“Cửa ải” mỹ nhân
Các Website khác - 18/10/2008

 

 
Ảnh minh họa.

“Duyên kỳ ngộ” đã đưa N. gặp được một “đại mỹ nhân” có tên H. Theo lời N. thì H. đẹp đến mức mà có ngắm suốt cả buổi cũng không thấy chán (!), cố tìm cho được một khiếm khuyết trên thân hình cô cũng là một điều không thể.

 

Ai đó đã thật đúng khi nói: “Thượng đế sinh ra người đàn ông để sáng tạo thế giới, lại sinh ra người đàn bà để khống chế đàn ông”! Có lẽ do đọc được tâm lý của các bậc “đại trượng phu” là thường hay “thương hoa tiếc nguyệt” và rất dễ mềm lòng khi đối mặt với “cỏ lạ hoa thơm” mà từ rất xa xưa, các nhà binh pháp đã đặt ra “mỹ nhân kế” và thường được vận dụng rất hiệu quả. “Nạn nhân” một khi đã trúng diệu kế này thì chỉ có nước tự “bó giáo quy hàng”.

Nói như vậy để thấy được quyền lực và sức mạnh của những người phụ nữ có nhan sắc hơn người. Nhà xã hội học Đức Max Weber từng cho rằng sắc đẹp chính là điều quyết định đối với số phận và đẳng cấp của người phụ nữ trong xã hội.

Vẫn theo Max Weber, nếu như một mỹ nhân có đạo đức tốt, nhân hậu, có lối sống lành mạnh thì đó quả là một bông hoa ngát hương thắm sắc, tô điểm cho vườn đời thêm rực rỡ, đáng yêu. Nhưng nếu ngược lại, họ dã tâm dùng sắc đẹp của mình và “dùng kế” để mưu lợi và toan tính cá nhân thì khó có thể lường trước được hậu quả đối với xã hội. Đáng tiếc là trong xã hội hiện nay, có không ít những người đàn ông thiếu bản lĩnh, ích kỷ, đã “trúng kế mỹ nhân” và quên đi trách nhiệm người chồng, người cha trong gia đình, thậm chí có người còn trở nên trắng tay, công danh bại hoại.

Câu chuyện thứ nhất: Tôi biết một người đàn ông tên N. năm nay cũng đã ngoại tứ tuần. Anh ta buôn bán bất động sản, giàu có cỡ ở Hà Nội, đã có vợ và hai con gái nhưng rất ít khi anh ta xuất hiện ở nhà mà thường vi vu trên chiếc Camry đời mới với lý do nghe rất thuyết phục: Vì công việc!

 

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

  

“Duyên kỳ ngộ” đã đưa N. gặp được một “đại mỹ nhân” có tên H. Theo lời N. thì H. đẹp đến mức mà có ngắm suốt cả buổi cũng không thấy chán (!), cố tìm cho được một khiếm khuyết trên thân hình cô cũng là một điều không thể. Khuôn mặt diễm lệ, hai má luôn ửng hồng, đôi mắt biếc, cặp môi thắm mọng, đôi chân dài...

H. vốn là người mẫu chuyên nghiệp và tuổi đời còn rất trẻ. Dù thuộc “phái yếu” nhưng H. lại rất sành về rượu. N. kể rằng, ngay lần đầu tiên gặp nhau, H. đã để lại “ấn tượng khó phai” khi không ngần ngại “chơi” hết một chai Remy Martin 0,75l. “Điều khoản” mà H. thường đưa ra với những người đàn ông đi chung là sau khi nhậu thật đã, tới vũ trường uống tiếp và sau cùng về nghỉ tại khách sạn hạng sang. Tất nhiên, khi đó “bạn trai” muốn làm “trò trống gì” là tùy ý!

Có lẽ vì H. quá đẹp nên chắc hẳn đã có rất nhiều “hảo hán” dám vung tiền qua đêm với cô, vì sau này khi N. hỏi, H. thú nhận là không thể nhớ nổi đã có bao nhiêu người đàn ông “đi qua cuộc đời” của mình.

Chỉ có N. là “lì đòn” nhất, một là do N. nghĩ: Tiền thì có thể kiếm được chứ người đẹp thế này thì trong đời mấy khi gặp được, hai là được H. ban cho “đặc ân”: Không tính tiền sau mỗi cuộc mây mưa! Bù lại là những chuyến nghỉ đi dài ngày ở những điểm du lịch nổi tiếng.

Những ngày tháng ngao du, vui thú bên người đẹp đã làm cho vốn liếng tích góp từ trước của N. cứ như lá khô vào mùa rụng. Dần dà, N. bán nốt cả chiếc xe hơi để lấy tiền chu cấp cho “đại mỹ nhân” sắm sửa phấn son, quần áo. Cuối cùng thì câu chuyện cũng đến hồi kết khi N. chẳng còn một xu dính túi. “Nàng” đã ra đi không một chút vấn vương, để lại N. với nỗi sầu khôn nguôi, cõi lòng tan nát! Tiền hết, tình cũng bay theo. Một câu chuyện có thực giữa cuộc đời mà tôi cứ ngỡ như là cổ tích. Ngạc nhiên thay, N. không cảm thấy xót tiền của mà chỉ “xót” vì mình không ...đủ độ giàu có để giữ được người đẹp bên mình lâu hơn nữa!

Câu chuyện thứ hai: Ở trường Đại học C., lâu nay sinh viên vẫn rỉ tai nhau về chuyện tình của thầy giáo S. và một nữ sinh viên. Thầy S. còn trẻ trung nhưng đã có vợ và một con gái. Vợ S. cũng từng là sinh viên của trường mà S. đang giảng dạy. Là một cán bộ Đoàn nên các phong trào văn hóa văn nghệ trong trường không khi nào thầy S. vắng mặt. Vì thế mà trong một cuộc thi sinh viên thanh lịch, một trong 3 thí sinh đẹp nhất đã lọt vào mắt S. và trở thành vợ của anh ta hiện giờ.

Mọi người cũng thấy lạ vì vợ S. là người phụ nữ rất duyên dáng, xinh đẹp, chung thủy, vậy mà anh ta vẫn muốn “thắp lửa tình” trong tim người con gái khác là duyên cớ làm sao? “Bóng hồng” mà thầy S. vẫn thậm thụt hẹn hò là một nữ sinh viên năm thứ 3 có tên là T. Cô này quê ở Hải Dương, học hành buổi đực buổi cái nhưng nhan sắc thì có thể liệt vào hàng hoa khôi.

Thầy S. cũng chẳng phải tay vừa, chuyên môn khá, năng động, lại có biệt tài là “tán” cực dẻo. Ai cũng bảo; “gái sắc” như em T. mà gặp “trai tài” như thầy S. thì thật chẳng khác nào “duyên trời định”. Và thế là chuyện đã diễn ra như nó phải diễn ra.

Nhưng ở đời, có lửa thì tất sẽ có khói. Chuyện “yêu nhau” của thầy S. và T. đã không thể nào thoát khỏi tai mắt của “quần chúng”. Nhiều sinh viên đã trông thấy T. ôm eo thầy S. rất tình tứ lướt đi trên đường Thanh Niên lãng mạn vào thời điểm rất khuya. Có người còn trông thấy họ “thơm nhau” trong một quán cà phê vắng. Thề rồi một đồn mười, mười đồn trăm và bây giờ thì hầu như sinh viên cả trường đều biết chuyện. Chỉ có vợ thầy S. là “mãi lâu sau mới biết”, do vô tình đọc mẩu tin “chết người” mà T. đã “sơ suất” nhắn vào máy điện thoại của thầy S. : “em luôn nhớ và yêu anh...”

Vợ S. đã tức tốc mở cuộc “điều tra” và không lâu sau đã lần ra được thủ phạm. Thế là từ đó, những cuộc khẩu chiến kịch liệt đã diễn ra trong ngôi nhà hạnh phúc một thời của thầy S. Thật oái oăm là khi vợ S. đến gặp T. để nói chuyện thì T. không những không “biết sợ” mà lại còn lên giọng thách thức: “Tôi yêu anh S. là quyền của tôi. Bà còn chen vào thì đừng có trách!” (!) Nghe nói, T. còn định thuê cả đầu gấu để “dằn mặt” vợ S.

Thực ra trong mối tình của thầy S. và T. chắc chắn có những toan tính của cả hai bên. Nghe nói, chiếc “giấc mơ 2” mà T. đang đi là của thầy S. sắm cho. Nghe nói, T. sắp mở cửa hàng quần áo mà vốn là do thầy S. đầu tư! Lại nghe nói thầy S. hứa sẽ xin việc “chỗ ngon” cho T. sau khi T. ra trường...

 

Hai câu chuyện trên đây chỉ là số ít so với thực tế “giơ tay chịu trói” khi đi qua “ cửa ải mỹ nhân” của rất nhiều đấng nam nhi. Những người phụ nữ có sắc đẹp như những bông hoa rực rỡ và rất đáng để cho cuộc đời chiêm ngưỡng. Đáng sợ là những “bông hoa rực rỡ” đó nhiều khi còn giấu trong mình những mũi gai sắc nhọn tẩm thuốc độc, làm toạc da chảy máu những người chạm tay vào no.

Theo Đại Đoàn Kết