Đi xem diễu hành đồng tính ở Paris
Các Website khác - 26/06/2005

(VietNamNet) - Chục năm nay, cứ đến ngày 25/6, hàng ngàn người đồng tính lại đổ về Paris tham gia cuộc diễu hành "Tự hào là người đồng tính". Dân Paris, người bình thản, người không giấu nổi ánh mắt khó chịu, bởi ngay trong lòng xã hội Pháp, những quan niệm về "giới thứ ba" cũng rất đối lập nhau.

Soạn: AM 458517 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Diễu hành "Tự hào là người đồng tính".

Đoàn diễu hành gồm hàng trăm ngàn người và cả trăm chiếc xe lộng lẫy cờ hoa, biểu ngữ, hình nộm, ồn ào kèn trống, âm nhạc chầm chậm qua những phố lớn của Thủ đô. Vừa đi, các đôi vừa hát múa, hô vang khẩu hiệu đòi quyền kết hôn và nhận con nuôi rất bài bản. Và, thỉnh thoảng lại... hôn nhau. Tài liệu về "giới thứ ba" (người đồng tính luyến ái), tờ rơi bay như bươm bướm; bao cao su phát tới tấp cho bất cứ ai khắp các tuyến đường đoàn đi qua.

Theo thông báo của Ban tổ chức cuộc diễu hành "Tự hào là người đồng tính", năm 2004 ở Paris có đến 200.000 người đồng tính tham gia; năm nay con số này cũng tương đương. Diễu hành "Tự hào là người đồng tính" được tổ chức từ 28/5 -2/7 ở 16 thành phố của Pháp, trong đó có Paris.

Trước cảnh tượng náo động, nhiều người dân Paris im lặng quay đi, gắng giữ vẻ bình thản. Nhưng cũng không ít người, dù không phải là dân đồng tính, vui vẻ nhập vào đoàn người để bày tỏ sự ủng hộ. Theo báo chí Pháp, nhiều nhân vật danh tiếng cũng tham gia cuộc diễu hành thường niên này. Trong đó có Thị trưởng TP Paris, Bertrand Delanoe, người công khai thừa nhận mình là gays...

Marais - "thủ phủ" của dân đồng tính luyến ái

Vài năm trở lại đây, khu Marais (gần ga tàu điện ngầm Saint Paul) trở thành "lãnh địa" của những người thuộc "giới thứ ba" ở Paris. Thả bộ dọc các đường phố, sẽ thấy nhiều đôi, gays (đồng tính luyến ái nam) hoặc lesbiennes (đồng tính nữ), tay trong tay, đắm đuối vuốt ve, ôm hôn, tình tứ dạo trên hè. Giống như bất kỳ cặp tình nhân nào trên đời, họ cũng nũng nịu, âu yếm hoặc giận hờn.

Bảo tàng lịch sử Paris Carnavalet ở phố Sévigné là điểm hẹn ưa thích của
những cặp uyên ương đặc biệt này. Rất nhiều đôi thuộc giới trí thức, nghệ sĩ đến đây tâm tình. Cũng tại đây, họ thoải mái trình diễn các kiểu thời trang lạ đời, hay những tác phẩm nghệ thuật vô cùng ấn tượng mà chẳng ai gọi nổi tên.

Jacques (25 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết, Paris là nơi người đồng tính có thể sống thoải mái nhất. Nhiều người đồng tính luyến ái đã chuyển tới Thủ đô sống để tránh kỳ thị, và nhất là được công nhận như những người bình thường nhất ở khu Marais này.

Đám cưới "lesbien" ở nhà thờ Đức Bà Paris

Chủ nhật (5/6), một đám cưới giữa hai phụ nữ đã diễn ra ở nhà thờ Đức Bà Paris. Ngay sau khi khóa lễ 12h kết thúc, một đoàn diễu hành, đi đầu là "cô dâu""chú rể", "cô dâu" đội khăn voan, mặc áo hồng, "chú rể" cũng mặc trang phục cùng màu, trang trọng tiến vào nhà thờ. Trước bàn thờ Chúa, trong tiếng nhạc hôn lễ phát ra từ một chiếc cassette, "cô dâu""chú rể" trao nhẫn cho nhau, nên vợ nên chồng trước sự chứng kiến của Chúa, và của hàng trăm người chứng kiến. Sau khi kết thúc phần nghi lễ, cặp uyên ương cùng đoàn diễu hành ra khỏi nhà thờ, vừa đi vừa hô vang: "Bao cao su là cuộc sống!", "Đả đảo kỳ thị người đồng tính!"

Soạn: AM 458515 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Diễu hành trong trang phục có một không hai.
Đến cửa nhà thờ, một nhóm gồm cả "gays" "lesbiennes" đồng loạt nằm lăn ra đất và tiếp tục hô khẩu hiệu. Trong lúc lộn xộn, một cha xứ của nhà thờ đã bị xô ngã xuống đất và bị thương nhẹ. Những tờ rơi sau đó được tung ra bay lả tả, nội dung chủ yếu là đòi quyền kết hôn cho người đồng tính luyến ái, phản đối sự kỳ thị với họ.

Những cuộc "nổi loạn" bất ngờ như vậy của người đồng tính luyến ái diễn ra khá thường xuyên ở Pháp, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Paris, Marseille…

Paris - đất "dễ sống"

Để hiểu thêm suy nghĩ và mong muốn của những người tưởng không thể hiểu được này, PV VietNamNet đã trò chuyện chớp nhoáng với một nhóm thanh niên đồng tính luyến ái trong một quán bar của riêng giới họ ở khu Marais.

Các bạn có nghĩ làm một người đồng tính luyến ái ở Pháp sống dễ dàng hơn ở nơi khác không?

Alains (24 tuổi, họa sĩ): Tôi nghĩ điều quan trọng là bạn có thừa nhận mình là đống tính luyến ái hay không. Ở Pháp hay ở nơi khác cũng vậy thôi, có những người dám chấp nhận sự thật, có người không. Tôi nghĩ sẽ dễ dàng hơn với những ai chấp nhận sự khác biệt của bản thân.

Léo (20 tuổi, sinh viên Mỹ thuật): Tôi với Alain công khai tay trong tay trên đường phố, cho dù tôi biết vẫn có những ánh mắt đuổi theo chúng tôi. Tôi nghĩ ở Paris, tôi có thể sống khá thoải mái. Tuy nhiên tôi không nghĩ một người đồng tính ở Pháp thì dễ dàng hơn. Điều đó tùy thuộc vào bạn ở thành phố nào, được nuôi dạy trong môi trường ra sao.

TV, đài báo có phản ánh cuộc sống của các bạn không?

Léo: Chúng tôi được các phương tiện truyền thông đại chúng giúp nhiều. Nhật báo Le Monde và Libération đều tỏ thái độ thiện chí với chúng tôi, và hai tờ báo này trở thành đối trọng với tờ Figaro, tạp chí duy nhất có cái nhìn khá khắt khe với chúng tôi. Các kênh truyền hình thì cả tư nhân lẫn nhà nước đều hoàn toàn thiện cảm với người đồng tính. Hôm trước, trên kênh Canal +, tôi nghe thấy Dave giải thích rất đơn giản việc anh ấy sống với bạn tình theo thỏa thuận PACS (thỏa thuận công nhận sự sống chung hợp pháp của hai người đồng giới, nhưng không có giá trị như giấy hôn thú)
.


Dany (29 tuổi, chủ galerie): Ở Paris, chúng tôi có thể thoải mái tới rạp xem các phim Gay. Và có những chương trình truyền hình rất hấp dẫn về người đồng tính, kiểu như Delarue chẳng hạn…

Năm ngoái, một người đồng tính đã bị thiêu sống ở ngoại ô Paris. Các bạn phản ứng thế nào trước sự kiện đó?

Dany: Chúng tôi bị sốc mạnh, và cả những người khác cũng vậy. Nhưng bạn biết đấy, ở đâu mà chả có những kẻ quá khích. Chính vì thế mà tôi chọn Paris chứ không phải nơi khác. Dù sao ở thủ đô, sự kỳ thị cũng ít hơn, hoặc kín đáo hơn.

Các bạn có vẻ rất thích tổ chức biểu tình và biểu tình cũng rất "có nghề"...

Alain: Đó là cách để chúng tôi đòi bình đẳng. Bạn thấy đấy, chúng tôi vẫn phải biểu tình bởi sự kỳ thị và bất công với chúng tôi vẫn còn. Tôi nghĩ, chỉ hai chc năm nữa thôi, có khi không lâu đến thế, tình dục đồng giới sẽ chỉ là chuyện bình thường trong xã hội.

10% thanh niên đồng tính bị cha mẹ ruồng bỏ

Theo một kết quả nghiên cứu về tình dục mới được công bố trên tạp chí Population của Pháp, tình dục đồng giới đang ngày càng được xã hội Pháp chấp nhận. Xu hướng này trở nên rõ ràng hơn từ 10 năm trở lại đây, với sự gia tăng của số cặp đồng tính có quan hệ bền vững. 60% số người đồng tính sống cặp đôi.

Tuy nhiên, người đồng tính
rất khó được gia đình chấp nhận. Có tới 10% số thanh niên đồng tính bị cha mẹ ruồng bỏ. Những nhận biết đầu tiên về hành vi tính dục đều phải giấu diếm. Chính điều đó thúc đẩy người đồng tính rời khỏi gia đình, đến những thành phố lớn để tìm một môi trường cởi mở hơn, tìm những nơi mà họ có thể giao lưu với những người đồng tính khác và để tìm kiếm bạn tình. Hơn 1/4 số người đồng tính cho biết, họ có tới hơn 10 bạn tình trong 1 năm. Và điều này đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với nguy cơ lây bệnh AIDS khá cao.

Điều đáng ngạc nhiên là việc rời bỏ gia đình không làm cho những người đồng tính rơi vào khủng hoảng. Đa số họ có trình độ học vấn cao hơn của cha mẹ mình và họ thường có nghề nghiệp ổn định, kiếm tiền khá hơn cha mẹ.

Cuối cùng, nghiên cứu này chỉ ra rằng, 60% bạn bè, 49% anh chị em, 45% đồng nghiệp, 43% các bà mẹ và chỉ 27% các ông bố chấp nhận việc người thân của mình có quan hệ tình dục đồng giới.

  • Trần Kim Thanh (từ Paris)