Các thiếu nữ thường rất sợ béo. |
Chứng sợ béo và nhịn ăn là một dạng rối loạn ăn uống xuất hiện ngày càng nhiều ở tuổi thiếu niên, đặc biệt là các thiếu nữ. Tình trạng này gây nhiều hiệu quả đối với những con người đang tuổi ăn tuổi lớn, như suy nhược, kích động, giảm trí nhớ, dậy thì muộn...
Các rối loạn ăn uống bao gồm việc tự xỉ vả bản thân, có những ý nghĩ, cảm giác tiêu cực về vẻ bề ngoài của mình và về thức ăn, có hành vi ăn uống gây tác động xấu đến cơ thể cũng như các chức năng khác. Một người mắc chứng nhịn ăn thường "tuyệt thực" để giảm cân và thường có thể trọng thấp quá mức cho phép. Còn người mắc chứng sợ béo có cân nặng lên xuống bất thường nhưng ít khi ở mức thấp như chứng nhịn ăn. Hiệp hội chứng sợ béo và nhịn ăn của Mỹ ước tính có khoảng 1% thiếu nữ nước này mắc chứng nhịn ăn và khoảng 10% trong số đó có nguy cơ tử vong cao. Gần 5% sinh viên nữ ở Mỹ mắc chứng sợ béo.
Bác sĩ Edward Versteeg, một nhà tâm lý học y khoa chuyên điều trị chứng rối loạn ăn uống, giải thích rằng khi một người nhịn đói đến mức độ nhất định nào đó, sự mất cân đối hình thể của họ càng trở nên nghiêm trọng hơn mặc dù cân nặng cứ sụt giảm dần. Chính vì vậy, tuy bị giảm cân liên tục nhưng bệnh nhân vẫn cảm thấy mình ngày càng béo hơn.
Yếu tố gây rối loạn ăn uống ở thiếu niên có thể là những áp lực tâm lý (như trầm cảm), là vấn đề về sinh học hay những khó khăn do không thích nghi được với các rắc rối trong gia đình (như lạm dụng chất gây nghiện hay chất cồn). Rối loạn ăn uống có thể là cách đứa trẻ phản ứng lại với những vấn đề đó.
Một số nghiên cứu cho rằng hình ảnh trên các phương tiện truyền thông cũng góp phần gây ra rối loạn ăn uống. Tất cả những phụ nữ xuất hiện trên quảng cáo, phim ảnh, truyền hình hay các chương trình thể thao đều có cơ thể mảnh mai. Điều này khiến cho các cô gái nghĩ rằng gầy gò mới là đẹp. Với nam thiếu niên cũng vậy; các cậu ra sức hạn chế ăn uống và tập luyện nặng nhọc để có thể hình chuẩn như những thần tượng của mình.
Sự thiếu ăn ở lứa tuổi này gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Suy nhược do mất nước cùng những biến chứng khác có thể xảy ra. Trong những giai đoạn tiếp sau, chứng rối loạn ăn uống có thể ảnh hưởng đến não bộ và gây ra những triệu chứng như hoa mắt chóng mặt, uể oải hoặc lả đi vì đói, bị kích động, nhầm lẫn, không thể tập trung và mất trí nhớ. Chứng nhịn ăn có thể gây chậm lớn, dậy thì muộn, loạn nhịp tim, các vấn đề về xương, huyết áp và dạ dày. Chứng sợ béo có thể gây ra những biến chứng như rách hay viêm thực quản, đau dạ dày, mòn men răng do liên tục nôn thức ăn,
các vấn đề về huyết áp...
Rối loạn ăn uống cần chữa trị càng sớm càng tốt. Điều quan trọng nhất là giúp đỡ trẻ đối phó với vấn đề rối loạn hành vi và suy nghĩ của nó về việc ăn uống. Trẻ cần được bác sĩ theo dõi, phục hồi dinh dưỡng, áp dụng các liệu pháp hành vi, tuyên truyền những quan niệm đúng về kích thước cơ thể, hình dáng, việc ăn uống và thức ăn.
Tiến sĩ y khoa Ellen Feingold, chuyên gia y tế về tuổi thiếu niên cho biết, thời gian chữa trị trung bình kéo dài hàng tháng và khoảng gần 20% bệnh nhân cần nhập viện; đó là những trẻ đã bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Thời gian chữa trị trong bệnh viện kéo dài khoảng hai tháng và những tháng tiếp sau đó, bệnh nhân cần có những sự quan tâm chăm sóc một cách kiên nhẫn. Cho dù nguyên nhân gây nên rối loạn ăn uống là gì đi chăng nữa, nếu cha mẹ và con cái cùng hợp tác để tìm hiểu vấn đề thì kết quả chữa trị sẽ rất khả quan.
Sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ cũng có thể giúp con cái tránh nguy cơ rối loạn ăn uống. Hãy động viên trẻ hằng ngày thay vì tỏ ra xem thường con cái mình; nên nhấn mạnh những thế mạnh để xây dựng lòng tự tin cho trẻ, tập cho nó một lối sống khỏe mạnh. Nên thường xuyên động viên con cái tham gia chuẩn bị những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng theo chuẩn thông thường; khuyên con ăn khi cảm thấy đói và không ăn khi còn no. Hãy biến những bài tập trở thành một niềm vui và là một hoạt động thường xuyên trong gia đình. Nếu như bạn có cách nghĩ đúng về thức ăn và tập luyện thì con cái của bạn sẽ có một tấm gương tốt để học tập.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
▪ Phá thai an toàn (31/03/2005)
▪ Thuốc dành cho phái mạnh bị nhái (30/03/2005)
▪ Viêm ruột thừa ở phụ nữ có thai (30/03/2005)
▪ Ăn óc lợn làm bộ phận sinh dục kém phát triển? (30/03/2005)
▪ Chợ 'dụng cụ' phòng the (29/03/2005)
▪ Bệnh tiểu đường gây rối loạn cương dương (29/03/2005)
▪ Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (29/03/2005)
▪ Nhật: Công nghiệp “khách sạn tình yêu” (28/03/2005)
▪ Mang thai và 'chuyện ấy' (28/03/2005)
▪ Hiếm muộn (28/03/2005)