Gặp một bạn trước và sau khi chuyển đổi giới tính
Các Website khác - 14/05/2005

TT - H. là một chủ hụi ở một quận thuộc trung tâm TP.HCM, đến tìm chúng tôi tại trung tâm tư vấn trong một buổi chiều nắng nhạt.

Qua mí mắt xăm đen và đôi chân mày được tỉa tót kỹ lưỡng..., tôi thầm hiểu H. thuộc “giới tính thứ ba”.

Tôi chấp nhận tất cả...

H. vào thẳng vấn đề: “Tôi muốn đi phẫu thuật ở Thái Lan nhưng không biết mọi chuyện sẽ như thế nào... Tôi rất lo lắng, liệu rằng có được chấp nhận, có còn khoái cảm, có bị gì nữa không khi phẫu thuật?”.

H. trao đổi với tôi thật ra mình rất khổ đau, phải trang điểm thật kỹ mỗi khi đi diễn ở các show ca nhạc cấp “làng”. H. cảm nhận được sự thoải mái và duyên dáng khi được mặc chiếc váy dài tha thướt...

Trả lời câu hỏi “nếu sống như vầy, không chịu được những gì” của tôi, H. bảo: “Tôi cần một tình yêu thật sự! Tôi muốn người ta không dè bỉu, muốn được có một gia đình”. Với những gợi mở của tôi, H. vẫn can đảm chấp nhận rằng nếu có mất đi vài năm tuổi thọ cũng không sao, nếu có hết tiền vốn bao năm chắt chiu cũng không sao, nếu có bị phát hiện “giả” vì giọng nói vẫn chưa thật sự thay đổi cũng không sao, nếu có chết... thì xem như số mình xui...

Trả lời câu hỏi “có cần phải có thời gian suy nghĩ thêm hay không?”, H. bảo: “Tôi sẽ suy nghĩ trong vòng một tháng”.

Tiễn H. ra về mà tâm trạng tôi nặng trĩu. Có lẽ không ai muốn mình phải thế, có ai tự chuốc vào mình những nỗi đau dai dẳng. Biết bao người như H. đã thỏa mãn nhu cầu được làm chính mình bằng cách “bộc lộ” qua hành vi, giọng nói, khuôn mặt và hơn thế nữa là nhu cầu tâm hồn, nhu cầu tình dục. Dù muốn hay không, đó cũng là một thực tế...

Khi hình thật đã trở về

Theo số liệu của nhiều tài liệu nghiên cứu về hiện tượng “đồng tính ái”, ở một số quốc gia, tỉ lệ này từ 0,5% và có khi lên đến 3% trên toàn dân số.

Con số này nói lên một thực trạng và nhu cầu chuyển đổi giới tính là nhu cầu có thật và cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc, dài hơi cả trên phương diện tâm lý, sinh lý và xã hội.

Xét trên phương diện tâm lý học, đây hoàn toàn không phải là “bệnh” mà đó chỉ là xu hướng tình dục nên vấn đề còn lại là định hướng, tư vấn.

Ba tháng sau, H. lại đến trung tâm tìm tôi. H. hiện đang sinh hoạt trong một câu lạc bộ của giới “gay” tại thành phố, vẫn làm chủ hụi và bán vải góp. Mỗi tuần đi tập thể dục đều đặn. Phẫu thuật tốn hơn 300 triệu đồng. H. tâm sự với chúng tôi về những bước đường phẫu thuật như trắc nghiệm tâm sinh lý, xét nghiệm bệnh lý, tư vấn tâm lý và sinh lý sau phẫu thuật.

H. còn chia sẻ với chúng tôi rằng có những đối tượng chỉ phẫu thuật nửa người, phẫu thuật thô trên thân thể mà không phẫu thuật thẩm mỹ, có đối tượng phẫu thuật toàn diện... Chọn lựa kiểu nào là do hoàn cảnh cá nhân cũng như điều kiện kinh tế của mỗi người.

Càng tâm sự H. càng phấn chấn, trò chuyện hết sức thoải mái và liên tục hỏi tôi về “dung nhan” mới của mình.

Trao đổi về diễn biến tâm lý của mình, H. nói H. đang có người mới, đó là một người đàn ông thực thụ chứ không phải là “gay”. Lúc này người đó chưa biết H. là người chuyển đổi giới tính nên rất yêu. H. không biết có nên nói thật hay không và lo sợ người ta có chấp nhận hay không. H. thú thật đã quan hệ tình dục với người ấy và thật sự mà nói không cảm thấy khoái cảm như xưa. “Tuy nhiên, tinh thần tôi cảm thấy sung sướng và hạnh phúc lắm”.

Giải pháp cuối cùng mà cô H. quyết định là cứ nói thật rồi người ấy như thế nào cũng mặc, nhưng sự lo lắng của cô làm chúng tôi thật sự bức xúc. Tìm lại được hình của mình đấy nhưng...

H. đã thỏa được nguyện vọng được làm chính mình và sống với chính mình, nhưng rõ ràng trước mắt sẽ phải đối diện bao nhiêu khó khăn, trắc trở - trong đó có cả vấn đề lý lịch, các giấy tờ liên quan một con người, một đời người...

HUỲNH VĂN SƠN (TS tâm lý học)