự phát triển và thịnh vượng của khu vực".

Về vấn đề Việt Nam đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các thành viên APEC trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO. Việc trở thành thành viên tổ chức này không chỉ là động lực cho Việt Nam đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế, mà còn tạo ra các cơ hội hợp tác cho tất cả các thành viên của WTO. Việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ thúc đẩy sự tham gia và hợp tác của Việt Nam trong APEC.

Trong chuyến công tác đầu tiên tới Hà Nội, ông Choi Seok Young có nhiều cảm nhận về đất nước và con người Việt Nam. Ông nói: "Trước đây, qua sách, báo tôi đã rất khâm phục sự dũng cảm và mạnh mẽ của người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ðến Hà Nội, cũng như nhiều người nước ngoài khác, tôi thấy rõ Việt Nam là một đất nước với những con người tài năng và năng động, phát triển nhanh chóng. Tôi thật sự khâm phục sự hiếu học của người Việt Nam. Trường đại học đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện cách đây gần một nghìn năm. Ngày nay, các trường đại học của Việt Nam đang đào tạo những sinh viên có trình độ ngang bằng với nhiều quốc gia có nền giáo dục trình độ cao". Người Việt Nam làm việc hết sức cần cù và cũng rất tài năng. Có thể nói rằng, Việt Nam thuộc hàng các quốc gia trên thế giới có nguồn nhân lực trẻ. Ðây là một nguồn lực quan trọng bảo đảm cho phát triển trong tương lai đất nước này.

CHU HỒNG THẮNG

----------------

Như quê hương thứ hai
(Chị A-le-xi-a Bu-ca, Thụy Sĩ)

Lần đầu tôi đặt chân đến Hà Nội là tháng 3-1997. Hồi ấy xe đạp còn là phương tiện phổ biến trên các đường phố, đi lại chưa đông đúc và những công trình xây dựng ít hơn bây giờ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hà Nội đã thay đổi rất nhiều. Những trạm điện thoại công cộng, hệ thống giao thông, đến những nhà hàng, khách sạn, các trung tâm mua sắm và nhiều công trình lớn mọc lên như nấm khắp mọi nơi. Sự phát triển năng động của Việt Nam đã tạo nhiều cơ hội kinh doanh, việc làm cho người dân cũng như cơ hội trao đổi công nghệ. Tôi hy vọng mặc dù phát triển nhanh nhưng Hà Nội vẫn giữ được các nét độc đáo khiến cho thành phố này được biết đến như là thành phố đẹp nhất ở Ðông-Nam Á.

Chính sách đổi mới do Ðảng CS Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã mở cửa cho Việt Nam phát triển thịnh vượng. Có thể nhận thấy sự phát triển rất nhanh ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt Việt Nam trước những thách thức, nhất là để bảo đảm sự thịnh vượng đến được với tất cả các tầng lớp nhân dân, phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường.

Tôi vô cùng khâm phục những bậc lão thành cách mạng, cựu chiến binh của Việt Nam, những người đã cống hiến cuộc đời đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc. Tôi rất ngưỡng mộ những tổ chức và cá nhân đề cao truyền thống "uống nước nhớ nguồn" quan tâm chia sẻ những khó khăn của họ trong cuộc sống thường ngày.

Tôi rất yêu sự yên tĩnh, những vườn hoa đẹp, hồ nước trong xanh, các công trình kiến trúc cổ kính và duyên dáng ở Hà Nội. Thật là thú vị những lúc rảnh rỗi thả bộ trên các khu phố cổ, uống cà-phê và mua sắm quần áo thời trang. Người Việt Nam rất cởi mở, thân thiện. Phong cảnh, các di sản văn hóa truyền thống của Việt Nam luôn gần gũi trong trái tim tôi. Chính vì vậy, Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Món ăn Việt Nam rất đa dạng, sạch và ngon được nhiều người nước ngoài yêu thích như bún chả, bò lá lốt, bánh cuốn... Tôi đã thăm nhiều nơi ở cả ba miền bắc, trung, nam như Sa Pa, Hội An, Phan Thiết..., mỗi nơi để lại những ấn tượng đáng nhớ. Tôi yêu Hà Nội và không muốn xa thành phố mà đối với tôi thật sự là đẹp nhất này.

Gia đình, người thân, bạn bè ở Thụy Sĩ chia sẻ với tôi những tình cảm và ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam. Có người đã từng thăm Việt Nam vài lần. Tôi tự hào và hạnh phúc khi chị gái tôi đã sinh một cháu trai đúng vào Ngày Quốc khánh Việt Nam và đặt tên cho cháu là Xuân, một cái tên Việt Nam. Tôi rất khâm phục những đức tính của người Việt Nam. Ðó là những người sống trong tình cảm gia đình, cần cù, chăm chỉ và có lòng quyết tâm mạnh mẽ.

HỒNG CẦM

----------------

Sức hấp dẫn về kinh tế và du lịch
(D.Pô-lích, Tham tán Thương mại thuộc Ðại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội)

Gần tám năm làm việc tại Việt Nam ông D.Pô-lích chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trên thế giới cũng như ở Việt Nam có ảnh hưởng đối với thành công trong kinh tế và đời sống xã hội của Việt Nam. Ông nhận xét: Nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh trong những năm gần đây, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng hơn 7%/năm. Xuất nhập khẩu, một động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng có sự tăng trưởng cao hằng năm. Ðáng chú ý là Việt Nam phấn đấu đạt được sự tăng trưởng cao về kinh tế cũng như kim ngạch xuất nhập khẩu trong bối cảnh điều kiện trong nước cũng như quốc tế không mấy thuận lợi. Ðó là phải đối mặt với thiên tai (như hạn hán và lũ lụt) và dịch bệnh (như bệnh viêm đường hô hấp cấp - SARS và dịch cúm gia cầm). Ngoài ra, cuối những năm 90 của thế kỷ 20, kinh tế thế giới phát triển chậm lại do bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ và nạn khủng bố quốc tế đã tác động tiêu cực nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Nền kinh tế phát triển nhanh làm thay đổi diện mạo cuộc sống của người Việt Nam. Ðiều này có thể nhận thấy rất rõ ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Người dân có thu nhập trung bình sở hữu xe máy và điện thoại di động đã trở thành điều bình thường ở Việt Nam.

Thời gian gần đây Việt Nam là nước chủ nhà của nhiều sự kiện và hội nghị mang tầm cỡ quốc tế. Tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM). Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng là nơi đã diễn ra Ðại hội thể thao các nước Ðông-Nam Á (SEA Games) và Giải bóng đá Tiger Cup. Ðiều đó khẳng định vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, mang đến cho người dân ở các thành phố nói trên của Việt Nam nhiều lợi ích. Trong những năm gần đây Hà Nội đã đưa vào hoạt động sân bay quốc tế mới Nội Bài, xây dựng thêm một số khách sạn 5 sao, các trung tâm thương mại; các tuyến xe buýt thành phố đã được đưa vào hoạt động, cải tạo các tuyến đường phố và lắp đặt đèn báo hiệu giao thông mới ở các ngã tư lớn.

Những chuyển biến nói trên càng làm cho Liên hiệp châu Âu (EU), trong đó có Ba Lan, có xu hướng tăng nhiều vốn đầu tư vào kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quan hệ thương mại với Việt Nam. Chính phủ Ba Lan có ý định cung cấp khoản tín dụng mới cho Việt Nam để phát triển ngành đóng tàu trị giá 80 triệu USD và xây dựng nhà máy nhiệt điện 200 MW ở Việt Nam trị giá 200 triệu USD. Các nhà đầu tư nước ngoài vui mừng trước những quy định về đầu tư nước ngoài của Việt Nam được thay đổi theo hướng có lợi cho họ.

Ông D.Pô-lích đánh giá cao và rất khả quan về con người Việt Nam. Nụ cười thường trực trên khuôn mặt, sự cởi mở, thân thiện và hiếu khách là những điều làm các dân tộc khác phải ngưỡng mộ. Người Việt Nam có thể tự hào về đất nước tươi đẹp của mình. Bằng những việc làm cụ thể, tuy còn khó khăn, người dân Việt Nam sẽ đưa đất nước mình trở thành một trong những nước hấp dẫn về kinh tế và du lịch trong khu vực. Nhân dân Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu này.

Thanh Trà