Xe buýt kém phát triển vì... tài xế
Các Website khác - 14/03/2006

TP HCM hiện có chưa tới 4% người dân thường xuyên sử dụng xe buýt. Làm thế nào giảm trợ giá từ ngân sách nhưng xe buýt vẫn phát triển, số người sử dụng nhiều hơn... là vấn đề được bàn bạc sôi nổi tại buổi làm việc chiều 13/3, giữa Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố và các sở, ban ngành liên quan.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng, nhu cầu đi lại của người dân TP HCM bằng các phương tiện công cộng là rất cao. Nhưng do chất lượng phục vụ của xe buýt, đặc biệt là thái độ thiếu văn minh của một số tài xế, nên nhiều người ngại sử dụng phương tiện này.

Trưởng Ban kinh tế - Ngân sách HĐND TP, ông Nguyễn Minh Hoàng, nêu thông tin, hiện nay lương, thu nhập của lái xe, tiếp viên của nhiều doanh nghiệp, nhất là ở các hợp tác xã (HTX) vận tải thấp so với mặt bằng chung. Ví dụ theo tính toán, lương của lái xe ở doanh nghiệp quốc doanh, liên doanh hoặc công ty TNHH khoảng 3 triệu đồng/tháng, còn lái xe ở một số HTX chỉ là 1-1,5 triệu đồng.

Năm 2006 sẽ có hai bến xe buýt lớn và bến xe Chợ Lớn sẽ hoàn toàn giành cho xe buýt. Ảnh: Lưu Đức

"Thu nhập thấp như vậy thì làm sao lái xe có thể phục vụ hành khách để hoạt động của xe buýt ngày càng tốt hơn?", ông Hoàng đặt câu hỏi.

Ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở Giao thông công chính, cho biết, Sở có nắm được thông tin về tiền lương lái xe ở một số HTX là rất thấp, thậm chí lái xe, tiếp viên không được HTX đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo luật định. Thông thường lái xe, tiếp viên thoả thuận nhận và giao khoán chạy theo chuyến với chủ xe hoặc HTX nên mức khoán chuyến có thể thấp. "Để có tiền công cao, lái xe phải tăng chuyến, tăng giờ chạy xe. Trong môi trường lái xe buýt căng thẳng, luôn có thể va chạm với xã hội mà lái xe được trả lương thấp thì trước mắt là nguy hiểm đối với từng chuyến xe. Về tổng thể lớn hơn thì ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định, bền vững của xe buýt thành phố", ông Thanh nhìn nhận.

Tiền trợ giá từ ngân sách có được sử dụng đúng?

Ông Nguyễn Minh Hoàng đã đặt ra vấn đề này. Hiện TP HCM có nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xe buýt dưới các hình thức tổ chức là HTX, quốc doanh, liên doanh và công ty TNHH. Trong đó, loại hình HTX chiếm ưu thế về thị phần sản lượng và công suất (hơn 77% về sản lượng và hơn 65% về công suất xe).

Thế nhưng, như một cán bộ Sở GTCC băn khoăn, bộ máy kế toán tài chính ở các HTX rất yếu kém. Các thủ tục thanh quyết toán, nhận tiền trợ giá rồi thanh toán cho chủ xe, trả lương cho lái xe, tiếp viên rất chậm. "Và không loại trừ đồng tiền trợ giá đã bị một số chủ nhiệm, nghiệp chủ ngắt bớt trên đường đến tay lái xe, tiếp viên", cán bộ này nêu vấn đề.

Trong khi đó, theo ông Trương Quốc Mão, Trưởng phòng Tài chính, Sở GTCC, do quy định của Luật HTX nên cơ quan quản lý Nhà nước như Sở GTCC không thể đi sâu vào hoạt động kinh tế của các HTX. Còn ông Dương Hồng Thanh cho biết, thực tế Sở GTCC và Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng có mở các lớp tập huấn về tài chính, tiền lương cho chủ nhiệm, nhân viên các HTX. "Nhưng sau lớp học, có năm ông hiểu, năm ông không. Thậm chí có trường hợp cán bộ kế toán của Sở hay Trung tâm phải làm giùm bản quyết toán cho HTX để đồng tiền trợ giá đến nhanh với lái xe, tiếp viên".

"Có quá nhiều HTX nhỏ lẻ, manh mún nên sức mạnh kinh tế và hiệu quả quản lý không cao. Đây là lực cản lớn đến sự phát triển bền vững của xe buýt ở TP HCM", ông Lê Trung Tính, Phó trưởng phòng quản lý vận tải - công nghiệp, Sở GTCC, nhận định.

Năm 2006, sẽ có thêm 8 tuyến xe buýt hai tầng thay vì một tuyến như hiện nay. Ảnh: Lưu Đức

Sẽ tổ chức lại các HTX xe buýt

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTCC, khẳng định, việc phát triển xe buýt ở TP HCM về lâu dài vẫn sẽ dựa trên kinh tế hợp tác. Trong năm 2006, Sở GTCC sẽ làm tham mưu cho UBND TP và cùng với Liên minh các HTX thành phố lập đề án tổ chức lại các HTX. Theo đó, từ khoảng 35 HTX xe buýt nhỏ, lẻ, manh mún hiện tại sẽ "gom" lại còn 7-10 HTX mạnh với bộ máy tinh thông.

"Quản lý, điều hành hoạt động xe buýt ở các doanh nghiệp nói chung và các HTX nói riêng cần minh bạch, công khai, lành mạnh và công bằng. Nếu không xe buýt sẽ không phát triển bền vững và cả chương trình lớn mà thành phố đã xây dựng nhiều năm qua sẽ bị... hỏng", ông Hoàng kết luận.

Ban Kinh tế - Ngân sách yêu cầu Sở GTCC sớm có bản đánh giá ưu, khuyết của từng loại hình doanh nghiệp, thành phần kinh tế tham gia hoạt động buýt để có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp. Ngoài ra, Sở GTCC nên nhanh chóng có kiến nghị về việc cho phép quảng cáo trên thành xe buýt để tạo nguồn thu thay vì thuần túy dựa vào trợ giá trực tiếp từ ngân sách thành phố.

Theo báo cáo của Sở GTCC, hiện TP HCM có 205 tuyến xe buýt, tăng 49 tuyến so với năm 2004. Trong năm 2005 có hơn 205 triệu lượt hành khách đi xe buýt, tăng gần 75% so với 2004. Tuy nhiên, số tiền thành phố trợ giá cho hoạt động này là hơn 420 tỷ đồng, tăng trên 100% so với năm trước. Dự kiến năm 2006, khoản trợ giá sẽ là khoảng 500 tỷ đồng. Cũng trong năm nay, thành phố sẽ mở thêm 50 tuyến xe buýt mới, trong đó sẽ có 8 tuyến xe buýt hai tầng.

Lưu Đức

Ý kiến của bạn