Những phiền toái đều đặn
Các Website khác - 24/03/2008

TP - Trong đời người phụ nữ, bất kì ai cũng có những lúc gặp phải rắc rối đối với bộ phận "riêng" của phái đẹp. Có thể là rối loạn kinh nguyệt, vài vấn đề về tình dục, viêm nhiễm hay những thay đổi sau khi mang thai...

Sự thay đổi tình trạng khí hư có thể là dấu hiệu đầu tiên của một bệnh trong âm đạo. Những thay đổi trong cách tiểu tiện, như đi tiểu nhiều hơn, rát trong đường tiết niệu cũng có thể là những dấu hiệu của bệnh về âm đạo.

Các bệnh đó có thể là: Nhiễm trùng đường âm đạo như nhiễm nấm, nhiễm trichomoniasis, nhiễm vius papilloma (HPV), hoặc virus Herpes...

Nhiễm trùng cổ tử cung có nhiều nguyên nhân: do dị vật trong âm đạo như một dúm bông chẳng hạn, do những bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia hoặc bệnh lậu cầu khuẩn, do các kiểu quan hệ tình dục đặc biệt như qua đường miệng hoặc hậu môn, do đặt thuốc hoặc thụt rửa...

Những vấn đề khác về âm đạo có thể xảy ra do áp dụng các biện pháp tránh thai, do dùng thuốc, do tuổi tác, hoặc do những thay đổi khi có thai như: sa lệch âm đạo có thể kéo theo sự thay đổi của đường tiết niệu và ruột.

Viêm âm đạo không nhiễm khuẩn có thể lấy ví dụ như: do dị ứng hoặc ngứa ngáy do hóa chất như dùng thuốc xịt âm đạo, tháo thụt hoặc sử dụng chất diệt tinh trùng.

Sự thay đổi hormone khi hết kinh, như viêm âm đạo dạng teo.

Nhiều nguyên nhân gây ngứa, đau, đỏ dộp trong vùng âm đạo, phổ biến nhất là kích thích da vùng sinh dục, mặc quần lót quá chật, hoặc ẩm ướt làm chầy xướt da.

Sự hiện diện và phát triển quá mức các tế bào nấm men, vi khuẩn, virus... đều có thể gây nhiễm trùng âm đạo và làm thay đổi sự cân bằng các sinh vật trong âm đạo. Có 3 loại viêm âm đạo thường gặp nhất là:

• Viêm âm hộ âm đạo do nấm candida

• Viêm âm đạo do vi trùng

• Nhiễm kí sinh trùng (trichomoniasis- trùng màng uốn roi đuôi)

Những triệu chứng thường gặp của viêm nhiễm âm đạo thường là:

Khí hư nhiều và có thay đổi màu như màu nâu, màu xanh hoặc vàng. Âm đạo đỏ, sưng ngứa và đau, có mùi hôi

Rát khi đi tiểu

Đau hoặc chảy máu khi sinh hoạt tình dục

Khi có thai, nếu có những triệu chứng của bệnh âm đạo cần trao đổi với bác sĩ để được xác định rõ nguyên nhân gây ra viêm nhiễm và phải điều trị một cách đúng đắn, không nên tự điều trị lấy ở nhà.

Một số bệnh viêm nhiễm do vi trùng có thể gây nhiễm và tác động đến quá trình mang thai của bạn.

Một bé gái nhỏ có những triệu chứng âm đạo không bình thường cần được đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân. Viêm âm đạo ở các bé gái thường do: các bụi giấy toilet bám vào, do giun kim bò từ hậu môn vào cửa mình, do lây nhiễm các vi trùng gây viêm tai, mũi, họng từ tay của các em, hoặc cũng có thể do bị lạm dụng tình dục. Các triệu chứng là nổi đỏ, mụn, ngứa, đau xung quanh vùng cửa mình của trẻ.

 Điều trị các bệnh ở âm đạo cần xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, mức độ trầm trọng của triệu chứng và phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

 Có nên tự chữa trị bệnh nhiễm nấm âm đạo mà không cần bác sĩ kê đơn? Câu trả lời là "không", trừ khi chính bạn là bác sĩ phụ khoa. Và nếu như có kế hoạch đi khám thì nên chú ý một số điều: không nên thụt, tháo, không bôi, không đặt thuốc vào âm đạo, không nên có quan hệ tình dục trong vòng 48 giờ trước khi đi khám.

 Cần đi viện ngay khi có các triệu chứng cấp như:

- Đau bụng dưới với những triệu chứng khác

- Nhiệt độ cơ thể cao hơn 39oC

- Có những cơn đau dữ dội

Nếu như đau vừa phải, sốt nhẹ bạn có thể theo dõi trong vòng 24 giờ

Những lời khuyên giúp bạn ngăn ngừa bệnh viêm nhiễm âm đạo:

- Nếu bạn nghĩ bạn bị viêm âm đạo thường xuyên do bao cao su, màng, thuốc bôi ngăn tinh trùng hãy trao đổi với bác sĩ để tìm biện pháp tránh thai khác phù hợp hơn.

- Lau chùi sạch sẽ từ phía trước ra phía sau mỗi khi đi vệ sinh xong, tránh làm lan nhiễm vi trùng từ hậu môn ra vùng cửa mình.

- Rửa, vệ sinh cửa mình hàng ngày bằng nước sạch trung tính, không dùng xà phòng thơm. Không tắm bồn bọt và quá nóng. Tráng dội thật kỹ sau khi rửa bằng chất tẩy rửa.

- Trong khi hành kinh nên dùng băng vệ sinh đảm bảo vệ sinh và thay rửa ít nhất 3lần/ngày.

- Dùng quần lót rộng rãi có chất liệu cotton để đảm bảo thoáng

- Khi quần ướt phải thay ngay.

- Tránh tháo thụt.

- Tránh sử dụng các chất xịt khử mùi và các sản phẩm nước hoa. Các chất này có thể gây ngứa dị ứng da vùng sinh dục.

- Không nên có quá nhiều đối tác tình yêu và không sử dụng bao cao su, vì rất dễ lây nhiễm bệnh qua đường tình dục và gây viêm âm đạo.

- Đi tiểu ngay sau khi sinh hoạt tình dục và rửa âm đạo bằng nước mát.

- Hạn chế các hoạt động dễ gây kích thích âm hộ như đi xe đạp, cưỡi ngựa...

- Nếu bị bệnh tiểu đường phải cố gắng kiểm soát lượng đường máu đúng mức.

- Chỉ uống kháng sinh khi thật cần thiết vì kháng sinh có thể gây một số phản ứng phụ như nôn, đi ngoài và kháng sinh có thể giết chết một số những vi sinh vật có lợi.

Bùi Khanh